10. Màn trình diễn siêu hạng của Jeremy Lin trong màu áo New York Knicks
Jeremy Lin, cầu thủ Mỹ gốc Đài Loan đầu tiên thi đấu tại NBA. Sự nghiệp của Lin có lẽ sẽ chẳng bao giờ được biết đến quá nhiều, nếu không có những sự biến động trong mùa giải 2011-2012 năm ấy.
Sau chấn thương của một loạt trụ cột nơi vị trí hậu vệ dẫn bóng, HLV Mike D'Antoni khi ấy buộc phải đưa Jeremy Lin vào đội hình xuất phát. Anh ngay lập tức có 25 điểm, 5 rebounds và 7 kiến tạo khi đối đầu với hậu vệ ngôi sao Deron Williams của New Jersey Nets.
Sự vắng mặt của Carmelo Anthony và Amar'e Stoudemire càng khiến cho Lin có cơ hội tỏa sáng hơn nữa. Anh ghi 38 điểm trong chiến thắng trước Los Angeles Lakers của Kobe Bryant và trong 2 tháng sau đó, chàng hậu vệ này có trung bình 20,9 điểm, 8,4 kiến tạo trong mỗi trận mình thi đấu. Cái tên "Linsanity", một phép chơi chữ của tên Lin và chữ "Insanity - phi thường" chính thức xuất hiện kể từ thời điểm đó.
Mặc dù sự nghiệp sau này của Jeremy Lin không gặp quá nhiều thuận lợi, nhưng màn tỏa sáng của anh trong những tháng ngày khoác áo New York Knicks được xem như là một hiện tượng của NBA khi đó.
9. Phi vụ chuyển nhượng "thảm họa" của Brooklyn Nets
Mùa hè năm 2013, Brooklyn Nets trong một yêu cầu cải tổ đội bóng, đã quyết định thương lượng với Boston Celtics để đem về một thương vụ chuyển nhượng đình đám. Họ đem về bộ 3 ngôi sao của Celtics là Kevin Garnett, Paul Pierce và Jason Terry, đổi lại là Gerald Wallace, Kris Humphries, MarShon Brooks, Keith Bogans, Kris Joseph cùng 3 lượt Pick vòng 1 của các năm 2014, 2016 và 2017.
Đây là 1 trong những thương vụ chuyển nhượng "thảm họa" nhất mà NBA từng chứng kiến. Kevin Garnett và Paul Pierce gần như đã bỏ lại quãng thời gian đỉnh cao của mình tại Boston Celtics, trong khi Jason Terry cũng đã có tuổi vào thời điểm đó.
Suốt gần 5 năm tiếp theo, Nets gần như ngụp lặn ở đáy BXH NBA mà không có 1 sự nâng cấp đáng kể về mặt đội hình. Sau khi giám đốc điều hành Billy King rời ghế vào năm 2016 và Sean Marks lên thay, Nets mới có thể chắt chiu những lượt Pick thấp của mình để xây dựng lại đội bóng từ đầu.
Về phía Boston Celtics, những cầu thủ được trao đổi không có quá nhiều đóng góp cho đội bóng. Nhưng những lượt Pick nhận được từ Nets giúp họ đem về Jaylen Brown (2016) và Jayson Tatum (2017), những ngôi sao đầy hứa hẹn trong những năm tới đây.
8. Cú ném 3 điểm của Ray Allen ở Game 6 NBA Finals 2013
Ở Game 6 NBA Finals 2013, Miami Heat đang bị dẫn trước với tổng tỉ số 2-3. Ray Allen có cú ném 3 điểm gỡ hòa 95-95 cho Miami Heat ở những giây cuối cùng, giúp đội bóng này giành chiến thắng trong hiệp phụ và thắng luôn Game 7 sau đó để giành chức vô địch.
Tuy nhiên, nếu cú ra tay của Ray Allen không đi vào rổ, lịch sử NBA sẽ rẽ sang 1 chiều hướng mới rất nhiều. Đế chế Miami Heat sẽ không có chức vô địch thứ 2 cũng như Big-3 Chris Bosh, Dywane Wade và LeBron James rất có thể sẽ tan rã sớm hơn dự kiến.
Bộ 3 của San Antonio Spurs là Tony Parker, Manu Ginobili và Tim Duncan sẽ có chức vô địch thứ 5 cùng nhau, vượt qua mọi bộ 3 khác trong lịch sử NBA như Magic Johnson - James Worthy - Kareem Abdul-Jabbar, Larry Bird - Kevin McHale - Robert Parrish hay Michael Jordan - Scottie Pippen - Dennis Rodman.
Có thể nói, cú ném 3 điểm của Ray Allen gần như đã cứu cả mùa giải 2013 của Miami Heat và cứu cho cả đế chế này tồn tại thêm 1 năm nữa, trước khi cũng bị chính San Antonio Spurs đánh bại ở NBA Finals 2014.
7. Trận đấu cuối cùng của Kobe Bryant
Cuộc vui nào cũng sẽ đến lúc tàn, sự nghiệp vĩ đại nào cũng sẽ đến hồi kết thúc. Chuyến hành trình 20 năm của Kobe Bryant, một trong những cầu thủ xuất sắc nhất ở NBA chính thức dừng lại trong trận đấu với Utah Jazz vào ngày 13/04/2016.
Ngay trong trận đấu chia tay sự nghiệp của mình, cầu thủ có biệt danh "Black Mamba" còn kịp thiết lập lên 1 kỷ lục khác, khi trở thành cầu thủ lớn tuổi nhất tại NBA ghi 60 điểm khi đã 37 tuổi và 234 ngày.
Kobe Bryant chỉ trung thành với 1 màu áo Los Angeles Lakers suốt 20 năm sự nghiệp. Anh có 5 chức vô địch NBA, 2 danh hiệu Finals MVP, 18 lần tham dự All Star, 1 lần đoạt giải MVP, ghi trung bình 25 điểm/trận và đứng thứ 3 trong danh sách ghi điểm mọi thời đại của NBA cùng với hàng loạt kỉ lục cá nhân khác. Kobe Bryant không chỉ là cầu thủ vĩ đại nhất NBA trong thập niên 2000 mà tầm ảnh hưởng của anh cho giới bóng rổ là không gì có thể so sánh được.
Đối với Los Angeles Lakers, sẽ không còn một ai có thể khoác lên mình chiếc áo số 8 và 24 nữa bởi đơn giản, 2 số áo ấy gắn liền với một huyền thoại.
6. Màn lội ngược dòng lịch sử của Cleveland Cavaliers tại NBA Finals 2016
Trong lịch sử NBA, tỉ số 3-1 đã có 32 lần xuất hiện trong loạt trận Chung kết và chưa từng có một đội bóng nào có thể lội ngược dòng để bước lên ngôi vô địch. Tuy nhiên, Cleveland Cavaliers của năm 2016 lại có thể làm được kỳ tích ấy.
Đối đầu với một đội bóng hùng mạnh là Golden State Warriors, những người đang nắm giữ thành tích 73 thắng - 9 thua ở Regular Season năm đó. Cavaliers nhanh chóng bị đối phương dẫn trước đến 1-3 trong loạt NBA Finals, nhưng đã gỡ hòa 3-3 ngay sau đó.
Ở Game 7, khi tỉ số 89-89 được 2 đội duy trì suốt 3 phút, LeBron James có cú chặn bóng quan trọng trước Andre Iguodala, trước khi Kyrie Irivng ném một cú 3 điểm quan trọng, đưa Cavaliers vươn lên dẫn trước và sau đó giành luôn chức vô địch ngay tại sân ORACLE Arena của đối thủ.
Cùng với lời hứa "Tôi sẽ mang chức vô địch về lại Cleveland" của LeBron James, cuộc lội ngược dòng của họ sẽ mãi đi vào lịch sử NBA như một trong những sự kiện ấn tượng nhất trong toàn thập kỷ 2010.
5. Khái niệm Big-3 hình thành tại Miami Heat
Mùa hè năm 2010, Miami Heat quyết định tất tay trên thị trường chuyển nhượng khi đem về Chris Bosh và siêu sao LeBron James để kết hợp cùng với Dywane Wade, tạo thành một trong những Big-3 hùng mạnh nhất mà NBA từng chứng kiến trong lịch sử.
Với bộ 3 ngôi sao của mình, Miami Heat trở thành một đế chế hùng mạnh trong 4 năm đầu của thập niên 2010, với 2 chức vô địch vào năm 2012 và 2013. Mặc dù đã bị San Antonio Spurs chặn đứng "Cú ăn 3" vào năm 2014, nhưng không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của một đội bóng siêu sao lên cả giải đấu NBA trong những năm sau đó.
Sau mùa giải 2014, LeBron James trở về quê nhà Cleveland Cavaliers để thực hiện lời hứa của mình với đội bóng này. Dywane Wade và Chris Bosh tiếp tục ở lại, nhưng sức mạnh của họ đã không còn được duy trì như trước.
4. Sự trỗi dậy và suy tàn của Golden State Warriors
Sau khi đế chế Miami Heat kết thúc vào năm 2014, một đế chế khác manh nha hình thành ở miền Tây là Golden State Warriors. Cùng với HLV Steve Kerr và dàn cầu thủ lấy từ Draft của mình, "Cầu Cổng Vàng" nhanh chóng thống trị NBA kể từ mùa giải 2014-2015 với sức mạnh hủy diệt ở vạch 3 điểm cùng khả năng luân chuyển bóng cực kỳ đáng sợ.
Sau khi để thua Cleveland Cavaliers trong loạt NBA Finals năm 2016, Warriors ngay lập tức chiêu mộ Kevin Durant, biến đội bóng này gần như không thể bị đánh bại suốt 2 mùa giải sau đó.
Tuy nhiên, chấn thương của Kevin Durant và Klay Thompson trong loạt NBA Finals 2019 đã khiến hy vọng giành "Cú ăn 3" của họ tan thành mây khói trước Toronto Raptors. Sau mùa giải này, Kevin Durant rời đội bóng, Andre Iguodala và Shaun Livingston giải nghệ cùng chấn thương của Stephen Curry sau đó đã khiến Warriors tụt dốc không phanh trên ở mùa giải mới.
Ở mùa giải hiện tại, đội bóng từng 3 lần vô địch NBA trong 5 mùa giải gần nhất chỉ đang có thành tích 9 thắng - 25 thua và ngày càng xa rời hy vọng giành vé dự Playoffs.
3. Kawhi Leonard - Kẻ lật đổ những đế chế hùng mạnh
Nửa đầu thập niên 2010, NBA đứng dưới sự thống trị của đế chế Miami Heat, trong khi ở nửa sau là màn độc diễn của Golden State Warriors. Cả 2 đội bóng đều rất hùng mạnh và đều bị chấm dứt giai đoạn hào hùng của mình chỉ bởi 1 cái tên, Kawhi Leonard.
Loạt trận NBA Finals 2014, Miami Heat đứng trước "Cú ăn 3" lịch sử của CLB, trong khi San Antonio Spurs mang quyết tâm rất lớn đòi lại món nợ trong trận chung kết trước đó vào năm 2013. Màn trình diễn đỉnh cao của Kawhi Leonard khi kèm được LeBron James là một trong những tác nhân chính cho chức vô địch của Spurs, sau khi giành chiến thắng trước đối thủ với tổng tỉ số 4-1. Bản thân Kawhi Leonard ẵm luôn danh hiệu Finals MVP năm đó.
NBA Finals năm 2019, Kawhi Leonard dẫn dắt Toronto Raptors đến với chức vô địch lần đầu tiên trong lịch sử CLB, sau khi vượt qua Golden State Warriors với tổng tỉ số 4-2, đồng thời chặn đứng luôn "Cú ăn 3" của Stephen Curry và các đồng đội. Cũng như năm 2014, Kawhi Leonard tiếp tục đem về danh hiệu Finals MVP thứ 2 cho bản thân mình.
Với những thành tích kể trên, có thể nói Kawhi Leonard chính là "kẻ hủy diệt những đế chế tại NBA".
2. Cuộc cách mạng 3 điểm tại NBA
Ở những thời kỳ trước đó, bóng rổ bị chi phối bởi cuộc chơi của những bigman có thể hình vượt trội. Sẽ rất hiếm khi NHM có thể chứng kiến 1 trận đấu có trên 100 điểm, đi kèm là những màn thi đấu va chạm và máu lửa hơn rất nhiều.
Vạch 3 điểm được ra đời vào năm 1979, nhưng phải đến tận nửa sau của thập niên 2010, nó mới thực sự trở thành 1 vũ khí đáng gờm. Đội bóng đi tiên phong cho lối chơi 3 điểm phải kể đến Golden State Warriors, với sự có mặt của Stephen Curry trong đội hình. Hệ thống tấn công của họ luôn xoay quanh những cú ném 3 điểm, khiến cho lối chơi của cả nền bóng rổ thay đổi 1 cách chóng mặt, không chỉ riêng NBA mà còn trên cả thế giới.
Bên cạnh đó còn là triết lý của Daryl Morey, giám đốc điều hành của Houston Rockets với ý tưởng "ném 3 hoặc lên rổ". Những cú ném tầm trung yêu cầu một kỹ năng khá cao nơi các cầu thủ, nhưng hiệu suất lại không bằng những cú lên rổ và số điểm cũng chẳng bằng được 1 quả ném 3 điểm. Ở mùa giải 2018-2019, 1 đội bóng có trung bình 932 cú ném 3 thành công, gần gấp đôi so với những gì họ thực hiện 10 năm về trước (527 quả 3 điểm).
Lối chơi 3 điểm biến NBA trở thành một sàn đấu hấp dẫn của bóng rổ tấn công, khi mà những tỉ số cao ngất ngưởng liên tục xuất hiện trên bảng điện tử. Tuy nhiên, cũng có không ít những ý kiến cho rằng điều này đã khiến bóng rổ mất đi "cái hồn" của nó suốt từ những ngày đầu thành lập.
1. Sự ra đi của LeBron James và Kevin Durant - Ranh giới của vĩ đại và kẻ phản bội
LeBron James dứt tình quê hương với Cleveland Cavaliers năm 2010 để đến với Miami Heat, trong khi Kevin Durant cũng từ bỏ 9 năm gắn bó cùng Oklahoma City Thunder để chuyển đến Golden State Warriors. Mục đích của cả hai đều là chiếc nhẫn vô địch NBA danh giá, thứ mà họ chưa từng có được ở thời điểm đó.
LeBron James có 2 chức vô địch cùng với Miami Heat, trong khi Kevin Durant cũng làm được điều tương tự ở sân ORACLE Arena. Họ đã có được thứ cao quý nhất trong sự nghiệp, nhưng với nhiều người, cả 2 chẳng khác nào những kẻ phản bội đáng ghét mà NBA từng chứng kiến trong 10 năm qua.
Có những ý kiến cho rằng, cả LeBron James và Kevin Durant đều có những lý do chính đáng của riêng mình và không một ai có quyền phán xét họ về điều đó. Chỉ biết được rằng, những sự ra đi này đã tạo ra 2 đế chế hùng mạnh của NBA trong thập niên 2010 là Miami Heat và Golden State Warriors.
Sau này, LeBron James đã quay trở về để giúp Cleveland Cavaliers lên ngôi vô địch vào năm 2016. Còn Kevin Durant có lẽ sẽ chẳng bao giờ còn cơ hội khoác áo Thunder trong thời kỳ đỉnh cao của mình.
Ảnh: NBA.
Bạn nên quan tâm