UBND TP Hà Nội đã đồng ý để sân Mỹ Đình đón khán giả trong hai trận Việt Nam – Nhật Bản (11/11) và Việt Nam – Saudi Arabia (16/11) với số lượng bằng 30% ghế ngồi của sân.
Khoảng 12.000 CĐV mỗi trận sẽ được xem trực tiếp và đó là nguồn lực hấp dẫn dành cho tuyển Việt Nam, VFF và cả đất nước.
1. Tuyển Việt Nam rất cần người hâm mộ
Đội tuyển Việt Nam đã thua 4 trận liên tiếp ở vòng loại 3 World Cup 2022. Con số sẽ là 5 nếu tính cả trận thua 2-3 trước UAE ở lượt cuối vòng loại 2. Chưa khi nào, đoàn quân dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo trải qua chuỗi trận thua dài đến thế. Thất bại 1-3 trước Oman đã kéo tinh thần các cầu thủ xuống đáy.
Sắp tới, tuyển Việt Nam tiếp tục chạm trán hai đối thủ mạnh nhất nhì châu Á. Xét tổng thể, tuyển Việt Nam đều kém Nhật Bản, Saudi Arabia ở hầu hết các yếu tố. Lợi thế duy nhất của đội chính là sự cổ vũ của khán giả trên sân nhà.
HLV Graham Arnold như mở cờ trong bụng khi biết sân Mỹ Đình không đón khán giả ngày 7/9. HLV tuyển Australia nhiều lần khẳng định tuyển Việt Nam không còn lợi thế gì trước trận đấu. Một trận đấu không khác gì trên sân trung lập và lợi thế, sự thoải mái khi ấy lại thuộc về tập thể đội khách.
Không phải ngẫu nhiên VFF quyết tâm để sân Mỹ Đình được mở cửa đón khán giả. Dù số lượng khán giả ít hay nhiều, nó vẫn tạo nên khác biệt. Các cầu thủ thi đấu hưng phấn hơn và như thường lệ, sức ép lớn hơn sẽ thuộc về đội khách.
Tuyển Việt Nam sẽ được tiếp sức. Yếu tố ấy cũng tạo ra niềm tin nhiều hơn về một kết quả tốt trước những đối thủ mạnh.
2. VFF giảm thất thu vì các trận đấu không khán giả
Gần 2 năm ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, VFF cũng như nhiều liên đoàn thể thao khác trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề về doanh thu tài chính. Một trong những khoản thâm hụt nằm ở việc các trận đấu sân nhà không được đón khán giả.
Các trận đấu của tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo luôn đầy ắp khán giả vì sức hấp dẫn. Sân Mỹ Đình có sức chứa khoảng 40.000 khán giả, trừ đi khoảng 10.000 vé mời và vé dành cho nhà tài trợ thì VFF vẫn có thể thu tiền từ 30.000 vé.
Ở vòng loại 2, VFF bán vé với 4 mệnh giá 200.000, 300.000, 400.000 và 500.000 đồng/vé. Nếu tính giá trung bình là 350.000 đồng/vé nhân với 30.000 vé được bán, VFF thu về 10,5 tỷ đồng/trận. Nếu 5 trận sân nhà ở vòng loại 3 bán hết vé, VFF đã có thể thu về tổng cộng 52,5 tỷ đồng.
Thế nhưng, trận gặp Australia ngày 7/9 đã đá không khán giả. Cũng ở vòng loại 2, VFF phải hoàn tiền cho người hâm mộ do trận gặp Indonesia bị hoãn vì dịch, sau này đá ở UAE. Như vậy, VFF đã thất thu khoảng 21 tỷ đồng. Con số sẽ còn gia tăng khi hai trận đấu trước mắt đá số lượng khán giả hạn chế.
Với 12.000 vé, VFF có lẽ sẽ dành khoảng 3.000 vé cho nhà tài trợ và vé mời. 9.000 vé còn lại nếu bán với giá trung bình như trên sẽ thu về khoảng 6,3 tỷ đồng cho hai trận.
Thế nhưng, con số có lẽ sẽ thấp hơn do VFF tính toán giảm giá vé để hỗ trợ người hâm mộ vì còn mất chi phí xét nghiệm Covid-19. Nếu phải xét nghiệm theo phương pháp RT-PCR, mỗi khán giả sẽ mất thêm khoảng 700.000 – 800.000 đồng để tới xem tuyển Việt Nam thi đấu.
Như vậy, sau 3 trận sân nhà vòng loại 3, VFF thất thu khoảng 25,2 tỷ đồng. Thế nhưng, 6,3 tỷ đồng thu được vẫn là con số đáng kể trong thời kỳ đại dịch. Số tiền đó hoàn toàn đủ để chi trả tiền thuê sân bãi, khách sạn, phương tiện di chuyển cho tuyển Việt Nam và đội khách.
3. Khán giả đến sân như một thông báo tích cực tới thế giới
Năm ngoái, Việt Nam từng tự hào khi các trận đấu ở V.League đầy ắp khán giả trong khi các sân đấu trên thế giới trống vắng khi dịch bệnh hoành hành. Hình ảnh ấy gián tiếp báo hiệu về thành quả chống dịch của một quốc gia.
Đợt dịch Covid-19 thứ 4 tác động mạnh đến mọi mặt đời sống, xã hội Việt Nam. Trận Việt Nam – Nhật Bản ngày 11/11 tới đón khán giả tới sân là một cách để báo hiệu cho thế giới biết tình hình chống dịch ở Việt Nam đã có những kết quả tích cực.
Số lượng khán giả hạn chế cho thấy Việt Nam vẫn cần thêm thời gian nhưng chí ít nó đem lại sự lạc quan sau gần 4 tháng phong toả chống dịch, đặc biệt ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM.
Bóng đá là môn thể thao vua ở Việt Nam và đây chính là lúc nó thể hiện một sứ mệnh khác bên ngoài tinh thần thể thao truyền thống.