U23 Việt Nam 1-0 U23 Oman | Highlights cúp Tứ Hùng 2018
Cách bố trí đội hình của HLV người Hàn cho thấy ông đã khá yên tâm với bộ khung chính thức, và chỉ cần thêm một bài kiểm tra nhỏ nữa để hoàn thiện nốt những mảnh ghép cho phần còn lại. Tính toán ấy khiến ông hoàn toàn thoải mái dù đội bóng của mình chơi rời rạc suốt hiệp đấu đầu tiên.
Đó là khoảng thời gian mà đa số những cầu thủ vốn không có tiếng nói chung hoặc không có thói quen được chơi các trận đấu quốc tế, bị đẩy vào thế cần phải chứng tỏ giá trị của mình. Cũng dễ hiểu khi Tiến Linh "biến mất" trên hàng công, còn Minh Vương, Hùng Dũng, Việt Hưng cầm bóng rất nhiều ở hàng tiền vệ nhưng quá khó khăn để tạo ra dù chỉ một lần xé rách tuyến phòng ngự đối thủ.
Trong thế trận bế tắc ấy, những người đã từng "lên số" ở Thường Châu như Đức Huy, Xuân Mạnh hay Văn Đức cũng chỉ chơi được mức tròn vai. Còn ở hàng thủ, Tấn Sinh thậm chí còn bị điểm trừ với tình huống bị Al Agbari "gặt" qua dễ dàng ngay trước vòng cấm.
Giá trị duy nhất được ghi nhận chỉ là sự trở lại của Bùi Tiến Dũng. Những pha xử lý an toàn và cú đẩy bóng bằng phản xạ xuất sắc cứu thua cho Olympic Việt Nam hẳn rất ý nghĩa với cả anh và ông Park. Hơi buồn cho Văn Hoàng, nhưng có lẽ danh sách 2 thủ môn đi Asiad đã được chốt lại từ lúc này.
HLV Park Hang-seo chia sẻ trong phòng họp báo sau trận đấu.
Tất nhiên, ông thầy người Hàn không phung phí cả một trận giao hữu chỉ để đội bóng và khán giả quen với cảm giác luẩn quẩn, tù túng. Ông có niềm tin ở những cầu thủ có "gen" đột biến, và củng cố niềm tin ấy bằng cách đẩy họ vào sân ở tình thế không hề thuận lợi.
Đấy là Văn Toàn, người không được chơi một phút nào trong trận đầu tiên, nhưng đã có một hiệp hai hoàn hảo trước Oman bằng tốc độ, kỹ thuật và cả ý chí phi thường của một chiến binh quyết tâm đòi vé đi ASIAD. Một cú đánh đầu dội xà, một đường xẻ ngược như dọn cỗ nhưng Đức Chinh bỏ lỡ, cộng thêm vô số những pha quấy phá ở đáy biên, bài test dành cho Toàn ắt được chấm điểm ưu.
Khả năng bứt tốc và gây đột biến giúp Văn Toàn chắc suất dự ASIAD 2018. Ảnh: Tiến Tuấn.
Đấy là Đức Chinh, người chưa có duyên với bàn thắng, nhưng sự xuất hiện của anh giúp đồng đội có một đích ngắm rõ ràng hơn ở tuyến trên. Điều có thể khẳng định được là những người chơi rất gần anh như Hùng Dũng, Xuân Mạnh và Văn Đức đã có thêm nhiều cơ hội. Điển hình là ở cú sút của Hùng Dũng ngay trong vòng cấm, anh được rảnh chân khi có đến 2 hậu vệ Oman phải để mắt đến pha xâm nhập của Đức Chinh.
Và đương nhiên, đấy là Văn Hậu, một chân chạy cánh rất cừ mà ông Park may mắn được thừa hưởng như một hậu vệ kiêm luôn tiền vệ. Độ "phủ sóng" dọc biên trái của Văn Hậu là không cần bàn cãi, cũng hiển nhiên như việc anh thỉnh thoảng lại ghi một siêu phẩm giống kiểu… thói quen khó bỏ.
Bàn thắng quý giá của Văn Hậu khiến SVĐ Mỹ Đình bùng nổ cũng như giúp U23 Việt Nam chính thức vô địch sớm ở giải giao hữu Tứ Hùng. Ảnh: Tiến Tuấn.
Hơn nửa giờ có Văn Hậu, Văn Toàn, Đức Chinh, Đình Trọng cũng chính là lúc Olympic Việt Nam "lột xác" trong một trận đấu mà ông Park Hang-seo không đặt nặng mục tiêu chiến thắng nhưng chắc chắn cũng không muốn gây thất vọng. Nó được mở đầu bằng cú sút kẻ chỉ chệch cầu môn phút 64, và khép lại bởi pha vẩy má ngoài sửng sốt phút 89, đều của cầu thủ trẻ quê Thái Bình. Bàn thắng độc đáo đó chỉ tô điểm thêm cái kết "có hậu" cho những đợt hãm thành dồn dập, một thứ sức ép được tạo ra bởi những nhân tố Asiad.
Lúc này, Olympic Việt Nam có lẽ không cần đến trận cuối với U23 Uzbekistan để vô địch giải giao hữu, còn thầy Park về cơ bản đã có thể chốt danh sách đến ngày hội thể thao châu lục. Cái duyên kỳ lạ của ông Park là ở chỗ đôi khi đội chơi dở mà lại… hóa hay!
Bảng xếp hạng sau 2 lượt đấu giải Tứ hùng.