Nhiều vị trí chơi dưới sức
U22 Việt Nam chơi tiến bộ qua từng trận nhưng không phải cá nhân nào cũng có phong độ cao trong cuộc đọ sức với U22 Indonesia. Lê Văn Đô, Quan Văn Chuẩn, Phan Tuấn Tài hay Hồ Văn Cường chơi chưa tốt, khiến hàng thủ thường xuyên bị đặt vào tình huống nguy hiểm. Để đối thủ dễ dàng tiếp cận khung thành, việc U22 Việt Nam thủng lưới 3 lần không phải điều bất ngờ.
Chỉ có đúng 17 cầu thủ trong tay, không dễ để HLV Troussier đưa ra điều chỉnh nhân sự cho phù hợp. Ít lựa chọn thay người, quân bài dự bị không có nhiều khác biệt là vấn đề mà nhà cầm quân người Pháp chưa thể giải quyết.
U22 Việt Nam thua U22 Indonesia.
Quốc Việt vắng mặt
Nguyễn Quốc Việt không phải cầu thủ đá chính cho U22 Việt Nam. Nhưng sự xuất hiện của tiền đạo sinh năm 2003 mỗi lần vào sân thay người mang đến nhiều tính đột biến. Quốc Việt lắt léo, tăng tốc đoạn ngắn ấn tượng và khả năng qua người chính là điểm khác biệt của cầu thủ này. Có Quốc Việt, HLV Troussier có thêm một mũi xuyên phá quan trọng ở hành lang trái.
Quốc Việt gặp chấn thương đáng tiếc và không thể thi đấu ở phần còn lại của SEA Games 32. Trước U22 Indonesia giàu thể lực, U22 Việt Nam đành chấp nhận để Văn Khang đá biên trái khi Thanh Nhàn chấn thương. Trong khi đó, Văn Đô chơi thất vọng ở cánh đối diện nhưng ông Troussier chẳng còn cách nào.
Hàng thủ thiếu quyết liệt
Cả 3 bàn thua của U22 Việt Nam đến từ những lỗi có phần sơ đẳng và một chút thiếu quyết liệt của hàng thủ. Ở lần thủng lưới đầu tiên, Trần Quang Thịnh đón sai điểm rơi nhưng các hậu vệ khác không có phản ứng đủ nhanh để sửa sai cho đồng đội. Bàn thua tiếp theo đến khi cầu thủ U22 Việt Nam không sẵn sàng cho tình huống phòng ngự bóng 2 trước vòng cấm.
Chẳng gặp sự theo kèm nào, cầu thủ U22 Indonesia dễ dàng dứt điểm ghi bàn. Đến bàn thua cuối cùng, hậu vệ U22 Việt Nam không phạm lỗi dứt khoát để ngăn cản pha phản công của U22 Indonesia. Khi đối phương tiếp cận được vòng cấm, khoảng trống vẫn rất nhiều dù U22 Việt Nam có lợi thế về quân số.
Cầu thủ U22 Việt Nam thiếu tỉnh táo trong 8 phút bù giờ
Trên lý thuyết, 8 phút bù giờ là đủ để U22 Việt Nam có thể ghi thêm bàn thắng vào lưới U22 Indonesia và kết thúc sớm trận đấu. Tuy nhiên, luôn có sự mạo hiểm nếu đội hình dâng cao trong quãng thời gian cuối trận đấu. Nếu để thủng lưới, bất kì đội bóng nào cũng khó sửa sai. U22 Việt Nam đã thua theo cách như vậy.
Đừng nhầm tưởng HLV Troussier chỉ đạo học trò dồn ép đối phương theo cách như vậy. Ông liên tục ra dấu yêu cầu U22 Việt Nam chơi bình tĩnh hơn, kiểm soát bóng chắc chắn hơn. Nhưng rồi, các cầu thủ còn trẻ, sự hưng phấn lên cao khiến họ không còn làm chủ được tâm trí và đôi chân. Họ ra quyết định sai.
Thiếu người kiến tạo tốt
Đây không phải câu chuyện mới với U22 Việt Nam. Người chơi tốt nhất ở khu trung tuyến của đội bóng là Nguyễn Thái Sơn. Cầu thủ trẻ của CLB Thanh Hoá thu hồi bóng rất tốt, chạy không biết mệt, có thể đột phá cá nhân nhưng anh không phải chân chuyền đủ sắc sảo. Đức Phú cũng là mẫu cầu thủ tương tự như vậy.
Nhật Nam, Xuân Tiến và đặc biệt là Công Đến thi đấu thất vọng. Họ có kĩ thuật cá nhân điêu luyện, mang theo kì vọng về những đường chuyền "hiểm". Nhưng rồi, chính từ một nỗ lực chuyền bóng khó không cần thiết, Công Đến để mất bóng. Các đồng đội phía sau lưng anh để đối phương vượt qua và ghi bàn thắng quyết định.