Vào những ngày này, cách tốt nhất của các CĐV MU là quên đi thực tế buồn thảm và tìm chút an ủi trong quá khứ vinh quang. Nhưng nếu họ đi xa hơn một chút trong dòng thời gian, chắc chắn sẽ giật mình bởi sự tương đồng của MU hiện tại với MU của những năm 1970. Và nếu lịch sử lặp lại một cách hoàn toàn, Quỷ đỏ sẽ xuống hạng vào cuối mùa giải.
Bạn biết Sir Matt Busby chứ? Phải rồi, người đàn ông vĩ đại này đã phục hưng MU sau thảm họa Munich, biến họ thành đội bóng số một. Trước khi vô địch châu Âu vào năm 1968, Quỷ đỏ đã lên ngôi vương nước Anh năm 1967. Đến năm 1969, Busby nghỉ hưu.
Và MU bước vào thời kỳ loạn lạc. Họ bắt đầu trượt dốc không phanh và Wilf McGuinness, Frank O'Farrell rồi ngay cả sự trở lại ngắn ngủi của Busby cũng không cứu vãn nổi quá trình suy tàn. Sau đó, Tommy Docherty được bổ nhiệm với sứ mệnh tái cơ cấu đội bóng, đẩy đi những cầu thủ già cỗi và trao cơ hội cho lứa trẻ, đúng với triết lý của Busby.
MU thất bại trong trận derby Manchester ở mùa giải 1973/74 mà họ sẽ rớt hạng.
Một vài dấu hiệu tươi sáng được tạo ra với Brian Kidd, Lou Macari và Sammy McIlroy. Song tương lai là cái gì đó xa vời, trong khi hiện tại héo tàn nhanh chóng. Mùa 1973/74, tức 7 năm sau thời điểm vô địch nước Anh, MU xuống hạng.
Vậy mà đã có lúc người ta tưởng rằng MU sẽ không bao giờ xuống hạng. Đội bóng này quá lớn để viễn cảnh đó không thể xảy ra.
Sau 45 năm, lịch sử đang lặp lại. Giống như Busby, khả năng quản lý thiên tài của Sir Alex Ferguson đã khỏa lấp và che đậy những thiếu sót của MU. Đến khi ông rời đi, các vết rạn ngày một lớn, đủ để kéo sụp cả một đế chế.
Tất nhiên MU phải làm điều gì đó. Và họ bổ nhiệm Ole Gunnar Solskjaer, ủng hộ ông thực hiện cuộc cách mạng dựa trên các triết lý căn bản của đội bóng. Những cầu thủ bị cho là không phù hợp lần lượt rời khỏi CLB, nhường chỗ cho các gương mặt trẻ.
Vào thời gian này, những đứa trẻ của Solskjaer chỉ mang đến nỗi thất vọng.
Với những gì đã thể hiện, Daniel James, Marcus Rashford, Andreas Pereira hay Mason Greenwood có thể trở thành ngôi sao trong tương lai. Tuy nhiên ở hiện tại, họ quá non để không có khả năng gánh vác trọng trách phục hưng Quỷ đỏ.
Hệ quả là MU chỉ kiếm được 9 điểm sau 8 trận và rơi xuống nửa sau của BXH, cách nhóm xuống hạng 2 điểm. Đội bóng của Solskjaer hầu như không thể ghi bàn, vì vậy không thể chiến thắng. Lại thêm chất lượng tồi tệ của hàng phòng ngự, họ có thể thua bất cứ đối thủ nào, dù đó là Crystal Palace, West Ham hay Newcastle.
Sau mỗi kết quả tồi tệ, Solskjaer thường lái câu chuyện về tương lai. Như cách đây không lâu, ông tuyên bố sẽ kiên trì với các cầu thủ trẻ và tin tưởng những mầm non đang ươm sẽ nở hoa. Vấn đề là tương lai luôn đến chậm, trong khi hiện tại đã cận kề vực thẳm.
Solskjaer đang bất lực để ngăn chặn quá trình suy tàn của Quỷ đỏ.
Đừng nói là những năm 1970, bây giờ một đội bóng lớn cũng có thể xuống hạng như thường. Mùa 2015/16 là một ví dụ, nhà đương kim vô địch Chelsea đã tuột dốc khủng khiếp và xếp thứ 16 sau 16 vòng đầu. Nhiều người tin rằng nếu không sớm sa thải Jose Mourinho và rước về Guus Hiddink, rơi xuống Championship là viễn cảnh không thể tránh khỏi.
Những năm qua, sự cạnh tranh ở Premier League ngày càng lớn và chỉ cần đi chệch hướng chút ít, một đội bóng lớn ngay lập tức rơi vào khủng hoảng. Câu chuyện Chelsea vừa kể, hay Leicester sau đó 1 năm, hoặc bây giờ là Tottenham, á quân Champions League đã minh chứng cho điều đó. Trong khi ở đây, vấn đề MU nghiêm trọng hơn nhiều. Những sai lầm được nhìn thấy trong mọi khía cạnh, từ chiến lược và định hướng phát triển, thiếu hụt trong cấu trúc thượng tầng đến chuyển nhượng, lối chơi và cả tinh thần chiến đấu.
MU sẽ xuống hạng một lần nữa 7 năm sau ngày vô địch? Có thể lắm, nếu họ vẫn tiếp tục theo cách này.