Ngay khi tiếng còi kết thúc trận đấu đầu tiên của Iran với Nigeria ở World Cup 2014 vang lên, hình ảnh thủ môn Alireza Haghighi gần như chiếm sạch trang nhất của các tờ báo bởi đơn giản… anh quá đẹp trai.
4 năm sau, khung thành Iran vẫn được trấn giữ bởi một Alireza, nhưng không phải Haghighi mà là Alireza Beiranvand. Gương mặt của Beiranvand có thể không đủ sức "đốn gục" hàng ngàn trái tim thiếu nữ như người đàn anh nhưng câu chuyện mà chàng trai trẻ đem đến World Cup 2018 chắc chắn sẽ trở thành một niềm cảm hứng cho những con người đang trên đường thực hiện giấc mơ của mình.
Đá bóng hoặc đi chăn cừu
Là đứa lớn nhất trong một gia đình dân du mục nay đây mai đó ở Sarabias, Lorestan, dễ hiểu vì sao ngay từ bé Alireza đã phải lao động để phụ giúp gia đình. Công việc thường ngày của anh là chăn cừu trên những đồng cỏ. Cứ có thời gian rảnh, Alireza lại tụ tập cùng lũ bạn đá bóng hoặc chơi Dal Paran – một trò chơi địa phương. Cách chơi Dal Paran cũng khá đơn giản. Bạn chỉ cần ném những viên đá đi sao cho càng xa càng tốt. Với nhiều người, Dal Paran chỉ là trò trẻ con. Còn với Alireza sau này, kỹ thuật từ ném đá chuyển sang ném bóng đã giúp anh dần hoàn thiện mình hơn khi bắt đầu trở thành một thủ môn chuyên nghiệp.
Trò chơi trẻ con sau này trở thành một vũ khí bí mật của Beiranvand.
Năm Beiranvand lên 12, gia đình anh quyết định định cư hẳn ở Sarabias nên anh đã gia nhập một đội bóng địa phương. Ban đầu, Beiranvand được xếp đá tiền đạo nhưng vì màn cứu thua quá xuất sắc khi bắt thay thủ môn của đội bị chấn thương nên anh được xếp bắt gôn luôn từ đó. Dần dà, Beiranvand càng ngày càng thích bắt gôn và dự tính sẽ trở thành một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Tất nhiên, cha anh kịch liệt phản đối.
Morteza Beiranvand cũng như rất nhiều ông bố khác ở Iran đều nghĩ rằng cầu thủ bóng đá không phải một nghề và những thanh niên vai dài sức rộng như con ông tốt hơn cứ yên phận trở thành một người nông dân đủ ăn đủ sống qua ngày. "Cha tôi không thích bóng đá và ông ấy yêu cầu tôi phải đi lao động kiếm tiền", Alireza kể lại với tờ Guardian. "Ông xé sạch quần áo bóng đá và găng của tôi nên đôi khi tôi phải dùng tay không bắt bóng".
Chuyến xe bus định mệnh
Không chịu được sự áp đặt từ phía gia đình, chàng thủ môn trẻ tuổi quyết tâm chạy trốn khỏi định mệnh long dong bên những chú cừu để tìm kiếm một cơ hội mong manh ở Tehran, thủ đô của Iran. Một xu cũng chẳng có, Beiranvand phải mượn tiền người hàng xóm để bắt xe bus lên thành phố những mong được một đội bóng nào đấy thu nhận. Nhưng dù thế nào, chưa bao giờ chàng trai trẻ có thể ngờ được nữ thần may mắn lại tìm đến mình sớm như thế.
Trên chuyến xe bus định mệnh ấy, anh đã gặp Hossein Feiz, huấn luyện viên một câu lạc bộ địa phương. Feiz nói rằng Beiranvand có thể đến luyện tập cùng cả đội với lệ phí 200.000 Toman (khoảng 30 bảng). Ngặt nỗi, lúc ấy đến chỗ ở anh còn không có thì lấy đâu ra tiền mà đóng cho Feiz.
Suốt nhiều đêm dài, Beiranvand ngủ vạ vật ở dưới chân tòa tháp Azadi, nơi được coi như cái "ổ" cho những người nhập cư thu nhập thấp. Ngày nọ, một chàng trai trẻ tốt bụng đề nghị Beiranvand tới nhà ngủ trong một phòng còn bỏ trống. Dĩ nhiên, đó chẳng khác thiên đường với chàng trai chăn cừu quê mùa. Anh đồng ý ngay. Nhưng khi đi được nửa đường, Beiranvand đổi ý và quyết định trở lại câu lạc bộ nơi mình vẫn hay tập ké mỗi ngày.
"Tôi ngủ bên ngoài cửa đội bóng và sáng ra thì xung quanh là vài đồng tiền lẻ", anh nhớ lại. "Chắc họ nghĩ tôi là gã ăn xin. Mà cũng chẳng hề gì, hôm ấy tôi được bữa ngon lành sau bao hôm vạ vật".
Dưới chân tòa tháp Azadi từng là "phòng ngủ" của thủ môn số một ĐT Iran.
Quyết tâm và tài năng của Beiranvand sau cùng cũng thuyết phục được HLV Feiz trao cho anh cơ hội mà không cần đóng tiền lệ phí. Ông nhờ riêng đội trưởng của đội tận tình giúp đỡ Beiranvand trong thời gian khó khăn ban đầu để chàng cầu thủ trẻ có thể sớm hòa nhập. Được thu nhận vào đội, Beiranvand không còn phải chịu cảnh ăn đường ở chợ nữa. Anh dọn đến nhà một người đồng đội ở tạm trong vòng hai tuần trước khi chuyển sang làm việc ở xưởng may của cha một người đồng đội khác và ngủ luôn ở đây mỗi tối.
Công việc tiếp theo của Beiranvand là rửa xe. Nhờ chiều cao nổi trội của mình, anh trở thành "ngôi sao" ở cửa tiệm. Lần nọ, huyền thoại bóng đá Iran, Ali Daei đến tiệm Beiranvand đang làm việc để rửa xe. Một người bạn ra sức thuyết phục anh mạnh dạn hỏi thử Daei xem liệu ông có thể "chỉ điểm" để sự nghiệp Beiranvand thăng tiến hơn không. Được thì tốt mà không được cũng chẳng mất gì, nhưng anh quyết định không làm theo.
"Tôi chắc chắn nếu mình hỏi, ông ấy sẽ sẵn sàng giúp thôi. Nhưng khi ấy tôi lại quá ngại ngùng để bắt chuyện và nói với ông ấy mong muốn của mình".
Thời gian sau đó, Beiranvand gặp huấn luyện viên đội Naft e Tehran và chuyển đến đây thi đấu. Ban đầu, họ cho phép anh ngủ lại phòng cầu nguyện nhưng rồi, mọi người quyết định việc này là không nên và anh cần tự tìm một chỗ ở khác. Quá quen với những câu chuyện tương tự, Beiranvand xin vào làm ở cửa tiệm pizza rồi xin ngủ đêm luôn ở đây.
Những tưởng sóng gió sẽ thôi trêu đùa số phận long đong của chàng trai trẻ thì bỗng một ngày, HLV của anh bất ngờ xuất hiện trước cửa tiệm mua pizza. Ông không hay biết cầu thủ của mình đi làm thêm và dĩ nhiên một khi biết được chắc chắn sẽ kéo theo hàng đống rắc rối. Beiranvand muốn tránh mặt nhưng ông chủ thì cương quyết ép anh ra phục vụ. Vài ngày sau, anh quyết định xin nghỉ việc ở tiệm pizza.
Một lần nữa, chàng trai trẻ lại trở thành người vô gia cư. Vạ vật ngoài đường vài hôm, anh xin vào làm ở một công ty vệ sinh môi trường. Công việc nặng mà đôi khi còn phải làm một mình, dễ hiểu vì sao phong độ của Beiranvand ngày càng đi xuống. Anh đánh mất vị trí khỏi đội hình chính và bị Naft cắt đứt hợp đồng do dính chấn thương khi đang tập luyện cùng một đội bóng khác.
Mọi thứ như đóng lại trước mắt chàng trai trẻ. Đã có lúc, anh nghĩ rằng giấc mơ của mình sẽ chẳng thể thực hiện được. Đã có lúc, Beiranvand nghĩ đến việc về nhà xin lỗi cha và long dong trên những đồng cỏ suốt phần đời còn lại…
Hành trình không hồi kết của chàng trai chăn cừu
Nhưng, thần may mắn dường như vẫn dõi theo anh từ chuyến xe bus định mệnh với HLV Feiz. Sau khi bị Naft đuổi, anh quyết định tìm đến Homa nhưng huấn luyện viên ở đây không muốn ký hợp đồng với thủ môn này. Và đó chính là may mắn lớn nhất cuộc đời anh.
Vài ngày sau, HLV U23 của Naft gọi điện cho Beiranvand và nói rằng nếu anh chưa tìm được một câu lạc bộ mới, anh có thể trở lại. "Có lẽ, định mệnh đã khiến HLV của Homa không ký hợp đồng với tôi", Beiranvand kể lại. "Nếu gia nhập đội bóng ấy, chắc chẳng bao giờ tôi có thể được như hôm nay".
Pha ném bóng kiến tạo 70m của thủ môn Beiranvand
Sự nghiệp Beiranvand kể từ cú điện thoại đó lên như "diều gặp gió". Anh được gọi lên tuyển U23 Iran rồi sau đó chiếm suất bắt chính ở đội một Naft. Nhờ trò chơi Dal Paran thưở nhỏ, chàng thủ môn trẻ tuổi sở hữu lực ném cực kỳ kinh khủng. Năm 2014, cái tên Alireza Beiranvand trở thành một hiện tượng toàn cầu sau đường kiến tạo 70m cho đồng đội lập công trong trận đấu với Tractor Sazi.
Một năm sau đấy, suất bắt chính tại ĐT Iran chính thức thuộc về tay Beiranvand. Với 12 trận giữ sạch lưới trong chiến dịch vòng loại khu vực châu Á, anh góp công lớn đưa ĐT Iran đến Nga dự World Cup 2018. "Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng sau cùng tôi đã biến ước mơ của mình trở thành sự thật. Không bao giờ tôi có thể quên những ngày tháng ấy bởi chính nó đã giúp tôi trở thành một con người như ngày hôm nay".
Từ một chàng trai chăn cừu, cuộc sống của Beiranvand đã thay đổi hoàn toàn nhờ bóng đá. Và tất nhiên, cuộc hành trình của anh giờ chỉ mới bắt đầu…