Đỗ Hùng Dũng bị gãy xương chày và xương mác trong trận CLB TP.HCM 0-3 Hà Nội FC tối 23/3. Sau đó, anh được chuyển đến bệnh viện và làm phẫu thuật thành công vào sáng nay.
Bác sĩ Phạm Quốc Hùng - người mổ trực tiếp cho Hùng Dũng - đã dành cho các phóng viên những câu trả lời chi tiết về tình hình chấn thương của cầu thủ sinh năm 1993.
- Xin chào bác sĩ Phạm Quốc Hùng, ông có thể cho biết tình hình chấn thương của Đỗ Hùng Dũng không?
Bác sĩ Phạm Quốc Hùng: Hùng Dũng chấn thương khá nặng, gãy hai xương cẳng chân ở 1/3 phía dưới. Cậu ấy sẽ quay lại hơi lâu, khoảng 5-6 tháng nếu hồi phục tốt.
- Phương pháp phẫu thuật cho chấn thương của Hùng Dũng là gì, thưa bác sĩ?
Chúng tôi chuẩn bị thì hơi lâu nhưng mổ thì nhanh, khoảng 90 phút, làm thuận lợi. Chúng tôi mổ kín, ít xâm lấn sẽ giúp hồi phục nhanh hơn mổ hở. Nếu mổ hở sẽ mất màng xương thì hồi phục lâu hơn.
- Trước khi bước vào phòng mổ, Hùng Dũng có nói gì với bác sĩ không?
Dũng nói bác sĩ cố gắng giúp em, làm cái gì tốt nhất thì làm giúp. Tôi động viên Dũng yên tâm và tin tưởng vào bác sĩ. Trường hợp cầu thủ đội tuyển chấn thương thì tôi từng mổ nhiều. Văn Hậu, Đình Trọng, Hai Long đều do tôi mổ, hồi phục tốt.
Bước vào phòng mổ thì Dũng lo lắng. Tôi cũng động viên, tin tưởng bác sĩ vì đã giải thích rất rõ. Tôi động viên là vào đến đây trường hợp này tôi mổ nhiều rồi, hồi phục tốt. Tôi làm bình thường như nhiều VĐV khác vì đã làm thường xuyên. Phẫu thuật này không có gì ghê gớm, tôi làm quen rồi.
- Bác sĩ đánh giá mức độ chấn thương của Hùng Dũng như thế nào?
Cái này xếp vào dạng nặng nhưng không quá nghiêm trọng. Trường hợp của Dũng là gãy hai xương thôi, còn đứt dây chằng thì hơi khổ, hồi phục hơi khó. Như Trần Anh Khoa của Đà Nẵng (cầu thủ bị Quế Ngọc Hải phạm lỗi năm 2015 dẫn đến giải nghệ), cậu ấy bị tổn thương nhiều dây chằng cộng tổn thương xương nên khó hồi phục chơi thể thao, đi đứng bình thường thì được.
- Công tác sơ cứu trước khi vào đến bệnh viện có phải là một phần nguyên nhân giúp Dũng không bị tổn thương nặng hơn?
Anh em y tế ở sân Thống Nhất làm tốt, giữ chân cố định, đỡ lúc lắc, xóc lệch. Việc làm bất động chân ban đầu, làm cho vết thương không hở rất tốt. Nếu hở là nhiễm trùng. Hôm qua tôi đánh giá làm tốt, cố định vững, không xây xước, không lòi xương chứ bình thường là hay gãy hở độ 1, độ 2.
Dũng lúc mới nhập viện thì tâm trạng lo lắng, người nhà và nhiều người khác lo lắng. Hầu như ai cũng vậy. Vết thương ban đầu chỉ sưng đau nhức thôi, gãy xương thì đau nhức nhiều. Tôi cho thuốc giảm đau và ngủ qua đêm là lại bình thường.
- Quá trình hồi phục của Hùng Dũng sẽ diễn ra như thế nào thưa bác sĩ?
Ngày mai là có thể cho tập được rồi, hôm nay thì nghỉ ngơi. Mai sẽ tập nâng chân, ép gối, duỗi thẳng, tập co hết tầm độ khớp, sau 1 tuần thì đi nạng.
Về chấn thương này, thứ nhất phụ thuộc phẫu thuật tốt, tiếp là tập phục hồi. Cầu thủ Hùng Dũng cơ địa tốt, trẻ nên có thể phục hồi sớm hơn. Cũng phụ thuộc vào ý chí nữa. Độ tuổi này nằm trong đội tuyển có thể cố gắng thi đấu 5-7 mùa giải thì cố gắng hồi phục nhanh hơn. Nếu bỏ bê, bắp đùi yếu thì hồi phục chậm hơn. Những trường hợp mổ này khi quay lại thi đấu thể thao đỉnh cao vẫn bình thường.
- Xin cảm ơn bác sĩ về cuộc trao đổi!