Trong bóng đá, thắng hoặc thua, vô địch hay kẻ thất bại đôi khi được quyết định bằng một khoảnh khắc không ai lường trước, phá hỏng mọi toan tính. Vì vậy, nhiều HLV có xu hướng tìm kiếm vận may ở những thứ phi bóng đá.
Ví dụ như Steve Bruce không bao giờ nhìn các học trò đá phạt đền, Giovanni Trapattoni dội nước xuống sân để làm phép, Carlos Bilardo thích đến sân bằng taxi, còn Roberto Mancini luôn đặt ngón tay vào những giọt rượu vang rớt ra ngoài, sau đó chấm lên tai để lấy may.
Tất nhiên, họ cũng hết sức tránh những thứ được cho là mang đến vận xui, như Luis Aragones luôn ác cảm với màu vàng hoặc Raymond Domenech thẳng tay loại bỏ những cầu thủ không hợp mệnh.
Thế nên với trường hợp của Gareth Bale trong những năm đầu ở Tottenham, hầu hết các HLV sẽ cho rằng anh là "cừu đen" thứ thiệt, một cầu thủ bị lời nguyền và chỉ mang theo xúi quẩy. 24 trận liên tiếp Bale ra sân, Spurs đều bất khả chiến thắng.
Khi Bale còn chơi cho Southampton, Sir Alex Ferguson đã nhận thấy tài năng của anh, một cầu thủ chạy cánh xuất sắc đang chơi ở vị trí hậu vệ trái. Và ông đã kéo theo Giám đốc điều hành David Gill tới một khách sạn để thương thuyết với lãnh đạo Southampton cùng HLV George Burley. Tuy nhiên cuộc đàm phán bất thành, bởi Southampton vừa bán Theo Walcott cho Arsenal với giá 12 triệu bảng, trong khi phía MU chỉ trả 3, hoặc 4 triệu cho Bale.
Năm 2007, Bale tới Tottenham với giá 5 triệu. Tuy nhiên Sir Alex sớm cảm thấy may mắn khi không mua anh ta. Lý do như đã nói, cứ Bale xỏ giày vào sân, Tottenham đều không thể kết thúc trận đấu với tư thế kẻ chiến thắng.
Tháng 9/2009, MU đánh bại Tottenham ngay tại sân nhà White Hart Lane. Sau trận đấu, như thường lệ, Sir Alex sẽ ngồi lại với HLV đối thủ bên ly vang. Và trong cuộc trò chuyện với Harry Redknapp, ông nói: "Nếu là tôi, tôi không bao giờ cho cậu ta (Bale) ra sân thêm nữa. Harry, cậu ấy thật xui xẻo. Và sẽ không tránh khỏi việc ngay cả các đồng đội cũng cho rằng cậu ta là một điềm xấu".
Redknapp thừa nhận rằng Sir Alex có lý. Thật khó để nói rằng chuỗi 24 trận bất thắng dài dằng dặc khi có Bale chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Tuy nhiên chiến lược gia người Anh lại không có nhiều lựa chọn. Hơn nữa, cũng thật điên rồ khi bỏ qua Bale, cầu thủ mà ông thấy rất nhiều tiềm năng để trở thành ngôi sao lớn.
Rồi Redknapp đi đến một giải pháp. Ông quyết định không sử dụng Bale thêm nữa. Nhưng không phải như cách người ta loại bỏ vận xui, mà đơn giản là chờ đợi thời cơ.
Nó đã đến ở trận đấu với Burnley vào cuối tháng 9/2009. Phút 84, Tottenham đang dẫn trước 4-0 với thế trận áp đảo toàn diện. Và Redknapp tung Bale vào sân. Lập luận của ông là, cho dù Bale có xui cỡ mấy cũng không thể khiến Spurs bị gỡ hòa 4-4 hay thua ngược 4-5 trong 6 phút còn lại. Redknapp đã đúng, Robbie Keane ghi thêm bàn nữa để Tottenham thắng chung cuộc 5-0. Chuỗi trận đen đủi của Bale chấm dứt.
Nhưng để chắc ăn hơn, Redknapp tiếp tục duy trì kế hoạch này thêm vài lần nữa. Gặp Man City vào tháng 12, khi đội dẫn 3-0, Bale vào sân phút 90. Cũng tháng đó, Bale xuất hiện phút 87 trận đấu với West Ham khi tỷ số đang là 2-0. Đến lúc này thì không ai còn đề cập đến lời nguyền nữa. Redknapp cho Bale đá chính thường xuyên hơn, đồng thời khuyến khích anh tấn công với việc đẩy lên đá tiền vệ, rồi thậm chí là tiền đạo.
Phần tiếp theo của câu chuyện đã trở thành lịch sử. Bale thăng tiến không ngừng và tạo ra mùa giải 2012/13 bùng nổ với 26 bàn thắng ở mọi đấu trường, trở thành Cầu thủ xuất sắc nhất mùa của PFA, bước đệm để anh tới Real với giá chuyển nhượng kỷ lục thế giới.
Sau 7 năm, Bale quay lại Tottenham. Mặc dù đã 31 tuổi và phong độ suy giảm sau thời gian dài bị giam trên ghế dự bị Real, nhưng ngôi sao người Xứ Wales vẫn có thể mang đến những điều tuyệt vời cho đội bóng Bắc London. Và chắc chắn, anh không phải cừu đen như lúc gia nhập Spurs lần đầu tiên.