Tương tự như các cầu thủ ngoại binh, cầu thủ gốc Việt/nội binh ưu tiên cũng thuộc nhóm được áp dụng bản hợp đồng 14 ngày tại VBA 2020. Nếu như ngoại binh có tới 2 bản hợp đồng thì tại sao nhóm cầu thủ trên chỉ có 1, Sport5 sẽ giải thích chi tiết hơn ở bài viết này.
Khác với ngoại binh, cầu thủ gốc Việt không cần chấn thương vẫn được thay thế
Khác với cầu thủ ngoại binh, mỗi đội chỉ được đăng ký 1 bản hợp đồng 14 ngày dành cho cầu thủ gốc Việt/nội binh ưu tiên. "Cách áp dụng là tương tự, nhưng vì số lượng Việt kiều có thể thi đấu cho VBA không nhiều và sẵn có như ngoại binh, nên BĐH giải đấu không áp dụng vào nhóm cầu thủ này. Nếu sử dụng quyền này quá nhiều sẽ gây rối loạn về nhân sự và không đủ VĐV đáp ứng. Bởi mỗi 1 VĐV chỉ được ký hợp đồng 14 ngày 1 lần/mùa", ông Trần Chu Sa -Giám đốc điều hành giải đấu chia sẻ cùng Sport5.
Theo điều luật mới bổ sung, Liên đoàn bóng rổ Việt Nam (VBF) cùng VBA ghi rất rõ quy định về việc áp dụng bản hợp đồng này bao gồm phải có tên trong danh sách tuyển chọn, được đội bóng đăng ký trong danh sách chờ và đăng ký tự do sau thời hạn công bố danh sách của giải đấu.
Với trường hợp của cầu thủ gốc Việt/nội binh ưu tiên, không cần phải chấn thương vẫn có thể được đội bóng kích hoạt bản hợp đồng trên và hạn cuối để sử dụng phương pháp tạm thời này cũng sẽ diễn ra trước thềm Playoffs. Nếu để so sánh với các ngoại binh, có lẽ bản hợp đồng 14 ngày phần nào đúng hơn với tên gọi "Load Managemnt" hay còn được hiểu là quản lý thời gian thi đấu.
Trong thời gian đội bóng thay thế cầu thủ gốc Việt/nội binh ưu tiên, cầu thủ chính thức trước đó sẽ không được đăng ký thi đấu. Khoảng thời gian 14 ngày hoặc tối đa 3 trận là khoảng nghỉ thích hợp cho những VĐV này trước thềm Playoffs, nếu các đội kích hoạt.
Danh sách chờ: Các đội bóng chủ động trong việc tuyển trạch cầu thủ
Theo điều khoản bổ sung điều lệ VBA 2020 ở điều 7.3 dành cho nhóm cầu thủ trên, VBF quyết định danh sách chờ là những vận động viên còn lại trong Draft Pool và đăng ký tự do sau thời hạn công bố danh sách của giải đấu.
Cùng với đó, là nhóm VĐV được các đội bóng tự đăng ký tham gia. Tuy nhiên, những VĐV tự do và được các đội đăng ký sẽ được BĐH giải đấu kiểm tra kỹ càng về nguồn gốc trước khi được đưa vào danh sách chờ.
Điều đó đồng nghĩa với việc ở VBA 2020, các đội bóng có thể tự kiếm về những cầu thủ gốc Việt mà BLĐ cảm thấy phù hợp với đội hình của họ. Thay vì việc các cầu thủ phải tự tìm đến với giải đấu thì nay các đội bóng có thể chủ động hơn trong việc "săn đầu người".
Trong bối cảnh VBA 2020 chỉ cho áp dụng luật sử dụng 1 Việt kiều, điều luật này được thay đổi nhằm góp phần giúp người hâm mộ được chứng kiến những tài năng gốc Việt khác ngoài giải đấu.
Trong thời gian tối đa 14 ngày tập luyện và 3 trận đấu được thi đấu trước hàng nghìn cặp mắt, sức ép tâm lý phần nào cũng là một bài kiểm tra khá tốt dành cho những cầu thủ gốc Việt/nội binh ưu tiên chưa có cơ hội thi đấu ở VBA. Qua đó, điều luật này giúp họ tạo điểm nhấn trước BLĐ 7 đội bóng cũng như người hâm mộ.
Cuộc chơi của các ông bầu: Chịu chi hay tái "sử dụng"
Với điều luật trên, các đội được mở ra hai hướng đi về cách sử dụng bản hợp đồng 14 ngày đối với nhóm cầu thủ gốc Việt/nội binh ưu tiên. Một họ sẽ chịu chi, tự kiếm cho mình một cầu thủ phù hợp với yêu cầu của giải đấu cũng như định hướng mà BHL đội bóng đưa ra. Hoặc sẽ sử dụng lại những cầu thủ đã từng tham dự ở VBA 2019 mà không được đội bóng nào lựa chọn sau kỳ Draft vừa qua, như một phương án tạm thời và không cần đề cao tới kết quả.
Tuy nhiên, với những cầu thủ hiện đang không ở Việt Nam, các ông bầu cần phải suy tính về thời gian di chuyển cũng như việc cách ly 14 ngày nhằm kiểm soát vấn đề dịch bệnh. Với việc đội bóng chủ động tìm tới những phương án tạm thời này, BLĐ đội bóng dĩ nhiên sẽ là người chi trả các khoản phí phát sinh ngoài tiền lương.
Ở thời điểm hiện tại, số cầu thủ gốc Việt hiện đang sinh sống tại Việt Nam chỉ còn có Ryan Lê và Stefan Nguyễn. Nếu như 7 đội bóng đều muốn kích hoạt phương án tạm thời này nhằm giữ sức cho "gà cưng" trước thềm Playoffs, thì bắt buộc phải liên hệ trước với những cầu thủ còn lại trong Draft Pool hoặc danh sách chờ.
Cơ hội try out cho mùa giải kế cận
"Thay đổi điều lệ là điều ko ai mong muốn. Nhưng điều lệ là phải phù hợp với tình hình thực tế và giúp cho bóng rổ và giải đấu phát triển. Nên phải thay đổi và điều chỉnh để ngày càng hoàn thiện hơn", chia sẻ của ông Chu Sa với Sport5.
Ở VBA 2020, luật sử dụng Việt kiều đã thay đổi và mỗi đội chỉ được phép sử dụng 1 cầu thủ trên sân. Tuy nhiên, điều luật này vẫn có thể thay đổi ở mùa giải 2021, nếu như thay đổi đó giúp giải đấu hoàn thiện hơn sau một năm thử áp dụng.
Chính vì lẽ đó, bản hợp đồng 14 ngày dành cho các cầu thủ gốc Việt/nội binh ưu tiên sẽ trở thành một kỳ try-out dài hơi không chỉ cho VBA 2021 mà còn cho cả ĐTQG ở SEA Games năm sau.
Nhìn vào thực tế, đây là phương án khả dĩ nhất khi BTC bất ngờ áp dụng luật 1 Việt kiều mỗi đội trên sân tại VBA 2020. Tuy nhiên, mỗi thay đổi được đưa ra đều nhằm mang tới những trải nghiệm tốt nhất cho người hâm mộ và đều nằm trong kế hoạch phát triển lâu dài của BTC.
Bạn nên quan tâm