Bất chấp vừa nhận thất bại đáng tiếc 1-3 trước Hàn Quốc trong trận đấu diễn ra vào ngày 29/8, việc lọt đến trận bán kết một kỳ Á vận hội đã là chiến tích lịch sử với bóng đá Việt Nam. Thành tích này không mang tính thời điểm mà cho thấy hướng đi đúng của công tác đào tạo trẻ của quốc gia Đông Nam Á.
Còn nhớ, hồi đầu năm, thầy trò HLV Park Hang-seo đã lọt tới trận đấu cuối của giải U23 châu Á và chỉ chịu thua Uzbekistan bởi bàn thắng ở phút cuối. Năm 2017, U20 Việt Nam cũng vinh dự góp mặt tại World Cup U20.
Ấn tượng với những gì bóng đá Việt Nam làm được, trong một bài viết mới đây, tờ Xenhua đã đăng một bài viết với tiêu đề: "Hãy nhìn vào tấm vé lọt vào vòng bán kết ASIAD của Việt Nam và ngẫm lại chúng ta".
Olympic Việt Nam lọt đến bán kết ASIAD và không thủng lưới bàn nào.
Tại đây, trang tin của Trung Hoa dành nhiều lời có cánh cho Olympic Việt Nam và dự đoán "những chiến binh sao vàng" sẽ còn tiến xa đến tầm châu lục.
"Họ đã lọt đến trận bán kết của ASIAD và không để thua bất kỳ một bàn nào. Đó là sức mạnh thực của họ. Cách đây chưa lâu, họ đã lọt đến trận chung kết giải U23 châu Á. Với một lứa cầu thủ tài năng đang có, chinh phục Đông Nam Á sẽ không còn là mục tiêu của Việt Nam nữa. Họ đủ sức cạnh tranh và chơi sòng phẳng với những đội bóng hàng đầu châu Á", Xenhua nhận định.
Từ lâu, quốc gia đông dân nhất thế giới đã đầu tư trọng điểm vào túc cầu với mục tiêu cạnh tranh vé dự World Cup với những thế lực hàng đầu châu lục. Sự vươn lên mạnh mẽ của bóng đá Việt Nam khiến những người Trung Quốc lo ngại về một đối thủ mới. Sự lo lắng này cơ sở, đặc biệt sau các màn thể hiện trái ngược của đôi bên ở lứa U23.
Bóng đá trẻ của Trung Quốc liên tục thất bại trong thời gian gần đây.
Tại giải U23 châu Á, chủ nhà Trung Quốc không thể vượt qua vòng bảng. Đến ASIAD, họ lại thua ở vòng 1/8. Sau trận, các cầu thủ thậm chí thẳng thừng chê hệ thống chiến thuật của HLV Maddaloni.
Lý giải về việc một Việt Nam "không HLV tầm cỡ, không được trả những khoản lương cao ngất ngưởng" có thể vượt mặt một Trung Quốc được đầu tư trọng điểm, tờ Sina cho rằng vấn đề năm ở con người.
Theo tờ báo này, cái tôi của các VĐV Trung Quốc quá lớn. Họ có thể thống trị thế giới ở những môn cá nhân như bóng bàn hay cầu lông nhưng lại gặp khó nếu yêu cầu sự gắn kết. "Tinh thần tập là một vấn đề lớn. Nếu không gạt bỏ cái tôi ngôi sao, rất khó các cầu thủ có thể cùng nhau tạo nên một khối vững chắc. Hãy xem một trận đấu Việt Nam và Trung Quốc, sự khác biệt sẽ lộ rõ".
Olympic Việt Nam đã lọt đến bán kết ASIAD 2018.
Bên cạnh việc đồng tình với quan điểm của Sina, Xenhua còn chỉ ra một nguyên nhân khác, đó là do cách làm ngắn hạn của những người có trách nhiệm. "Liên đoàn cố gắng đi tắt bằng việc thuê những cầu thủ đắt tiền. Cùng lúc, các CLB trong nước vung tiền mua danh hiệu. Các cầu thủ trể được trao quá ít niềm tin và một số được sử dụng chỉ vì quy định bắt buộc".
Trong danh sách 24 cái tên được HLV Marcelo Lippi triệu tập cho loạt trận giao hữu diễn ra vào tuần sau, có tới 16 người trên 29 tuổi và chỉ vỏn vẹn hai người ở độ tuổi U23. Đáng chú ý, đã qua tuổi 38, tiền vệ Zheng Zhi vẫn được góp mặt. Xenhua coi đây là dấu hiệu đáng báo động và lo lắng cho tương lai của bóng đá Trung Quốc.
"Năm 2015, cựu danh thủ Fan Zhiyi nhận định 'sẽ có lúc bóng đá Việt Nam vượt Trung Quốc', có vẻ ngày đó đã tới gần", xenhua cay đắng.