Có thể bạn chưa biết, công nhân nhập cư ở Qatar vẫn bị cử đến công trường, những SVĐ đang xây dang dở để làm việc trong khi chính phủ nước này ban bố lệnh cấm tụ tập dưới mọi hình thức.
"Vẫn đi làm như thường lệ thôi", một công nhân trả lời The Guardian. Tính từ thời điểm này, World Cup 2022 còn chưa đến 1000 ngày nữa sẽ diễn ra. Vì thế nên bất chấp dịch bệnh, những chiếc xe buýt cũ kỹ, chật chội hằng ngày vẫn đưa đi đón về trên dưới 60 công nhân. Một ca của họ đôi khi kéo dài cả ngày, đương nhiên quá trình khử trùng trước khi làm việc chỉ diễn ra trong tích tắc, không hiệu quả.
Không chỉ cùng nhau chen chúc trên xe buýt, các công nhân này còn sống chung ở một nơi gọi là "trại lao động". Ở đó phòng không lớn, nhưng bằng cách nào đó vẫn nhét đủ 8 đến 10 người. Tình cảnh này ngược hoàn toàn với khuyến cáo từ Bộ y tế Anh, rằng các công nhân chỉ được đi làm nếu đặc thù công việc cho phép họ đứng cách xa nhau ít nhất 2 mét.
Các ông nhân nhập cư làm việc mà không đeo khẩu trang.
Họ biết Covid-19 rất nguy hiểm nhưng bất chấp vì đồng lương.
Làm việc ở môi trường như thế này tránh tiếp xúc trực tiếp là điều không thể.
Các công nhân được quy vào hàng "trình độ thấp" này không còn lựa chọn nào khác. Họ hằng ngày vẫn phải gặp những ông chủ, nai lưng làm việc mà không đeo khẩu trang, không dụng cụ bảo hộ khỏi virus SARS-CoV-2. Họ bất chấp để có tiền gửi về cho gia đình.
"Tôi lo lắng về dịch Covid-19 lắm, nhưng vẫn phải đi làm để có tiền", một công nhân đến từ Kenya, hằng ngày phải làm việc quần quật 14 tiếng chia sẻ.
Trong những SVĐ tương lai của World Cup 2022, khẩu trang y tế là dụng cụ xa xỉ. Những người có tiền thì có thể tự mua, còn lại đều phải lấy khăn hoặc mảnh vải để bịt miệng. Đến quá trình kiểm tra sức khỏe công nhân trước mỗi buổi làm còn diễn ra qua loa. Công nhân nói rằng họ chỉ được đo huyết áp, vậy là xong. Đây rõ ràng là điều kiện hoàn hảo để virus SARS-CoV-2 lây lan.
Lệnh cấm của chính phủ Qatar "không có hiệu lực" với công nhân nhập cư, đã thế còn khiến họ tức giận. "Làm thế nào để các công nhân giữ khoảng cách với nhau? Chẳng có ai quan tâm đến tình hình sức khỏe của chúng tôi cả. Các người nghĩ chúng tôi không muốn sống à? Các người nghĩ chúng tôi không muốn gặp lại gia đình chắc?", những lời bộc bạch như thế này xuất hiện thường xuyên trên những diễn đàn lao động.
Nhưng dù có ca thán nhiều đến mức nào, dù có liên tục khẳng định "chúng tôi là người, không phải robot" thì họ vẫn chẳng thay đổi được gì. Công nhân nhập cư không có quyền xin nghỉ hoặc xin đổi sang làm việc khác.
Còn khoảng 1000 ngày nữa World Cup 2022 sẽ diễn ra.
Dự kiến các công trình phục vụ cho giải đấu sẽ hoàn thành đầu năm 2022.
Hợp đồng của họ ký với người tuyển dụng không khác gì giấy mua nô lệ thời bình. Thậm chí để có được bản hợp đồng đó, nhiều công nhân còn phải trả 4000 bảng, coi như tiền "đầu tư" để sau này lương có thể bù lại. Họ biết mình đôi khi sẽ bị trả lương thấp hơn thực tế nhưng vẫn cắn răng cắn cỏ chịu đựng, không một câu than phiền vì sợ mất việc.
"Công nhân ở đâu làm việc cũng cần đứng lên tự bảo vệ quyền của bản thân. Tuy nhiên ở Qatar, mức độ đấu tranh luôn ở mức thấp", ông James Lynch, Giám đốc công ty Fair/Square Research and Projects chia sẻ. "Trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành khiến các quốc gia hạn chế xuất nhập cảnh, mất việc ở đây coi như đi tong".
Phải đến khi số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Qatar vượt quá 500 (hầu hết là công nhân nhập cư), chính quyền mới bày tỏ sự quan tâm một chút. Họ đồng ý cho các công nhân đi xét nghiệm, nếu dương tính thì sẽ được điều trị miễn phí. Nhưng hành động "mất bò mới lo làm chuồng" này dự kiến sẽ chỉ làm dịu bớt đi tình hình. Họ cần cung cấp điều kiện lao động tốt hơn cho công nhân, đặc biệt là khi những dự án lớn này sẽ trở thành niềm tự hào của quốc gia trong năm 2022.
Bạn nên quan tâm