Người ta nói rằng, sống trên đời cần phải có niềm tin. Người ta bảo rằng, bóng đá có 90 phút và phút 89 thì mọi thứ chỉ mới bắt đầu. Có những con người bằng niềm tin đã chiến thắng định mệnh, như cuộc ngược dòng vĩ đại của Manchester United trước Bayern Munich năm 1999 hay đêm huyền ảo mà Liverpool đã ghi liền 3 bàn vào lưới AC Milan trong trận chung kết Champions League 2005.
Tất cả đều chứng minh rằng, bóng đá không thể nói trước điều gì – nhưng, quy luật đó không ứng nghiệm lên Paul, "thầy" bạch tuộc ma thuật ở World Cup 2010. Bởi một khi Paul đã chọn thì chắc chắn không bao giờ sai.
Hiện tượng đau đầu của các nhà khoa học
Vì Paul toàn dự đoán kết quả những trận có ĐT Đức góp mặt nên đến giờ chắc nhiều người vẫn nhầm Đức là quê hương của chú bạch tuộc này. Sự thật, Paul có nguồn gốc từ Anh và được Viện hải dương học Sea Life, Obrhausen của Đức mang về nuôi dưỡng. Đợt Euro 2008, khi người hâm mộ bắt đầu cảm thấy chán những thuật toán đau đầu để tìm ra tỷ lệ chiến thắng trong một trận bóng đá, những người ở Viện hải dương Obrhausen đã nghĩ đến trò dự đoán bằng động vật – không logic, không tính toán, tất cả nhằm mục đích mua vui là chính.
Nhưng chẳng ai ngờ được, trò mua vui của họ lại gây ra một hiện tượng toàn cầu. Kết thúc Euro 2008, Paul đoán đúng 4/6 trận của ĐT Đức. Hai trận Paul dự đoán sai là trận thua của Đức trước Croatia ở vòng bảng và trận thua trước Tây Ban Nha ở chung kết. Dù vậy, tỷ lệ chính xác khá cao của Paul đã thu về cho chú bạch tuộc này một lượng fan không nhỏ.
Phương thức dự đoán của Paul khá đơn giản: người ta cho Paul vào bể nước có chứa hai hộp thức ăn in quốc kỳ hai đội. Paul ăn của đội nào tức là đội đấy thắng. Cần nhớ, không có chút gian lận nào trong kết quả của Paul bởi tất cả đều được truyền hình trực tiếp.
Cơn sốt mang tên Paul tiếp tục "gây bão" ở World Cup 2010. Viện hải dương học Sea Life cho Paul dự đoán kết quả của ĐT Đức ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Và thật ngạc nhiên, lần này Paul đoán trúng sạch cả 8 trận (bao gồm cả trận chung kết giữa Hà Lan và Tây Ban Nha).
Bạch tuộc Paul dự đoán chính xác trận chung kết World Cup 2010.
Ngoài trận thua Serbia ở vòng bảng, tất cả các trận khác Paul đều chọn Đức thắng. Cho tới trận bán kết, người ta tin rằng chú bạch tuộc này vẫn sẽ tiếp tục trung thành với hộp đồ ăn mang quốc kỳ Đức. Nhưng không, Paul bất ngờ chuyển hướng sang Tây Ban Nha và câu chuyện còn lại đã trở thành lịch sử. Năm ấy, Tây Ban Nha xuất sắc lên ngôi vô địch còn Paul bị dọa đem làm thịt vì dám… khiến Đức thất bại.
Tạm bỏ qua những câu chuyện bên lề về Paul, xác suất dự đoán "như thần" của người bạn bốn chân này khiến nhiều nhà khoa học phải nhảy vào nghiên cứu. Nếu đặt giả thiết một trận đấu chỉ có thắng và thua còn tỉ lệ hai đội như nhau, xác suất dự đoán trúng sẽ là 1/256 (khoảng 0,39%). Trên thực tế, một trận bóng đá còn có kết quả hòa nên tỉ lệ thật sẽ là 1/6561 (khoảng 0,015%). Vậy mà bằng một điều kì diệu nào đó, cả 8 trận Paul dự đoán đều kết thúc bằng tỷ số nghiêng hẳn về một bên, tức là không có kết quả hòa.
Bạch tuộc Paul chọn Tây Ban Nha
Thêm vào đó, Paul thuộc loại bạch tuộc Vulgaris và loại này thì bị mù màu nên không thể kết luận Paul bị kích thích với màu cờ của ĐT Đức. Còn nếu cho rằng Paul phân biệt được những vật thể có đường kẻ ngang thì hầu hết cờ những đối thủ của Đức ở World Cup 2010 cũng đều có đường kẻ ngang cả.
Lý do vì sao Paul dự đoán đúng tất cả trận đấu của ĐT Đức ở World Cup 2010 cho đến nay vẫn còn là bí ẩn. Nhưng cái chết của thầy bạch tuộc Paul cũng ly kỳ chẳng kém.
Uẩn khúc trong cái chết của Paul
Ngày 26/10/2010, viện hải dương Sea Life đưa ra thông báo chính thức về cái chết của Paul. Chú bạch tuộc này thọ 2.5 tuổi, tức là vượt 0.5 tuổi so với tuổi thọ của loài bạch tuộc thường. Nhưng trước đó, chính viện hải dương này từng tuyên bố với điều kiện nuôi dưỡng của họ, Paul có thể sống tới cuối năm 2011. Vậy, tại sao Paul lại chết sớm đến vậy?
Giả thuyết đầu tiên được đưa ra là do con người đã "bóc lột" Paul quá sức. Chuyên gia hải dương học Angel Guerra ở Tây Ban Nha lập luận do phải "lên sóng" quá nhiều nên tuổi thọ Paul cũng suy giảm theo. Điều này được lý giải là do tiếp xúc với ánh đèn flash của camera trong thời gian dài khiến "thầy" bị stress nặng. Ước tính, trong thời gian kỳ World Cup 2010 diễn ra, những buổi truyền hình trực tiếp "thầy" Paul dự đoán được phát trên khoảng 600 kênh truyền hình.
Bạch tuộc Paul được người hâm mộ yêu mến.
Một giả thuyết "rùng rợn" hơn còn khẳng định thực tế Paul đã chết trước ngày 26/10. Đây là quan điểm của Jiang Xiao, nữ đạo diễn bộ phim tài liệu "Ai giết bạch tuộc Paul" Cụ thể, Jiang Xiao cho rằng Paul đã chết trước khi trận chung kết giữa Hà Lan và Tây Ban Nha diễn ra. Tuy nhiên, do Viện hải dương Sea Life không muốn mất miếng mồi ngon nên đã đánh tráo một chú bạch tuộc khác vào dự đoán.
Giải thích cho tuyên bố gây sốc của mình, người phụ nữ đến từ Trung Quốc khẳng định "mọi con bạch tuộc trông đều na ná nhau. Mắt thường khó có thể phân biệt được". Dĩ nhiên, giả thuyết này sau cùng cũng chẳng đi đến đâu do không có bằng chứng cụ thể.
Một giả thuyết "không thể tin nổi" khác: Paul đã tự chọn cái chết cho riêng mình. Sau khi "khiến" Đức mất vé dự chung kết, rất nhiều người dân nước này đã đòi chế biến chú bạch tuộc này thành đồ ăn cho hả dạ. Có lẽ, bằng một năng lực thần thánh nào đó, Paul đã nhìn trước tương lai và "tự chết" trước khi bị đem vào bếp làm thịt…
Một tượng đài, một huyền thoại
Người Tây Ban Nha tôn thờ Iniesta sau bàn thắng vàng vào lưới ĐT Hà Lan thì Iniesta lại tôn thờ Paul. Sau trận chung kết World Cup, cầu thủ này đã dành những lời cảm ơn tới Paul khi hai lần giúp họ vượt qua những đối thủ đáng gờm như Đức và cả Hà Lan. Anh tuyên bố chắc chắn bạch tuộc sẽ trở thành một linh vật phổ biến ở Tây Ban Nha kể từ sau năm nay.
Vậy nên nếu thấy một người Tây Ban Nha nào đó xăm hình bạch tuộc xuất hiện ở World Cup, rất có thể anh ta đang cầu nguyện Chúa Paul giúp La Roja tiếp tục đứng lên đỉnh vinh quang một lần nữa.
Cũng kể từ sau cơn sốt mang tên Paul, người ta bắt đầu cho động vật dự đoán kết quả bóng đá nhiều hơn. Từ gà, voi, cá heo, lợn,… tuy nhiên, vẫn chẳng cá thể xuất sắc nào có thể vượt qua tượng đài sừng sững của Paul.
Chú mèo Achilles trổ tài ở Confed Cup.
World Cup 2018 sẽ là sàn diễn của chú mèo Achilles sống ở Cung điện mùa đông. Chú mèo trắng được đặt tên theo chiến binh vĩ đại nhất Hy Lạp trong cuộc chiến thành Troy được ghi nhận đã dự đoán chính xác 3/4 trận đấu tại Confederation Cup mà Nga tổ chức hồi năm ngoái. Cũng giống như Paul, Achilles sẽ trổ tài tiên tri bằng cách chọn một trong hai bát thức ăn.
Điểm đặc biệt của Achilles là chú mèo này bị điếc bẩm sinh, nhưng bù lại, mèo là loài cực nhạy về màu sắc. Với 32 lá quốc kỳ rực rỡ xung quanh, những chi tiết nhỏ nhất về màu sẽ tạo nên sự khác biệt trong sự lựa chọn của chú mèo trắng "tiên tri" năm nay.
Bạn nên quan tâm