Tại xứ kim chi, bóng chày là môn thể thao được ưa thích không kém là bao so với bóng đá. Thậm chí, nếu so về thành tích cho nước nhà, bóng chày còn trội hơn hẳn với ngôi vô địch World Cup vào năm 1982 và HCV Olympic năm 2008.
Kỳ ASIAD lần thứ 18 ở Indonesia, đội tuyển bóng chày cũng mang tới một cuộc hành trình tương đồng đến khó tin như những đồng nghiệp làng túc cầu. Họ phải chịu một thấy bại gây sốc và chật vật vượt qua vòng bảng trước khi lạnh lùng góp mặt tại trận chung kết. Tại đây, đội tuyển bóng chày cũng chạm trán đối thủ Nhật Bản và giành thắng lợi vô cùng kịch tính để sở hữu trong tay chiếc HCV.
Tuy vậy, đáng tiếc, ngày trở về họ lại không được chào đón nồng nhiệt như đội tuyển Olympic.
Đội tuyển bóng chày Hàn Quốc lặng lẽ ngày về nước.
Cùng lúc xuất hiện tại sân bay quốc tế Incheon nhưng mọi ánh đèn đều giành cho Son Heung-min và các đồng đội với sự xuất hiện của khoảng 1.000 người hâm mộ. Phía đối diện, mọi thứ dành cho tuyển bóng chày Hàn Quốc chỉ là sự im lặng, đôi lúc còn vang lên những tiếng oán hờn chỉ trích.
Vì đâu xuất hiện sự thờ ơ này? Phải chăng người Hàn đã chán ghét bóng chày? Không phải, mùa qua, lượng người đến sân theo dõi giải bóng chày quốc gia vẫn ngang hàng với K-League. Phải chăng fan vẫn còn tức giận sau thất bại trước Đài Loan (Trung Quốc) ở vòng bảng? Cũng không phải nốt, bởi nếu xét về tính gây sốc, trận thua của Olympic Hàn Quốc với Olympic Malaysia còn đau đớn hơn.
Nguyên nhân nằm ở việc đội tuyển bóng chày đã gọi tay ném Oh Ji-hwan, một cầu thủ không có phong độ cao trong năm qua, vào đội tuyển tham dự ASIAD. Người Hàn Quốc cho rằng Oh Ji-hwan đã cố tình trì hoãn nghĩa vụ quân sự trong những năm qua để thoát hiểm thông qua con đường miễn trừ và đội tuyển đã cố tình tiếp tay cho việc này.
Những nghi ngờ này không phải không có cơ sở bởi năm 2014, VĐV Na Ji-wan cũng từng được gọi lên tuyển bóng chày dù đang chấn thương và nhận được quyền miễn trừ sau đó nhờ giành chiếc HCV ASIAD.
Tuyển thủ bóng chày Oh Ji-hwan.
Sự chỉ trích nhen nhóm từ khi danh sách đội tuyển được công bố trước khi bùng phát dữ dội sau màn trình diễn tệ hại của Oh Ji-hwan ở ASIAD vừa qua.
"Khi tham dự ASIAD, chúng tôi đã tự hỏi bản thân, 'liệu cổ động viên có còn quay lưng nếu chúng tôi giành chiếc HCV'. Giờ mọi thứ đã rõ ràng, chúng tôi không nhận được bất kỳ lời khen nào sau thành tích vừa qua, chúng tôi bị lãng quên. Khi ấy, tôi tự hỏi nếu đội tuyển thất bại, sự chỉ trích sẽ lớn đến nhường nào. Lúc này, khi đọc những bài đăng, tôi không dám đọc phần bình luận vì sợ hãi", VĐV Yang Hyeon-jong chia sẻ.
Sự đối xử thờ ơ của các fan hâm mộ với đội tuyển bóng chày cho thấy vấn đề nghĩa vụ quân sự nhạy cảm thế nào với người Hàn Quốc. Thực tế, tranh luận xung quanh vấn đề miễn trừ nghĩa vụ đã xuất hiện trong nhiều năm qua và càng nóng hơn sau ASIAD 2018. Một số ý kiến cho rằng việc miễn trừ sẽ tạo ra sự bất công không đáng có trong một xã hội đang đề cao bình đẳng về mọi mặt như Hàn Quốc.
"Vì những tranh cãi trong thời gian gần đây, tôi nghĩ rằng đây là thời điểm thích hợp để xét lại quy định về việc miễn trừ nghĩa vụ. Điều đầu tiên chúng tôi sẽ làm là đánh giá lại quy định miễn trừ hiện tại đã phù hợp hay chưa", ông Ki Chan-so, lãnh đạo Cơ quan Quân lực trả lời trên tờ Yonhap.
Quan điểm xét lại việc miễn trừ nghĩa vụ quân sự được ủng hộ bởi cả những quan chức cấp cao làng thể thao xứ kim chi. "Tôi nghĩ rằng những quy định hiện tại có phần ưu ái cho những VĐV có thành tích cao", Chủ tịch Ủy ban Olympic Hàn Quốc, ông Lee Kee-heung cho hay
Dù vấn đề miễn nghĩa vụ quân sự sẽ được đưa ra bàn luận, việc thay đổi quy định hiện tại đã xuất hiện từ những năm 1970 chắc chắn sẽ không phải công chuyện một sớm một chiều. Nếu siết chặt hoặc bãi bỏ, chắc chắn sức cạnh tranh của thể thao Hàn Quốc trên trường quốc tế sẽ suy giảm đáng kể.
"Việc kéo dài thời gian trì hoãn và để những VĐV thực hiện nghĩa vụ quân sự khi đã giải nghệ có thể làm một giải pháp", giáo sư Hong Sung-soo đến từ Đại học Sookmyung đề xuất.
Trong tương lai, Hàn Quốc sẽ thắt chặt hơn quy định miễn trừ nghĩa vụ quân sự?