Thảm họa đến từ một trận đấu
Vào ngày 19/02 vừa qua, trận đấu giữa Atalanta và Valencia trong khuôn khổ Champions League đã diễn ra tại sân vận động San Siro (Milan). Ước tính, đã có khoảng 40.000 cổ động viên từ Bergamo (nơi đặt trụ sở của CLB Atalanta) đến Milan để theo dõi trận đấu. Bên cạnh đó còn có hàng nghìn người khác tụ tập theo dõi trận đấu ở các quán bia, nhà hàng và cafe trong thành phố.
Mới đây, thị trưởng Bergamo, ông Giorgio Gori đã nói với các nhà báo địa phương rằng các sự kiện như vậy là nguyên nhân khiến dịch Covid-19 lây lan nhanh chóng. Chỉ 2 tuần sau trận đấu, Bergamo đã trở thành tâm dịch tại Italia với 4,178 ca tử vong.
"Chúng ta không thể phủ nhận rằng có nhiều người đã bị nhiễm bệnh khi tới sân xem bóng đá. Tôi không nghĩ đó là sự khởi đầu của mọi chuyện. Một bệnh nhân ở Alzano được nhập viện vì mắc Covid-19 nhưng các bác sĩ đã không phát hiện ra điều đó khi xét nghiệm. Ông ấy được ra về và trở thành nguồn lây bệnh. Tuy nhiên, các sự kiện tập trung đông người như vừa rồi là điều kiện lý tưởng để Covid-19 lây lan", ông Giorgio Gori chia sẻ.
Con số 4,178 ca tử vong không nói lên hết được mức ảnh hưởng của Covid-19 đối với Bergamo bởi có rất nhiều người khác đã qua đời tại nhà mà chưa có bất kỳ một xét nghiệm nào được thực hiện.
Bên cạnh đó, CLB Valencia cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi trở về từ Milan. 35% thành viên của đội được xác định nhiễm Covid-19 dù đã được cách ly trước khi dịch bệnh bùng phát tại Tây Ban Nha.
Tổ chức V.League vào giữa tháng 4 có mạo hiểm?
Trường hợp của trận đấu giữa Atalanta và Valencia là minh chứng rõ nét cho mối nguy hại từ các sự kiện thể thao tập trung đông người. Nhiều giải đấu trên thế giới đều đã bị hoãn lại vì ảnh hưởng của dịch bệnh, trong đó, V.League cũng không phải ngoại lệ.
Sau 2 lần tạm hoãn, ban tổ chức giải mới đây đã đưa ra quyết định tiếp tục dời lịch trở lại của giải sang giữa tháng 4, đồng thời đưa ra giải pháp tổ chức tập trung tại các tỉnh phía bắc. Đây là một quyết định táo bạo nhưng cũng có phần mạo hiểm của VPF. Thứ nhất, việc các đội bóng đến từ nhiều địa phương trên cả nước "hội tụ" tại một khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm. Chỉ cần một sơ suất nhỏ, hậu quả sẽ trở nên vô cùng khó lường.
Thứ hai, các đội bóng sẽ khó chấp nhận đá trên sân không khán giả trong một thời gian dài. Họ sẽ mất nguồn thu từ việc bán vé, (dù thực tế số tiền này cũng không quá lớn đối với đa số đội bóng tại V.League), đồng thời phải gánh thêm nhiều chi phí phát sinh khi đóng quân tại địa phương khác.
Để tổ chức một giải đấu trong thời điểm dịch Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn là điều khó nhận được sự đồng thuận. Có lẽ ngày V.League trở lại sẽ còn rất xa. Ít nhất, các cầu thủ Việt Nam vẫn được tập luyện cùng nhau chứ chưa phải "cách ly" hoàn toàn như các đồng nghiệp tại Italia, Tây Ban Nha hay Hà Lan lúc này.
Bạn nên quan tâm