Thông tin du lịch Triều Tiên chẳng có gì nhiều ngoài một vài bộ ảnh của các nhiếp ảnh gia quốc tế. Họ luôn cho biết chỉ chụp những thứ được phép, một số bức ảnh bị xoá lúc xuất cảnh.
Ngược lại, điều dễ thấy nhất khi tìm kiếm từ khoá Triều Tiên trên Internet là những cuộc khủng hoảng ngoại giao hay các cuộc thử tên lửa. Cả thế giới hướng mắt về đất nước này nhưng cuối cùng họ chẳng biết gì cả.
Những âu lo khi tới Triều Tiên
Để đến được Triều Tiên, con đường duy nhất là đi qua Trung Quốc.
Cổng ra chuyến bay Bình Nhưỡng của hãng Air Koryo có thể tìm thấy ở góc xa nhất của Sân bay quốc tế Bắc Kinh (Trung Quốc). Hành khách chủ yếu là người Triều Tiên về thăm quê. Đeo huy hiệu đỏ in hình lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong Un trên ngực, người Triều Tiên tỏ ra đầy hãnh diện.
Ở Triều Tiên, huy hiệu là biểu trưng cho địa vị xã hội, có hai mẫu riêng dành cho người thuộc tầng lớp trên và người bình thường. Nhiều người Triều Tiên thường đeo huy hiệu vào lễ cưới hoặc những sự kiện lớn nhằm phô trương vị trí xã hội của họ.
Trong đám đông đứng chờ ở sân bay, đoàn khách 30 người gồm cầu thủ và quan chức đội tuyển bóng đá Lebanon với áo thi đấu màu đỏ và chữ số lớn sau lưng nổi bật ở sảnh sân bay. Trông họ bồn chồn, như thể sắp có một tin xấu ập đến.
"Mọi người đang rất lo lắng cho chuyến trở về nhà", Omar Bugiel nói. Tiền đạo 23 tuổi đang thi đấu cho CLB Forest Green Rovers ở hạng tư nước Anh. Omar hy vọng sẽ có lần đầu tiên ra sân trong màu áo ĐTQG.
Anh và nhiều đồng đội có gốc gác Lebanon nhưng sinh sống ở nhiều khu vực khác nhau trên Trái Đất. Đấy là hệ quả của cuộc nội chiến trong thập niên 70 và 80. Dân số của Lebanon khoảng 6 triệu người. Khoảng gấp đôi con số đó đang sinh sống ở nước ngoài. Gia đình của Omar Bugiel tị nạn ở Đức. Omar được sinh ở đây, trước khi sang nước Anh hồi còn bé tí.
Cầu thủ Soony Saad ngồi gần đó cho biết anh từng cân nhắc tìm một lý do để thoái thác chuyến đi này. "Ban đầu tôi nghĩ có lẽ nên giả vờ lăn ra chấn thương", Saad nửa đùa nửa thật. "Nguy cơ chiến tranh hạt nhân thật đáng sợ".
Soony Saad (số 13) trong trận đấu giữa Lebanon và Malaysia.
Soony sinh ra ở Dearbon, bang Michigan (Mỹ). Anh từng chơi cho đội U17 và U20 Mỹ trước khi trở về khoác áo Lebanon vì cơ hội với bóng đá Mỹ đã cạn kiệt. Và bây giờ, Soony, một người mang quốc tịch Mỹ đến Triều Tiên trong bối cảnh còn rất ít công dân Mỹ ở lại đất nước này.
Soony chuẩn bị nhập cảnh Triều Tiên vào thời điểm chỉ 24 giờ sau khi Mỹ ban hành lệnh cấm mọi công dân tới đất nước này. Lệnh cấm được ban hành sau cái chết của Otto Warmbier, chàng sinh viên 22 tuổi bị bắt và bị kết án 15 năm khổ sai vì ăn cắp biểu ngữ tuyên truyền ở Triều Tiên. Không ai biết chính xác điều gì đã xảy ra với Warmbier, nhưng khi được thả ra vào tháng 6/2017, Warmbier đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu. Anh ta chết sáu ngày sau khi trở về Mỹ.
"Tốt nhất nên đến Triều Tiên bằng hộ chiếu Lebanon", Soony nghĩ bụng.
Chỉ mất một tiếng rưỡi để bay đến thủ đô Bình Nhưỡng. Chuyến bay rất vắng vẻ. Sau khi qua cửa soát hộ chiếu, một nhóm cán bộ hải quan lục soát hành lý, kiểm tra tài sản, tìm sách vở, USB... Bất cứ thứ gì có khả năng ghi dữ liệu hoặc quay phim đều bị cấm. Các cầu thủ giơ điện thoại lên để bắt tín hiệu Wi-Fi. Một hành động vô nghĩa.
Omar hỏi với giọng đầy hy vọng: "Có kết nối internet không?". Dĩ nhiên là không, nhưng khách du lịch có thể mua thẻ kết nối 3G với dung lượng dữ liệu rất nhỏ và cái giá thì đắt "cắt cổ": 250 USD. Chẳng ai còn hứng thú với internet sau khi nghe thấy cái giá đó. Họ lặng lẽ rời sân bay, đi qua hai bức tượng cố lãnh tụ Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật.
Omar Bugiel và Soony Saad ngồi trong căn phòng trên tầng cao của khách sạn Koryo nhìn toàn cảnh Bình Nhưỡng. Họ giải khuây bằng máy PlayStation 4 và cố gắng gỡ tâm trí khỏi nỗi sợ hãi về hạt nhân. "Ơn Chúa, nó hoạt động rồi", Omar vừa nói vừa chỉ tay vào chiếc máy chơi game. Hai người điều khiển Liverpool và MU trong game FIFA 2018. "Chúng tôi vẫn không có kết nối internet", Omar than thở sau khi Soony điều khiển Sadio Mane ghi bàn mở tỷ số. "Không có cách nào để gọi điện về nhà, thông báo cho mọi người biết chúng tôi bình an".
Omar và Soony chơi game trong khách sạn ở Triều Tiên.
Nhóm cầu thủ ngồi chung trong một căn phòng, nhưng Soony là người đầu tiên nhận thấy một sự kiện lớn vừa xảy ra. Anh nhớ lại: "Tôi nghe thấy âm thanh của hàng nghìn người đang hô vang một cái gì đó ở gần khách sạn. Rồi tôi bật tivi. Kênh Russia Today (Nước Nga ngày nay -pv) phát tin Triều Tiên vừa thử nghiệm thành công quả bom nhiệt hạch".
Soony tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu anh ghi bàn vào lưới ĐT Triều Tiên ngay trên sân vận động Kim Nhật Thành. "Nếu tôi sút tung lưới ĐT Triều Tiên rồi khán giả phát hiện tôi là công dân Mỹ thì sao nhỉ? Cha mẹ khuyên ngăn tôi hết lời. Họ hỏi 'Con chắc chứ? Có đáng phải mạo hiểm như thế vì một trận đấu hay không?', anh bồn chồn.
Ai đó đã nói với chàng trai này rằng chỉ những người có mối quan hệ thân thiết và những người đã chứng minh sự trung thành tuyệt đối với gia đình Kim mới có thể sống ở thủ đô. "Có phải dân Bình Nhưỡng là những người được chọn?", chàng trai trẻ băn khoăn.
Tôi trả lời rằng đấy cũng là một giả thuyết. Trước đây, tôi đã nhìn thấy những rào chắn ngăn mọi người rời khỏi hoặc đi vào thủ đô của Triều Tiên trong giờ giới nghiêm.
"Nơi này", Soony nói khi chúng tôi cùng nhìn ra ngoài cửa sổ, "thật điên rồ".
Bóng đá – niềm tự hào của Triều Tiên
Biển quảng cáo bị cấm ở Triều Tiên, nhưng mọi ngóc ngách đều có tranh tán dương chương trình tên lửa hạt nhân của nhà nước, đồng thời tố cáo sự xâm lược của đế quốc Mỹ. Hướng dẫn viên chỉ cho tôi những nơi được phép đi qua và những thứ được phép nhìn. Là người nước ngoài, tôi không được phép ở bên ngoài khách sạn mà không có người đi cùng. Hầu hết cửa hàng đều hạn chế giao dịch với khách nước ngoài, chỉ chấp nhận thanh toán bằng đồng won Triều Tiên. Thủ đô Bình Nhưỡng có một cửa hàng của chủ đầu tư Trung Quốc, nơi đây chấp nhận thanh toán ngoại tệ.
Chúng tôi cùng nhau đi khám phá tàu điện ngầm ở thủ đô. Đó là những con tàu cũ do Tây Đức chế tạo. Người dân chăm chú theo dõi tin tức về vụ thử bom nhiệt hạch trên tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Lao động. Con tàu được lắp đặt nhiều tivi để phát phim tài liệu. Bộ phim của ngày hôm nay kể về một trong những chiến tích vĩ đại nhất lịch sử bóng đá Triều Tiên - chức vô địch World Cup U20 nữ năm 2006.
Mặc dù Triều Tiên tồn tại tính gia trưởng sâu sắc, bóng đá nữ là niềm tự hào to lớn. Bóng đá nữ thống trị thể thao Triều Tiên vì nó đạt thành công vang dội trong những năm gần đây. Triều Tiên đã có 3 lần vô địch châu Á, giành 3 huy chương vàng Asian Games, 3 lần vô địch Đông Á và là nhà vô địch thế giới lứa tuổi U17 và U20. Vào ngày 23 tháng 9 năm 2017, vài tuần sau chuyến đi của tôi, họ đã giành chức vô địch U16 nữ châu Á bằng cách đánh bại Hàn Quốc 2-0 trong trận chung kết.
Đội tuyển nữ Triều Tiên đăng quang vô địch nội dung bóng đá nữ tại Đại hội thể thao châu Á 2014.
Đội tuyển nữ quốc gia Triều Tiên đã hai lần giành vé dự World Cup như đội tuyển nam, mặc dù họ dính vào một vụ bê bối trong lần gần nhất dự giải. Tại World Cup 2011 ở Đức, 5 cầu thủ nữ Triều Tiên thất bại trong cuộc kiểm tra doping. Phái đoàn Triều Tiên tuyên bố cầu thủ của họ đã vô tình dương tính với chất cấm vì sử dụng loại thuốc truyền thống Trung Quốc được chiết xuất từ tuyến xạ của hươu nai.
Phía Triều Tiên quả quyết loại thuốc đó được quản lý nghiêm ngặt. Cựu giám đốc y tế của FIFA, Jiri Dvorak khẳng định chất này không phải doping. Bất chấp mọi lời giải thích, tuyển nữ Triều Tiên bị cấm tham dự World Cup 2015.
Tất cả câu lạc bộ bóng đá ở đất nước này đều gắn với các ngành công nghiệp, nhà máy hoặc cơ quan chính phủ. Do Triều Tiên có quân đội khoảng một triệu người và không gian công cộng mang tính quân sự rất cao nên quân đội có vai trò chi phối bóng đá Triều Tiên. Đội bóng thành công nhất đất nước mang tên "25 tháng Tư", được đặt theo ngày cố Chủ tịch Kim Il Sung thành lập quân đội.
Những trận đấu bóng quốc nội Triều Tiên vẫn nằm trong bức màn bí ẩn. Lịch thi đấu không được công bố. Một ngày trước trận, thông báo mới được treo bên ngoài sân vận động. Triều Tiên không tổ chức giải bóng đá theo kiểu phổ biến trên thế giới. Các trận đấu nam và nữ ở đất nước này diễn ra cục bộ trong hai tháng mỗi năm, xoay quanh những ngày lễ lớn như ngày sinh cố Chủ tịch Kim Il Sung hoặc ngày thành lập quân đội.
Tranh cổ động thống nhất hai miền.
Khi Kim Jong Un lên nắm quyền, ông đã chỉ đạo đầu tư nhiều hơn cho thể thao, đặc biệt là bóng đá, vì nó giúp xây dựng uy tín quốc tế và mang lại nguồn ngoại tệ quan trọng cho đất nước. Trong cửa hàng sách tiếng Anh duy nhất ở Bình Nhưỡng, nơi có đầy đủ bản dịch những bài diễn thuyết và sách ca ngợi các bài viết của gia đình Kim, tôi tìm thấy một bức thư của Kim Jong Un viết về thể thao có tiêu đề: "Hãy để chúng ta dẫn đường trong kỷ nguyên vàng xây dựng thế lực thể thao trên tinh thần cách mạng Paektu". Paektu là ngọn núi phía bắc của Triều Tiên, sát biên giới Trung Quốc, căn cứ của đội quân du kích Kim Il Sung và sau này trở thành huyền thoại trong lịch sử Triều Tiên.
Bức thư nêu trên gửi cho đại biểu tham dự Hội nghị quốc gia lần thứ bảy vào ngày 25 tháng 3 năm 2015, hoặc năm chủ thể 104. Ở Triều Tiên, người ta dùng lịch chủ thể, theo đó lấy ngày 15 tháng 4 năm 1912, tức ngày sinh của Kim Nhật Thành là năm thứ nhất và các năm kế tiếp đánh số thứ tự theo đó.
Bức thư làm rõ thể thao quan trọng thế nào, và vì sao, với Kim Jong Un và chính phủ Triều Tiên. Trong thư viết: "Thể thao đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố sức mạnh quốc gia, làm tăng uy tín và danh dự quốc gia, tạo cảm hứng cho người dân thông qua niềm tự hào và phẩm giá quốc gia, đồng thời thắp sáng toàn bộ xã hội bằng can trường cách mạng".
Quan trọng hơn, cách tiếp cận thể thao nói chung và bóng đá nói riêng ở Triều Tiên không khác gì chiến tranh. Ông Kim Jong Un viết: "Các vận động viên nên coi chương trình đào tạo của họ là những đơn đặt hàng chiến đấu của Đảng. Sân vận động và sân tập của họ như chiến trường để thực hiện lý tưởng của Đảng và bảo vệ đất nước".
Theo ý của Kim Jong Un, môn thể thao mà Triều Tiên nên tìm kiếm sự thống trị toàn cầu là bóng đá nữ. Kim Jong Un lên nắm quyền vào năm 2012, ngay lập tức chương trình giáo dục thể chất tập trung vào bóng đá. Các lớp học ở trường phổ thông trung học được sắp xếp thành các đội bóng đá để huấn luyện. Một kẻ đào tẩu cho tôi biết: "Học sinh có yêu thích bóng đá hay không chẳng thành vấn đề. Quan trọng là Kim Jong Un thích bóng đá".
Thiếu niên tập bóng trên sân cát ở trường cấp hai Kang Pan Sok.
Nằm cách Rungrado mùng một tháng năm, sân vận động lớn nhất Triều Tiên không xa, ở trường trung học Kang Pan Sok (đặt theo thân mẫu cố chủ tịch Kim Nhật Thành), kế hoạch của Kim Jong Un được thực thi. Trên mặt sân phủ cát có hàng trăm thanh thiếu niên đang làm những việc khác nhau. Nhóm tập nhạc, nhóm tập diễu hành và nhóm tập bóng.
Ở góc sân, HLV Chong Yong Jin đang cố gắng cải thiện khả năng sút bóng của các học trò. Người thầy 57 tuổi cho các học trò nam và nữ xếp thành hai hàng, rê bóng rồi sút vào bức tường màu xanh được chia thành nhiều phần với điểm số tương ứng cho mỗi phần. Không hề có sự xuất hiện của những chiếc áo đấu MU, Barcelona hay Real Madrid. Lũ trẻ mặc áo của những đội bóng địa phương, đội tuyển quốc gia và hầu hết hâm mộ 25/4, đội bóng mạnh nhất Triều Tiên.
"Tôi dạy bóng đá được 5 năm rồi. Rất bất ngờ là các bé gái giỏi hơn bé trai. Chúng đã tham dự chung kết và giành huy chương. Từ 2012, các bé gái được tập luyện chung để cải thiện kỹ năng của bé trai. Đội tuyển bóng đá nữ Triều Tiên còn thu hút hơn cả đội tuyển bóng đá nam", HLV Chong tâm sự.
Một cuộc tìm kiếm tài năng trên khắp đất nước đã và đang diễn ra, tài năng được phát hiện sẽ gia nhập Trường bóng đá quốc tế Bình Nhưỡng, sau đó vào các đội tuyển quốc gia và có cơ hội đi thi đấu ở nước ngoài.
Ở tiền sảnh của trường có treo một bức ảnh lớn, chiều dài 1,2 mét, chiều rộng 60 cm. Nó nằm phía sau hàng rào làm bằng dây nhung và được chiếu sáng bằng đèn sân khấu. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc Kim Jong Un bắt tay các thành viên của đội tuyển Triều Tiên. Trường được thành lập theo hướng dẫn của Kim Jong Un vào năm 2013. Ông đã viếng thăm trường ngay sau đó, và một thông điệp ông viết tặng đã được ghi lên đá lưu niệm, đặt gần lối vào.
Bức ảnh Kim Jong Un bắt tay với ĐT Triều Tiên.
Trường có tổng cộng 20 sân bóng, thách thức mọi thời tiết. Trên các sân nhỏ, lũ trẻ mặc áo đỏ ĐTQG đang tham gia trận đấu một chạm. Ở sân trung tâm, ông Kim Chol Ung, phó giám đốc của trường mặc trang phục áo ngắn tay có huy hiệu chủ tịch Kim Jong Il, tỏ ra không hài lòng. Ông cho dừng trận đấu rồi đi vào giữa sân và nói với lũ trẻ rằng chúng đã thực hiện sai, sau đó thổi hồi còi bắt đầu lại quá trình tập luyện. Thầy giáo 50 tuổi cho biết: "Mỗi tỉnh có 50 trường học. Mỗi trường học đều có đội bóng đá. Chúng tôi đến các tỉnh để tìm kiếm tài năng và đưa các em về đây".
Ông Kim từng thi đấu 15 năm cho đội bóng của công ty xe điện Triều Tiên ở giải hạng hai. Ông dẫn tôi đi xung quanh trường, giới thiệu với giọng đầy tự hào. Có khoảng 500 trẻ em trong độ tuổi từ 7 đến 16 đang theo học. Chúng tôi đi qua các lớp học văn hóa, nơi lũ trẻ đang trong giờ học địa lý và hình học. Ở sân trong nhà, một nhóm 12 cầu thủ nhí đang luyện giữ bóng. Thư viện có vô vàn sách bóng đá và tạp chí bằng tiếng Triều Tiên. Lý thuyết bóng đá được giảng dạy trong một giảng đường gần đó.
Giờ tập luyện ở Trường bóng đá quốc tế Bình Nhưỡng.
Kim Chol Ung nảy sinh tình yêu với bóng đá từ năm 13 tuổi, khi được nghe trên đài phát thanh về cơn địa chấn ĐT Triều Tiên tạo ra ở World Cup 1966. Bây giờ, ông là một trong những người phụ trách nuôi dưỡng thế hệ tiếp theo của bóng đá Triều Tiên.
"Vào tháng 5 năm 2013, chúng tôi đề ra kế hoạch phát triển bóng đá mạnh hơn nữa để đạt tới trình độ của các cường quốc, vì vậy chúng tôi thành lập học viện. Rất nhiều cầu thủ nòng cốt của đội tuyển trong tương lai được đào tạo và phát triển ở đây. Không được tham dự World Cup 2018 tất nhiên là thất bại. Thế nhưng, khóa đầu tiên của trường sẽ tốt nghiệp vào năm 2018. 80 phần trăm cầu thủ ở đội tuyển U16 và U17 Triều Tiên đến từ học viện. Đích nhắm của chúng tôi là World Cup 2022. Tất cả cầu thủ ở đây đều có khả năng tới đó", Kim Chol Ung tự tin cao độ, không mảy may nghi ngờ.
Một phần quan trọng trong chiến lược của Kim Jong Un là gửi những người tốt nhất đến châu Âu để đào tạo. Cầu thủ Triều Tiên thành công nhất hiện nay mang tên Han Kwang Song. Mùa trước, trong màu áo CLB Cagliari, anh trở thành cầu thủ Triều Tiên đầu tiên ghi bàn tại Serie A, vào lưới thủ môn Joe Hart. Mùa này, Han được đem cho mượn ở Perugia (Serie B) và ngay trong trận ra mắt, Han đã ghi một hat-trick. Anh tốt nghiệp học viện ISM gần Perugia, Italy, nơi có hàng chục cầu thủ trẻ Triều Tiên đang theo học. ISM kết nối với Liên đoàn bóng đá Triều Tiên thông qua ông Antonio Razzi, thượng nghị sĩ Italy gây nhiều tranh cãi. Razzi đã gặp Kim Jong Un nhiều lần, và tin rằng thế giới đang hiểu sai về Triều Tiên.
"Kim Jong Un là một người hay cười. Ông ấy thích bóng đá, ông ấy đã gửi nhiều cầu thủ trẻ đi học ở trường Corciano tại Perugia", thượng nghị sĩ trả lời phỏng vấn qua email. Razzi đã đến Triều Tiên gần chục lần và khẳng định Kim Jong Un rất thích nghe nhạc. Hồi còn học ở Thụy Sĩ, Kim Jong Un đã tới San Siro để xem AC Milan.
Quốc hội Italy đã mở một cuộc điều tra xem hợp đồng với cầu thủ Triều Tiên có vi phạm các biện pháp trừng phạt quốc tế đang áp lên Triều Tiên hay không. Kể từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền, số lượng công nhân được gửi ra nước ngoài - chủ yếu là Trung Quốc, Nga và Trung Đông - đã tăng lên đáng kể, và chính phủ Triều Tiên bị cáo buộc lấy gần hết khoản tiền công của công nhân để bù đắp nguồn ngoại tệ bị cạn kiệt.
Điều này gây ra nhiều rắc rối cho các câu lạc bộ ký hợp đồng với cầu thủ Triều Tiên. CLB Fiorentina quyết định hủy bỏ hợp đồng với cầu thủ Choe Song Hyok, mặc dù được cam kết rằng tiền lương trả cho cầu thủ này sẽ được chuyển vào tài khoản cá nhân chứ không thuộc về chính phủ Triều Tiên.
Ông Kim Chol Ung sắp kết thúc ngày làm việc. Các cầu thủ của ông chuẩn bị có mặt ở sân vận động Kim Il Sung để làm tình nguyện viên nhặt bóng cho trận đấu giữa Triều Tiên và Lebanon. Trận đấu sẽ không chiếu trực tiếp trên truyền hình. Kể từ sau thảm họa chiếu thảm bại 0-7 của Triều Tiên trước Bồ Đào Nha ở World Cup 2010, không trận đấu nào của ĐT Triều Tiên được phát trực tiếp. Tuy nhiên, giải châu Âu thường được trình chiếu trên TV, nhưng phải rất lâu sau khi trận đấu kết thúc để phía Triều Tiên dịch lại rồi mới phát cho người dân theo dõi. Gần đây, ông Kim đã xem trận của PSG và Manchester United. Đội bóng đẹp nhất theo quan điểm của HLV Kim là Bayern Munich.
- "Cầu thủ yêu thích nhất trong đội Bayern Munich?" – tôi hỏi
- Thomas Mueller. Kim đáp
- Tại sao?
- Tiền đạo hoàn hảo. Tư duy, ra quyết định và ghi bàn, tất cả đều xuất sắc.
(còn tiếp)