Bóng đá tại Yemen: Khi chiến tranh, nạn đói không đủ để ngăn cản niềm đam mê

PHỤNG HIẾU , 19:24 07/01/2019 | Bóng đá Việt Nam

Chia sẻ

Ở một quốc gia mà bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của bom đạn, hành trình phát triển của bóng đá nước này được ví với một câu truyện cổ tích trở thành hiện thực.

Tháng 3/2017, một đám đông chừng 7.000 người ăn mừng cuồng nhiệt tại SVĐ Suheim bin Hamad, Doha, Qatar. Họ được chứng kiến kỳ tích chưa từng có trong lịch sử bóng đá Yemen, khi ĐTQG nước này đánh bại Nepal 2-1 trong trận đấu thuộc vòng loại Asian Cup 2019.

Khoảnh khắc tiếng còi mãn cuộc được cất lên cũng là lúc dàn cầu thủ Yemen quỳ gối, HLV Abraham Mebratu lao vào sân ăn mừng. Đây là lần đầu tiên ĐT bóng đá của Yemen giành quyền tham dự giải đấu hàng đầu châu lục. Một phép màu thực sự nếu nhìn vào tình hình chính trị hỗn loạn của quốc gia này.

4 năm trở lại đây, đất nước Yemen bị nội chiến tàn phá dữ dội. Các lực lượng Houthi được ủng hộ bởi Iran liên tục làm khó chính phủ và quân đội Yemen. Rất nhiều người dân vô tội ngã xuống trong bối cảnh đất nước rơi vào tình thế ngày càng suy thoái, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Theo thống kê của trường Đại học Sussex, hơn 80.000 người dân Yemen đã thiệt mạng vì chiến tranh.

Bóng đá tại Yemen: Khi chiến tranh, nạn đói không đủ để ngăn cản niềm đam mê - Ảnh 1.

Đất nước Yemen bị tàn phá khủng khiếp vì chiến tranh trong suốt những năm qua.

Chưa dừng lại ở đó, tháng 10/2018, cuộc nội chiến tại Yemen được dự đoán sẽ mang đến thảm cảnh đói ăn trên toàn đất nước. Không ai có thể quên được hình ảnh của những đứa bé sinh ra trong bom đạn, teo tóp đi từng ngày vì thiếu dinh dưỡng ở Yemen. Ở một quốc gia khi lương thực và tình người còn trở nên khô hạn thì lấy đâu ra chỗ dành cho thể thao, huống chi là bóng đá?

Ấy vậy mà bằng một cách thần kỳ nào đó, đội tuyển quốc gia của Yemen vẫn tham dự những trận đấu vòng loại khu vực. Giải vô địch quốc gia Yemen bị hoãn vô thời hạn vào năm 2014 khiến mỗi cầu thủ phải trôi dạt đến một nơi. Nhưng khi tổ quốc cần, họ vẫn có mặt đầy đủ để thi đấu.

Vào năm 2015, trước trận đấu vòng loại World Cup 2018 với Triều Tiên, Yemen mất tới 6 ngày để tụ họp lại toàn bộ đội hình. Tình hình chiến sự ở Yemen lúc đó nguy hiểm đến mức mỗi cầu thủ đều sở hữu câu chuyện riêng về việc làm thế nào họ có thể vượt qua bom đạn để an toàn đến nơi tập trung.

Từ đó, họ lên thuyền bắt đầu chuyến hành trình kéo dài 13 tiếng đến Djibouti để luyện tập. Dù thua Triều Tiên 0-1 nhưng ít ra người Yemen đã chứng tỏ được vì tình yêu với bóng đá, bom đạn không phải là thứ đáng để tâm.

Nhìn về lịch sử từ khi 2 miền Yemen thống nhất vào năm 1990, dễ thấy nền bóng đá nước này không biết bao lần tưởng chừng như sụp đổ nhưng vẫn ngóc lên và "sống khỏe" cho đến hiện tại.

Bóng đá tại Yemen: Khi chiến tranh, nạn đói không đủ để ngăn cản niềm đam mê - Ảnh 2.

Chiến tranh có thể cướp mọi thứ của người dân Yemen, trừ niềm đam mê với bóng đá.

Vì chiến tranh thiếu thốn, người dân Yemen từng lạm dụng khát, một loại thực vật giống với trầu của Việt Nam. Cũng chính bởi loại thực vật đặc biệt này khiến ĐTQG của họ phải nhận những lời chỉ trích thậm tệ (khát bị coi là một loại doping) và bị loại khỏi Asian Games 2006. Rất may là trong thời điểm nền bóng đá đang "thoi thóp", thư ký LĐ Hamid al Shaibani đã ra lệnh cấm các cầu thủ sử dụng khát và trình làng hàng loạt kế hoạch tái thiết. Các SVĐ mới được xây lên, các giải đấu được tổ chức thường xuyên đem lại những hi vọng mới.

Nhưng một lần nữa, bóng đá Yemen lại đối mặt với nguy cơ sụp đổ vì chiến tranh. Vào năm 2010 SVĐ mới được xây dựng tại Zinjibar trở thành một cứ điểm quân sự. Theo thống kê, 48 người đã gục xuống trong trận chiến bảo vệ SVĐ này. Sân May 22, nơi tổ chức 2010 Gulf Cup tại thành phố Aden thì không được may mắn như vậy. Bom đạn đã oanh tạc, biến nó trở thành bình địa từ đầu năm 2010.

Trong hoàn cảnh như vậy, Abraham Mebratu, HLV trưởng của Yemen trong khoảng thời gian từ 2012 đến 2018 vẫn có thể tạo ra những kỳ tích khó quên. Với ông, cách duy nhất để hướng đến thành công là luyện tập, luyện tập và luyện tập.

"Đó là quãng thời gian vô cùng khó khăn (2010 đến 2012). Lúc đó, trong tay tôi có hơn 40 cầu thủ. Tôi chia họ thành 3, 4 đội và bắt đầu lao vào luyện tập", ông Mebratu kể lại. "Trong số học trò của tôi có rất nhiều người đang bị mắc kẹt ở Yemen. Nhiều người đã bị thương và thậm chí tử nạn bởi bom đạn. Nhiều người thì may mắn hơn với những bản hợp đồng tại Qatar".

Nhưng những khó khăn như vậy không thể ngăn lại chuỗi trận bất bại của đoàn quân của Abraham Mebratu tại vòng loại Asian Cup 2019. Bắt đầu từ trận thắng Tajikistan tại Doha, Yemen cầm hòa 2-2 với Philippines trên sân khách, tự mở ra cơ hội lớn giành vé tham dự giải đấu.

Bóng đá tại Yemen: Khi chiến tranh, nạn đói không đủ để ngăn cản niềm đam mê - Ảnh 3.

Câu truyện cổ tích Yemen viết nên có thể trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong thế giới bóng đá.

"Những trận đấu đáng lẽ Yemen được chơi trên sân nhà đều được tổ chức ở nơi rất xa. Nhưng chừng đó khó khăn chưa đủ để ngăn cản chúng tôi lập lên những thành tích tốt ở đấu trường châu lục", ông Mebratu trả lời phỏng vấn BBC sau thắng lợi trước Nepal.

HLV Mebratu không lâu sau đó đã từ chức để trở về quê nhà Ethiopia cống hiến cho ĐTQG. Nhưng dù ai ngồi trên ghế huấn luyện của Yemen lúc này, tinh thần của các cầu thủ vẫn sẽ không lay chuyển. 

Yemen có thể là đội bóng sở hữu thứ hạng trên BXH của FIFA thấp nhất giải đấu nhưng ý chí chiến đấu chẳng thua kém ai. Tại Asian Cup 2019, tại sao có thể khẳng định rằng sẽ rất khó để Iran, Iraq hay Việt Nam ngăn cản Yemen tiếp tục viết tiếp câu truyện cổ tích? Đơn giản là nhân vật chính, chính Yemen, là những người không biết đầu hàng số phận, nghịch cảnh. Đến chiến tranh, mất mát đau thương còn không cản nổi họ nữa là!