Dario Conca không phải một ngôi sao tiếng tăm. Anh cũng chưa từng được khoác áo đội tuyển Argentina. Nhưng, năm 2011, tiền vệ này bỗng trở thành cầu thủ hưởng lương cao thứ ba trên thế giới, chỉ đứng sau Cristiano Ronaldo và Lionel Messi.
Quảng Châu Hằng Đại chiêu mộ Conca, khi đó 29 tuổi, với giá 10 triệu USD, một kỷ lục chưa từng có của bóng đá Trung Quốc. Khi đó, đội bóng này chỉ vừa thăng hạng lên Chinese Super League (CSL), giải đấu cấp độ cao nhất của đất nước đông dân nhất thế giới.
Với bản hợp đồng này, Quảng Châu Hằng Đại được xem là tiên phong của làn sóng bóng đá kim tiền, theo cách gọi của người Trung Quốc. Họ cũng là CLB thành công nhất trong một thập kỷ tiêu tiền như nước của các đội bóng CSL.
Quảng Châu Hằng Đại giành được 16 danh hiệu, trong đó có 8 chức vô địch CSL và 2 lần đăng quang ở AFC Champions League. Ước tính đội bóng này chi ra khoảng 2 tỷ USD để trở thành thế lực của bóng đá Trung Quốc và châu Á trong 10 năm qua.
Thành công của Quảng Châu Hằng Đại trong giai đoạn 2011-2015 với 2 lần vô địch châu Á đã kéo theo làn sóng đầu tư ồ ạt của nhiều đội bóng khác. Bóng đá Trung Quốc lúc này mới thực sự bước vào thời kỳ kim tiền.
Ban đầu, Quảng Châu Hằng Đại chỉ có một đối thủ cạnh tranh về mức độ chi tiền là Thân Hoa Thượng Hải, với hai bản hợp đồng Didier Drogba và Nicolas Anelka năm 2012. Nhưng đến năm 2016, CSL liên tiếp đón những Alex Teixeira, Ramires, Alexandre Pato, Paulinho, Oscar, Carlos Tevez, Hulk, John Obi Mikel. HLV Fabio Cannavaro và Luiz Felipe Scolari, hai cựu vô địch thế giới, cũng xuất hiện ở đây.
Trong giai đoạn cực thịnh của bóng đá kim tiền, giải vô địch Trung Quốc được xem là điểm đến lý tưởng để các ngôi sao đã hoặc sắp hết thời tiếp tục kiếm bộn tiền. CSL trở thành thế lực cạnh tranh đáng gờm trên thị trường chuyển nhượng.
"Có một nguy cơ rằng những lời mời gọi từ Trung Quốc sẽ trở thành tiêu chuẩn mới cho bóng đá châu Âu. Sẽ không thể có sự cạnh tranh nào với điều đó", HLV Arsene Wenger cảnh báo vào năm 2016, khi các CLB Trung Quốc chi ra rất nhiều tiền để thu hút những ngôi sao hàng đầu thế giới.
Trung Quốc được nhắc đến nhiều hơn trong các tin đồn chuyển nhượng, đặc biệt khi các ngôi sao lớn với giá trị chuyển nhượng và mức lương cao ngất tìm bến đỗ mới. Năm ngoái, CLB Giang Tô Tô Ninh thậm chí suýt chiêu mộ được Gareth Bale, người mà Real Madrid muốn bán cũng không được vì chẳng đội nào trả nổi lương của cầu thủ này.
"Các đội bóng của CSL đang chi tiền nhiều gấp 10 lần giải K-League của Hàn Quốc, gấp 3 lần J-League của Nhật Bản", Chủ tịch Hiệp hội bóng đá Trung Quốc (CFA) Chen Xuyuan chia sẻ.
Tuy nhiên, những người theo sau của làn sóng bóng đá kim tiền lại không thể thành công được như Quảng Châu Hằng Đại, dù số tiền đổ ra mua sắm ngôi sao nhiều hơn. Sự cạnh tranh, cùng với những biện pháp ngăn chặn sự bành trướng của làn sóng tiêu tiền mà Hiệp hội bóng đá Trung Quốc áp dụng, khiến chuyện mua thành công bằng tiền không còn dễ dàng.
Cảng Thượng Hải, hay Thượng Hải SIPG, là đội tiêu tiền nhiều thứ hai của Trung Quốc trong 5 năm qua, với hơn 1,4 tỷ USD. Đổi lại, họ giành được 2 danh hiệu, trong đó có một chức vô địch CSL. Có hai trường hợp khác cũng có được chút ít thành công, nhưng "trái đắng" nhận lại nhiều hơn.
Sơn Đông Lỗ Năng sau khi chi ra hơn 1 tỷ USD kể từ năm 2015 chỉ giành được một chức vô địch giải cúp. Đội bóng từng đánh bại Hà Nội FC năm 2019 vừa bị tước quyền tham dự AFC Champions League vì nợ lương cầu thủ.
Giang Tô Tô Ninh đốt gần 800 triệu USD phải chờ đến khi chủ sở hữu ngừng đầu tư mới vô địch Trung Quốc. CLB có chung chủ sở hữu với Inter Milan trở thành một trong 20 đội bóng chuyên nghiệp của Trung Quốc phải dừng hoạt động trong vòng hơn một năm qua.
Hầu hết các CLB Trung Quốc chi tiêu mạnh tay đều chịu cảnh thua lỗ và không thu về thành quả tương xứng. Thêm vào đó, tác động của đại dịch COVID-19 cùng những điều chỉnh về cơ chế đang dần đặt dấu chấm hết cho thời kỳ bóng đá kim tiền.
Bạn nên quan tâm