10 năm trước, bóng đá Việt Nam từng lo sốt vó U23 và tuyển Việt Nam thiếu thủ môn giỏi vì V.League đạt đỉnh điểm sử dụng ngoại binh ở vị trí thủ môn. Bao gồm 2 cầu thủ nhập tịch là Phan Văn Santos (Brazil) và Đinh Hoàng La (Ukraine), số lượng "Tây gác đền" tại V.League 2010 là 7 người.
Cụ thể: Phan Văn Santos (N.Sài Gòn), Mladen Cucic (Croatia, K.Khánh Hòa), Đinh Hoàng La (V.Ninh Bình), Michal Silhavy (Cezch, HAGL), Justin Myers (Mỹ, HP. Hà Nội), Goran Brasnic (Bosnia, SLNA), Filip Madzovski (Macedonia, Long An).
Cần biết thời điểm này đến sau những màn trình diễn cứng khừ trong khung thành của Phan Văn Santos và Đinh Hoàng La - đều được gọi lên tuyển Việt Nam quãng 2008, 2009. Điều đã khiến các đội bóng Việt Nam bắt đầu ưu tiên dùng thủ môn ngoại vì thể hình to cao, kỹ thuật cơ bản vững và tâm lý ổn định khi thi đấu.
Đinh Hoàng La và Phan Văn Santos ghi dấu ấn đậm nét trong làng bóng đá Việt Nam. Ảnh: Quang Liêm, Minh Hoàng
Kết thúc mùa giải 2010, hiệu quả từ những thủ môn ngoại chỉ thực sự đến với đội SLNA và HAGL. Đấu trường Cúp QG 2010, SLNA giành ngôi vô địch và HAGL đạt Á quân. Ở sân chơi V.League, cả hai đội nằm trong top 3 đội có số bàn thua ít nhất giải - Hà Nội T&T (25), SLNA (26) và HAGL (27).
Kết quả trên cộng với nhiều phản ứng cho rằng "thủ môn Việt Nam không thua kém" bởi giới truyền thông lẫn các chuyên gia bóng đá, bước sang mùa giải 2011, chỉ còn đúng 2 "Tây gác đền" đã quen thuộc, Phan Văn Santos (N.Sài Gòn) và Đinh Hoàng La (V.Ninh Bình) - không được tính suất ngoại binh.
Dù quãng thời gian "chiếm sóng" ngắn ngủi nhưng những thủ môn ngoại đã kịp để lại ấn tượng trong tâm trí mọi thành phần, và có thể nói đã khiến bóng đá Việt Nam hình thành một khát khao mãnh liệt có những thủ môn to lớn, đứng sừng sững trong khung thành.
Bằng chứng ở U19, U23 và tuyển Việt Nam ngay sau quãng 2010, những "hạt giống" bắt đầu được ươm mầm: Bùi Tấn Trường (1m90, 1986), Trần Khoa Điển (1m85, 1987), Nguyễn Văn Hưng (1m90, 1990), Trần Bửu Ngọc (1m92, 1991), Lâm Ấn Độ (1m87, 1991),...
Chiều cao được cải thiện đáng kể so với lứa đàn anh Dương Hồng Sơn (1m77, 1982), Nguyễn Thế Anh (1m81, 1981) hay Bùi Quang Huy (1m78, 1982),...
Tuy vậy kết quả sau cùng không được như ý muốn bởi tâm lý, bản lĩnh thi đấu thiếu ổn định vẫn là điểm yếu cố hữu, cộng thêm nhiều biến động thời cuộc, những thủ môn cuối 8x, đầu 9x đã không thể bứt phá, chỉ được nhớ bởi những sai lầm và thậm chí còn sớm biến mất khỏi sân chơi chuyên nghiệp.
Rất may ở năm 2010 đó, bóng đá Việt Nam bỗng xuất hiện sự trở về của Việt kiều Đặng Văn Lâm (1m88, 1993) trong màu áo U19 Việt Nam. "Chú gấu Nga" trải qua nhiều thử thách gian nan trước khi trở thành lời giải hoàn hảo nhất cho niềm khao khát của bóng đá Việt Nam ở vị trí thủ môn.
Lâm "Tây" là lựa chọn số 1 trong khung thành tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo. Đồ họa: Đỗ Linh
Thời điểm hiện tại, thủ môn Đặng Văn Lâm đang có khả năng không thể dự AFF Cup 2020 cùng tuyển Việt Nam. Dư luận đang rất quan tâm HLV Park Hang-seo sẽ có kế sách ra sao nếu không có "chú gấu Nga" sừng sững trong khung thành.
Thực tế thầy Park vẫn còn những phương án Tuấn Mạnh, Nguyên Mạnh, Văn Toản hay Bùi Tiến Dũng. Nhưng những lo lắng vẫn không ngớt, đến mức đã có những liên hệ trực tiếp với trường hợp của thủ môn Filip Nguyễn (1m91, 1992) - đang hoàn tất thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam.
Vì như đã phân tích, 10 năm nay bóng đá Việt Nam luôn khát khao có được một thủ môn thể hình to cao, kỹ thuật cơ bản vững và tâm lý ổn định. Trong số những thủ môn từng làm việc nhiều lần cùng HLV Park Hang-seo, chỉ có Tuấn Mạnh chưa... mắc lỗi nghiêm trọng nào trong màu áo đội tuyển. Nhưng đây lại là vị trí chưa được thử lửa nhiều ở các trận đấu quốc tế.
HLV Park Hang-seo từng một lần loại Lâm "Tây" ở ASIAD 2018 "vì chiến thuật" và cũng để tạo cơ hội rèn giũa cho Bùi Tiến Dũng. Kết quả khi đó mỹ mãn, Tiến Dũng không để lọt lưới bàn nào trong 5 trận. Tuy nhiên về sau này, ở SEA Games và VCK U23 châu Á 2020, nỗi ám ảnh về tâm lý bất ổn của thủ môn Việt Nam lại hiện hữu, xuất hiện ở cả nhân tố mới là Nguyễn Văn Toản.
Tất nhiên lời giải cuối cùng cho vị trí gác đền tuyển Việt Nam của thầy Park vẫn sẽ được tôn trọng hết mực vì ông là người hiểu rõ nhất đội hình dưới trướng cần những yếu tố gì. Dẫu vậy, với khát khao hình ảnh sừng sững trong khung thành và nỗi ám ảnh những sai lầm như từ trên trời rơi xuống, thì dù muốn hay không cái kết an tâm nhất vẫn rất cần một chữ "Tây".
Những pha cản phá vô cùng xuất sắc của Đặng Văn Lâm trước Nhật Bản, ASIAN Cup 2019.
Bạn nên quan tâm