Xét về thành tích, đặt ông Philippe Troussier cạnh HLV Park Hang-seo sẽ có sự khiên cưỡng. Vị chiến lược gia người Pháp từng giúp tuyển Nam Phi có lần đầu dự World Cup 1998, sau đó 4 năm ông lại giúp tuyển Nhật Bản lần đầu tiên vượt qua được vòng bảng ở World Cup 2002. Ông Philippe cũng là một trong những nhân vật đặt nền móng giúp bóng đá Nhật Bản phát triển hưng thịnh.
Nếu nhìn theo góc độ triết lý bóng đá lẫn mục tiêu đóng góp cho bóng đá Việt Nam, ông Philippe Troussier và Park Hang-seo có nhiều nét giống nhau đến kỳ lạ.
Nếu ông Park ghi dấu ấn đậm nét đầu tiên với bóng đá Việt Nam là ở đội trẻ U23 Việt Nam, giành Á quân U23 châu Á 2018, ông Philippe cũng có điều tương tự trong năm đầu đến Nhật Bản. Sau World Cup 1998, ông Philippe dẫn dắt U20 Nhật Bản dự U20 World Cup 1999, thắng lần lượt Mỹ, Anh, Bồ Đào Nha, Mexico, Uruguay và chỉ chịu thua Tây Ban Nha ở chung kết.
Bóng đá Việt Nam đang sở hữu hai HLV "đẳng cấp World Cup" ở U19, U23 và tuyển Việt Nam. Ảnh: HT, PVF
Đương kim HLV trưởng U19 Việt Nam kiêm Giám đốc kỹ thuật Học viện PVF, cũng có cách đối diện với thất bại tương tự như người đồng nghiệp ở U23, tuyển Việt Nam. Nhẹ nhàng đón nhận khi đã cố gắng hết sức và lấy đó làm bài học cho tương lai.
Sau trận chung kết "Thường Châu tuyết trắng", HLV Park Hang-seo có phát biểu nổi tiếng: "Chúng ta đã nỗ lực hết sức, cố gắng tột độ. Vậy tại sao phải cúi đầu? Chúng ta không phải cúi đầu. Chúng ta phải tự hào với những gì mình đã cống hiến và không hổ thẹn dù không thắng trận".
Còn Philippe Troussier về sau này thuật lại lời chia sẻ với các cầu thủ U20 Nhật Bản sau khi thua 0-4 U20 Tây Ban Nha: "Đây là một điều tốt. Vì nếu giành chiến thắng chúng ta sẽ không nhớ được kỹ bài học".
Ông Park có rất nhiều câu chuyện tình cảm khăng khít trong mối quan hệ với cầu thủ. Vị HLV người Hàn Quốc có sự mềm dẻo để làm bạn và đủ cứng rắn khi cần thể hiện cương vị của mình. Ông Park từng hé lộ: "Thỉnh thoảng một vài cầu thủ mắc lỗi nhỏ, Liên đoàn cũng cung cấp thông tin. Thông qua phiên dịch, tôi cảnh cáo, nhắc họ đừng làm tôi thất vọng".
Điều này được đúc kết rõ hơn thông qua một triết lý ứng xử của ông Philippe: "Một HLV không phải là người làm công việc giấy tờ, mà phải là một người "chạm" được đến từng cá nhân trong đội.
Đôi lúc HLV phải quyết đoán với cầu thủ, đề cao thử thách và trách nhiệm. Hãy chắc chắn cầu thủ sẽ trả lời ý kiến khi tôi bày tỏ thẳng thắn. Tôi thích bạn, chúng ta hãy làm điều đó cùng nhau. Hoặc, tôi không thích bạn, nếu bạn cứ như thế sẽ không thể đến World Cup đâu".
Cả hai HLV Park Hang-seo và Philippe Troussier có nhiều nét rất giống nhau trong các triết lý bóng đá. Ảnh: Sport5. Đồ họa: Đỗ Linh
Sự tự tin, không e dè bất cứ đối thủ nào là điều HLV Park Hang-seo luôn muốn phát triển các học trò của ông ở U23, tuyển Việt Nam. Ông từng tiết lộ bí quyết: "Trước mỗi trận đấu, tôi hy vọng có thể loại bỏ tất cả những yếu tố gây ảnh hưởng tới tâm lý thi đấu của cầu thủ. Món quà mà tôi muốn dành tặng cho các cầu thủ là sự tự tin".
Tương tự như ông Park, vị HLV trưởng U19 Việt Nam đề cao nhất "sự tự tin vào bản thân" trong những bài học truyền dạy.
Vị HLV có biệt danh "Phù thủy trắng" cho hay: "Tôi biết rõ cầu thủ Nhật Bản. Họ không có nhiều sự khác biệt về mặt kỹ thuật so với cầu thủ Việt Nam. Nhưng dường như các cầu thủ Việt Nam luôn cố gắng làm những điều phức tạp khi đấu với Iran, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Cầu thủ Việt Nam chưa bao giờ nhận ra nếu bạn không chiến thắng chính mình, không chiến thắng được suy nghĩ đụng độ với những ông lớn thì sẽ không có cơ hội nào hết khi vào trận đấu.
Tôi không đi quá sâu về ưu, nhược điểm của cầu thủ và nền bóng đá Việt Nam. Mọi thứ có phải do chúng ta không có công nghệ tốt? Hay do thể lực, thể chất chưa mạnh mẽ, đủ cao lớn?
Không, câu trả lời nằm ở cá tính, đặc tính của mỗi người. Ai cũng có điểm mạnh, điểm yếu, nhưng quan trọng cầu thủ phải tin vào cá tính, đặc tính của mình. Hãy loại bỏ hết những thứ phức tạp và tin tưởng vào bản thân nhiều hơn. Hãy tin vào chính mình, là điều tôi muốn phát triển cầu thủ Việt Nam".
Triết lý quản trị cầu thủ của HLV Philippe Troussier. Ảnh: HT. Đồ họa: Đỗ Linh
Mục tiêu cao nhất trong kế hoạch phát triển bóng đá Việt Nam, thật trùng hợp khi World Cup 2026 đều được 2 vị HLV lựa chọn. Tất nhiên cả hai cũng giống nhau trong tầm nhìn ngắn hạn để vươn tới sân chơi đẳng cấp nhất thế giới bóng đá.
Với HLV Park Hang-seo, U23 và tuyển Việt Nam cần duy trì những thành tích cao đã đạt được ở Đông Nam Á và một phần ở châu Á, nói đơn giản là "phải bảo vệ thành quả chứ không thể thoả mãn, không thể hài lòng với những gì đã đạt được" và World Cup được coi là "động lực để hướng đến".
Trong khi đó, HLV Philippe Troussier chia sẻ: "Bóng đá Việt Nam hiện tại không thể ở cùng đẳng cấp với Nhật Bản, Hàn Quốc. Chúng ta không thể xác định mục tiêu là phải ngay lập tức lên được ngang tầm với họ. Nhưng, chúng ta có thể thi đấu với đẳng cấp đúng như họ, để dần thu hẹp khoảng cách qua từng trận đấu với UAE, Qatar, Uzbekistan và Iran.
Trong bóng đá mọi thứ có thể xảy ra và cũng chẳng phụ thuộc vào đẳng cấp. Ở ASIAD 2018, Olympic Việt Nam đã thắng 1-0 Olympic Nhật Bản rồi đúng không?
Tôi thấy được bóng đá Việt Nam có năng lượng đích thực và tiềm năng thuần túy. Dự án này có thể mất 8 năm. Tôi có thể sẽ không làm việc tại đây trong suốt 8 năm đó. Vì vậy điều đầu tiên là cần giải thích cho những người làm bóng đá Việt Nam hiểu cách làm việc cùng nhau, làm việc theo nhóm để có được cấu trúc tốt. Chúng ta có sức mạnh, bổ sung tầm nhìn, cấu trúc hoạt động và cơ sở thì tôi nghĩ chúng ta có thể làm được".
Bạn nên quan tâm