NBA là một trong bốn giải đấu thể thao chuyên nghiệp hàng đầu tại Mỹ. Bên cạnh việc sở hữu những tài năng đẳng cấp nhất thế giới, chất lượng hình ảnh tuyệt vời ở các trận đấu đã mang NBA ra ngày một xa hơn với thế giới. cống hiến. Chính vì thế, các cameraman NBA chính là cầu nối giữa những diễn biến trên sân và khán giả truyền hình.
Không chỉ có những pha bóng sống động, các kỹ thuật viên máy quay còn truyền tải rất nhiều cảm xúc trên sân đến với người hâm mộ. Diễn biến tâm lý của các HLV, một cú úp rổ mãn nhãn hay khoảnh khắc vỡ òa của cú buzzer-beater đều được bắt trọn qua ống kính của những người được xem là 'bất tử'.
Một pha bóng đỉnh cao của Chris Paul được cameraman bắt trọn từng khoảnh khắc, cứ như anh đã biết Paul sẽ làm gì tiếp theo
Để mang lại những thước phim triệu đô, hàng chục cameraman phải túc trực ở mỗi trận đấu dưới sự chỉ đạo của các đạo diễn hình ảnh. Nhóm quay phim sẽ phải có mặt tại nhà thi đấu từ sáng, nhiều giờ trước khi trận đấu bắt đầu. Họ sẽ lắp đặt các thiết bị ở đúng vị trí được sắp xếp và bắt đầu lắp ráp máy quay, ống kính và tripod. Công đoạn này thường sẽ mất từ 2 đến 3 giờ đồng hồ.
Sau phần lắp đặt, các cameraman sẽ điều chỉnh thiết bị theo yêu cầu của đạo diễn hình ảnh. Xuyên suốt trận đấu, đạo diễn sẽ liên tục chỉ đạo các máy quay để có được những thước phim tốt nhất. Một số kỹ thuật viên máy quay có thể đến từ các giải đấu lớn khác như MLB (bóng chày) hay NFL (bóng bầu dục), vì thế họ cần sự chỉ dẫn của đạo diễn để bắt kịp tốc độ liên tục trên sân.
Mỗi trận đấu NBA sẽ kéo dài hơn 2 giờ và các cameraman luôn phải tập trung cao độ. Cho dù có là fan hâm mộ cuồng nhiệt của các ngôi sao NBA, kỹ thuật viên máy quay phải đặt công việc lên hàng đầu vì họ không thể bỏ lỡ những khoảnh khắc. Cho dù đó có là một cú buzzer-beater như của Kawhi Leonard, cameraman không được thể hiện tâm trạng vì góc nhìn sau ống kính của họ chính là trải nghiệm của hàng triệu khán giả trên thế giới.
Các cameraman chính là những người cuối cùng được tận hưởng khoảnh khắc trên sân, dù họ ở rất gần với các cầu thủ
Với yêu cầu công việc ở môi trường chuyên nghiệp, các kỹ thuật viên máy quay tại NBA có thu nhập trung bình là 65.000 đô một năm. Con số này cao hơn 20% so với thu nhập trung bình của một người Mỹ. Bên cạnh đó, những cameraman có kinh nghiệm lâu dài hoặc phụ trách những góc máy khó sẽ nhận được mức lương cao hơn (khoảng 80.000 đô một năm).
Quay phim tại NBA là một công việc chỉ dành cho những cameraman chuyên nghiệp. Những thợ quay nghiệp dư hầu như không thể theo kịp được nghiệp vụ cũng như tốc độ của những pha bóng trên sân. Các kỹ thuật viên tác nghiệp ở khu vực dưới rổ hay ngay hàng ghế courtside phải liên tục lấy nét hay zoom vào từng đường bóng để mang đến trải nghiệm mượt mà cho khán giả truyền hình, một công việc rất khó so với người mới bắt đầu.
Không chỉ tập trung chuyên môn, các cameraman phải đối mặt trước nguy cơ va chạm với các ngôi sao NBA. Những pha cứu bóng lăn xả sẽ đưa các cầu thủ đến bất kì vị trí nào bên ngoài sân,và thợ quay nhiều khả năng sẽ bị 'đè bẹp' bởi những cầu thủ nặng trên dưới 100 kg đang lao thẳng về phía họ.
Một số chấn thương có thể xảy ra đối với cameraman NBA, và điều tệ hơn là chiếc máy quay đắt đỏ của họ có thể bị phá hủy hoàn toàn. Thậm chí những va chạm trên sân với có thể diễn biến phức tạp khi một số cầu thủ có cái đầu nóng 'hỏng ăn' trong pha cứu bóng. Dennis Rodman, huyền thoại của Chicago Bulls từng đá vào háng của một cameraman và phải nhận án phạt lên đến gần 1 triệu đô.
Dẫu công việc phức tạp và có phần nguy hiểm, các kỹ thuật viên máy quay NBA vẫn luôn tập trung cao độ vì hình ảnh của giải đấu. Có thể nói, sự phát triển vượt bậc của NBA không thể không kể công các cameraman, những người chỉ có thể xem lại pha bóng từ các video trên mạng dù họ chính là người tạo nên những video đó.
Dennis Rodman đá vào háng một cameraman
Bạn nên quan tâm