Là giải đấu bóng rổ hấp dẫn nhất trên thế giới, việc NBA tạo ra mức lợi nhuận khổng lồ dành cho các nhà đầu tư là một sự thật hiển nhiên trong nhiều năm vừa qua. Sự cạnh tranh hấp dẫn, mức độ phủ sóng toàn cầu đã khiến NBA trở thành mỏ vàng đối với bất kỳ giới chủ đang sở hữu 30 đội bóng ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, cũng giống như bao giải thể thao chuyên nghiệp khác trên thế giới, sự phân hóa "giàu - nghèo" giữa các đội bóng là điều tất yếu. Trong một báo cáo được thực hiện bởi cơ quan truyền thông Celtics Wire, giá trị thương hiệu của các đội bóng tại NBA có giá trị trung bình là 2,4 tỷ USD, một sự gia tăng đáng kể so với con số 2 tỷ vào năm ngoái.
Thế nhưng, sự chênh lệch giữa các đội bóng top đầu so với những CLB"đội sổ" là rất lớn. Cụ thể, New York Knicks (5,42 tỷ USD), Golden State Warriors (5,21 tỷ USD) và Los Angeles Lakers (5,14 tỷ USD) và 3 đội bóng có giá trị thương hiệu hàng đầu tại NBA.
Trong khi đó, nhóm 3 đội cuối bảng bao gồm New Orleans Pelicans, Memphis Grizzlies và Minnesota Timberwolves chỉ có giá trị thương hiệu dao động trong khoảng 1,3 tỷ USD cho đến 1,4 tỷ USD.
Golden State Warriors và Los Angeles Lakers có giá trị thương hiệu khổng lồ
Sự chênh lệch lên đến con số 4 tỷ USD, cũng như giá trị thương hiệu của 3 đội này gần như không đổi so với năm ngoái chính là bằng chứng rõ ràng nhất cho sự phân hóa "giàu-nghèo" tại đấu trường NBA.
Trong BXH được Celtics Wire đăng tải, không khó để nhận ra những đội bóng có giá trị lớn nhất thường nằm ở các thành phố sầm uất nhất nước Mỹ như New York, Los Angeles hay San Francisco. Nếu không nằm ở những vị trí đắc địa, các CLB cũng phải sở hữu một truyền thống lịch sử lâu đời như Boston Celtics hay Chicago Bulls.
Những đội bóng không có cả hai yếu tố kể trên thường rất khó để bứt phá ở giá trị thương hiệu. Brooklyn Nets và Los Angeles Clippers dù đã được các tỷ phú Joseph Tsai hay Steve Ballmer đầu tư mạnh mẽ, nhưng họ vẫn chỉ quanh quẩn trong Top 10 của BXH với giá trị chưa đến 3 tỷ USD.
Thậm chí, Milwaukee Bucks dù đã mang về chức vô địch năm NBA năm 2021, nhưng đội bóng tọa lạc ở thành phố nông nghiệp và sản xuất bia này cũng chỉ dừng lại ở mức giá trị 1,63 tỷ USD trong năm nay.
Bất chấp những động thái làm thu hẹp khoảng cách giá trị giữa các đội bóng, cũng như đưa ra các điều kiện cho những đội bóng ở các thị trường nhỏ giữ chân những tân binh đắt giá, NBA vẫn rất khó để đưa tất cả trở về thế cân bằng. Tâm lý của các cầu thủ luôn sẽ muốn đến những đô thị sầm uất với nhiều sự lựa chọn vui chơi, giải trí, hơn là tìm đến các đội bóng ở vùng sâu trong nội địa nước Mỹ.
Bên cạnh đó, việc nằm ở các thành phố lớn sẽ giúp cho các đội bóng tại đây có được những lợi ích khổng lồ về mặt tài chính như tiền vé, áo thi đấu và các vật phẩm liên quan. Nguồn thu to lớn này đã giúp họ dễ dàng trả được những khoản thuế xa xỉ của NBA do vượt quỹ lương trong vài năm, hòng xây dựng một đội bóng hùng mạnh để thống trị giải đấu.
Mặc cho những con số doanh thu khổng lồ, sức hấp dẫn của giới truyền thông và cả những động thái làm cân bằng giải đấu, NBA cũng không thể giúp các CLB nhỏ tránh được quy luật tất yếu của thị trường. Cán cân "giàu-nghèo" tại NBA vẫn sẽ luôn tồn tại và sẽ rất lâu để NHM có thể chứng kiến một đế chế xuất hiện ở những thành phố nhỏ như San Antonio Spurs ngày nào.
Bạn nên quan tâm