Nguyên tắc "Cameroon đấu Brazil" và hiệu ứng ủng hộ kẻ yếu thế
Loạt phim Money Heist (tên tiếng Việt: Phi vụ triệu đô) giả lập vụ cướp Xưởng in tiền Tây Ban Nha để in 2,4 tỉ euro. Băng cướp này gồm người cầm đầu Giáo sư (The Professor), và 8 tội phạm với những khả năng riêng cùng quyết tâm táo tợn khi không còn gì để mất.
Tuy nhiên, băng cướp này lại có một quy tắc vững chắc đó là không giết người, không cướp của người khác mà tự mình in tiền và mang đi. Bên cạnh đó, Giáo sư còn vạch ra những kế hoạch vô cùng chi tiết và tỉ mỉ để thu hút sự đồng cảm từ công chúng, dư luận, thuyết phục tất cả rằng họ không phải là những kẻ cướp chỉ vì tiền mà hơn cả là để phản đối cách chính quyền "thanh khoản và rửa tiền".
Khi giải thích cho các thành viên trong băng cướp về cách làm việc, nhân vật Giáo sư đã dùng câu chuyện khi đội tuyển Cameroon đối đầu Brazil tại World Cup 1994. Khi ấy, ngoài những người xứ sở Samba, ai cũng mong những chàng trai chân đất đến từ Cameroon làm được điều gì đó bởi đơn giản "ủng hộ kẻ yếu là bản năng của con người". Và kết quả là họ đã thành công trong phi vụ đầu tiên của mình và nhận được sự đồng cảm từ người dân.
Những "kẻ yếu" đến từ Việt Nam khiến cả châu Á phát cuồng
VCK U23 châu Á 2018 sẽ là giải đấu mà người hâm mộ Việt Nam không bao giờ quên. Đã từ rất lâu rồi, chúng ta chỉ được nhớ đến với những thất bại, từ đấu trường khu vực đến châu lục. Thế rồi, HLV Park Hang-seo đến và thay đổi tất cả. Ngay trong giải đấu chính thức đầu tiên, ông Park và các cầu thủ đã tạo nên kỳ tích khi tiến thẳng vào vào trận chung kết, điều mà chẳng ai nghĩ đến khi giải đấu bắt đầu.
Đã lâu lắm rồi người dân Việt Nam mới lại có những đêm vui không ngủ. Tất cả cùng nhau ra đường ăn mừng cùng cờ, hoa, kèn, trống hay bất kỳ điều gì có thể tạo ra âm thanh. Hình ảnh những con đường trung tâm các thành phố lớn được phủ đỏ bởi sắc đỏ, bất chấp U23 Việt Nam thất bại trong trận chung kết đã khiến truyền thông quốc tế sửng sốt.
Không những vậy, hầu hết các trang báo lớn của châu Á đều bày tỏ sự cảm phục trước tinh thần chiến đấu của U23 Việt Nam. Người yêu bóng đá đến từ Thái Lan, Indonesia hay Malaysia cũng chia sẻ niềm tự hào và tin rằng "thành công của Việt Nam là động lực để bóng đá khu vực Đông Nam Á phát triển".
Sau kỳ tích ở Trung Quốc, chuỗi thành công của bóng đá Việt Nam kéo dài đến hết năm 2019. Lần đầu tiên lọt vào top 4 tại ASIAD 18, tứ kết Asian Cup và lần thứ hai vô địch AFF Cup. Mỗi bước đi của các đội tuyển Việt Nam đều nhận được những sự ủng hộ rất lớn của NHM trên khắp châu lục.
Trước khi bước vào các giải đấu lớn, Việt Nam thường không được đánh giá cao, có lẽ là trừ AFF Cup bởi những thành công trước đó đã biến HLV Park và các học trò thành ứng cử viên vô địch hàng đầu. Những "kẻ yếu thế" đến từ vùng trũng của bóng đá thế giới, mỗi năm chỉ đặt mục tiêu có được danh hiệu ở đấu trường khu vực bỗng nhiên vụt sáng, vì thế họ lại càng được yêu mến hơn.
Việt Nam đối đầu Nhật Bản cũng chẳng khác nào Cameroon gặp Brazil cả. Không nhiều người nghĩ chúng ta sẽ thắng nhưng ai cũng ủng hộ, mong rằng các chiến binh áo đỏ sẽ làm được một điều gì đó. Dù với thứ bóng đá xù xì, phòng ngự chặt đến mức tiêu cực, Việt Nam vẫn sẽ được ủng hộ.
Những thách thức khi không còn là "kẻ yếu"
Đối với loạt phim thành công như Money Heist, khán giả khi nào cũng mong chờ phần 2 hay hơn phần 1, phần 3 hay hơn phần 2. Trong bóng đá, kỳ vọng cũng như vậy. Sau 2 năm thành công, HLV Park đã khởi đầu năm thứ 3 với một thất bại cùng U23 Việt Nam. Tại VCK U23 châu Á 2020, chúng ta bị loại ngay từ vòng bảng. Bước vào giải với tâm thế là nhà đương kim Á quân chứ không còn "kẻ yếu", các đối thủ nghiên cứu Việt Nam kỹ hơn, truyền thông nước ngoài cũng khắt khe với mỗi màn trình diễn. Khi chúng ta thất bại, họ lại có đủ thứ để mổ xẻ.
Sau giải đấu không thành công như mong đợi, HLV Park Hang-seo và các cộng sự chắc chắn sẽ phải làm việc nhiều hơn nữa để tìm ra lối đi mới cho tuyển Việt Nam. Dù mọi giải đấu trong nước phải tạm hoãn vì dịch bệnh, thế nhưng ông Park không cho phép mình dừng lại. Vị chiến lược gia người Hàn Quốc vẫn miệt mài làm việc hằng ngày để tìm ra ý tưởng, chiến thuật và cả những nhân tố mới.
Hai mục tiêu lớn nhất của bóng đá Việt Nam là vượt qua vòng loại thứ 3 World Cup 2022 và bảo vệ ngôi vương AFF Cup. Khi đã trở thành những "kẻ mạnh", liệu đội tuyển Việt Nam sẽ tiến hóa như thế nào để có được thành công? Hy vọng rằng, phần 2 của "bộ phim" do ông Park đạo diễn cũng sẽ kịch tính, hấp dẫn và thành công.
Bạn nên quan tâm