"Ghế huấn luyện viên có 4 chân, cầu thủ nắm 3 chân"
Câu chuyện sẽ không có gì đáng nói hơn sau những chia sẻ của ông Nguyễn Văn Đệ, chủ tịch CLB. Ông khẳng định 100% cầu thủ Thanh Hoá đồng ý sa thải HLV người Italia sau cuộc họp đội vào chiều 7/6.
HLV Fabio Lopez không có mặt ở cuộc họp đội ấy. Có thông tin cho rằng ông đã biết trước số phận của mình nhưng thông tin khác cho rằng, sự mâu thuẫn giữa ông với phần còn lại của đội bóng đã đến mức không thể hàn gắn. Bầu Đệ gọi hành động của ông Lopez là "vô kỷ luật".
HLV Fabio Lopez từng làm việc đội trẻ AS Roma, CLB nổi tiếng ở Italia, nhưng cũng sớm bị "đá bay" ở môi trường bóng đá Việt. Ảnh: Hiếu Lương.
Trở lại với con số "100%", những gì người đứng đầu CLB Thanh Hoá chia sẻ cho thấy đây là một cuộc khảo sát, tất cả các thành viên đều có ý kiến. Cảm giác về một sự dân chủ được hình thành nhưng thực tế nó lại là cách, giới thượng tầng CLB gán một phần trách nhiệm sa thải HLV trưởng cho cầu thủ.
HLV Đặng Trần Chỉnh, người từng dẫn dắt Cảng Sài Gòn (nay là CLB TPHCM) và CLB Bình Dương, từng đưa ra một phát biểu chứa đầy liên tưởng: "Ghế huấn luyện viên có 4 chân, cầu thủ nắm 3 chân".
Sa thải HLV trưởng không phải quyền và trách nhiệm của cầu thủ. Chuyện cầu thủ không hài lòng với HLV trưởng chỉ là một phần để giới thượng tầng đội bóng tham khảo trước khi đưa ra quyết định lớn. Khi ký hợp đồng với HLV trưởng, lãnh đạo CLB quyết định nhưng khi sa thải, cầu thủ lại trở thành một phần phán xử, đó không phải bóng đá chuyên nghiệp. Và nếu chuyện đó có là thật, cũng không nên phô bày như trên.
Thành tích của CLB Thanh Hoá sau 4 trận đầu mùa đều là thất bại. Ảnh: Hiếu Lương.
HLV ngoại thường gặp nhiều khó khăn khi hoà nhập với môi trường bóng đá Việt Nam. Thành công trong quá khứ mang tên Henrique Calisto (Long An) hay mới đây là Chung Hae-seong (CLB TPHCM) chỉ là thiểu số. Phần lớn còn lại đến rồi đi chỉ sau một mùa giải, có người là nửa mùa. Lý do thường được viện dẫn là "bất đồng ngôn ngữ, không hiểu văn hoá Việt Nam" như cái cách bầu Đệ nói về HLV Fabio Lopez. Trong khi đó, tiếng nói của HLV trưởng thường không được lắng nghe.
CLB Thanh Hoá được xem là "lò xay" HLV trưởng. Kể từ năm 2015, Thanh Hoá thay đổi HLV liên tục với 9 cái tên từng ngồi ghế nóng. Trước ông Lopez, HLV Mihail Cucchiaroni (Romania) cũng bị sa thải chỉ sau vài trận đầu mùa hồi năm 2018 cũng vì lý do bất đồng với cầu thủ.
Không chỉ có CLB Thanh Hoá, một CLB ở phía Nam cũng sử dụng cách lấy phiếu tín nhiệm HLV trưởng từ cầu thủ. Vì thế, đây không phải chuyện cá biệt mà trở thành cách vận hành có quy củ của một phần bóng đá Việt Nam.
Với cá nhân bầu Đệ, ông từng trở thành chủ đề gây tranh cãi sau bức ảnh đứng trước sa bàn để sắp xếp chiến thuật. Chuyện ông tham gia quá sâu vào cách làm của HLV trưởng ở bóng đá Thanh Hoá không còn là chuyện xa lạ. Không ai phủ nhận sự tận tuỵ của ông bầu này, nhưng điều ấy không còn phù hợp khi các HLV nội đang dần trở nên cá tính hơn để rồi ông mất đi người tài như HLV Nguyễn Đức Thắng.
Mới đây, một chuyện lạ khác là việc ông Vũ Tiến Thành, chủ tịch Sài Gòn FC, kiêm nhiệm luôn vai trò HLV trưởng sau khi sa thải ông Hoàng Văn Phúc.
Chủ tịch kiêm HLV trưởng Vũ Tiến Thành chỉ đạo các cầu thủ Sài Gòn FC tập luyện. Ảnh: Thủ Khúc.
Ông Thành là người có bằng cấp cao trong bóng đá không kém các HLV nhưng cách vị chủ tịch này đang làm thì chỉ có ở bóng đá Việt Nam. Chuyên môn của ông không thể phủ nhận nhưng cần xác định rõ vai trò của ông ở Sài Gòn FC là quản lý hay huấn luyện. Một ví dụ tiêu biểu là CLB TPHCM. HLV Nguyễn Hữu Thắng làm chủ tịch, từng dẫn dắt SLNA vô địch V.League, dẫn dắt cả ĐTQG và U23 Việt Nam nhưng chưa khi nào có thông tin ông can thiệp vào chuyên môn của HLV đương nhiệm.
Những câu chuyện ấy vẫn đang tiếp diễn ở nền bóng đá Việt Nam sau 20 năm lên chuyên. Cách làm bóng đá không sâu rễ bền gốc, quản lý lỏng lẻo và không đi theo một mô hình cụ thể nào khiến những chuyện lạ vẫn cứ thể diễn ra.