Có lẽ tôi giống với đa số người đọc bài viết này. Mang trong mình một tình yêu lớn lao với trái bóng cam và ngày ngày quan sát sự trưởng thành của nó tại đất nước hình chữ S này. Dẫu nhanh hay chậm, sự phát triển của bóng rổ là không phải bàn cãi. Đặc biệt kể từ khi VBA (giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam) chính thức ra đời năm 2016. Nơi đây đã trở thành mục tiêu cho những bạn trẻ có đam mê giống tôi và bạn phấn đấu mỗi ngày cũng như coi nó như đích đến hứa hẹn.
Trong nửa thập kỷ đó, tôi được chứng kiến sự lớn mạnh một cách rõ rệt trong phong trào và sự ra đời của vô số những lò đào tạo cầu thủ trẻ ở mọi nơi. Bất kể là nơi rẻo cao Tây Bắc, chốn đô thành phù hoa hay những vùng quê lúa. Bóng rổ ngày qua ngày, đang dần thấm tới mọi ngóc ngách của tổ quốc chứ không chỉ còn là môn thể thao cho lũ trẻ thành phố.
Phát triển là vậy tuy nhiên để đi từ cậu bé cầm trái bóng cam tới bước vào phòng thay đồ của một đội bóng VBA là điều không hề dễ dàng. Đi trên con đường nào là vững bền nhất nhằm tiến lên chuyên nghiệp? Bài viết được ra đời với mong muốn nhỏ bé góp phần đưa ra cái nhìn khách quan về những ngã rẽ hiện đang tồn tại ở Việt Nam. Hi vọng sẽ có ích cho những tâm hồn trẻ yêu bóng rổ lẫn những nhà hoạch định, quản lý thể thao trên kế hoạch dài hạn của mình.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Thủ đô. Bóng đá với tôi vẫn là thứ gì đó độc nhất cho đến lần đầu tiên được thấy các anh lớn chơi bóng rổ trong sân trường tiểu học của mình. Cảm giác gì đó rất lạ chợt vụt qua tâm trí non nớt ngày ấy về sự "ngầu" và "chất". Tất nhiên ý niệm ấu trĩ ngày ấy bây giờ nghĩ lại cũng đáng để cười một trận, thế nhưng khi nghĩ sâu nó cũng mang trong mình ý nghĩa rất riêng của nó.
Những người anh lạ mắt tôi thấy khi ấy mang trên mình những bộ quần áo rộng thùng thình đầy chất hip hop vốn đang rất thịnh hành khoảng thời gian đó. Hơn 20 năm sau khi nhìn về thời trang bóng rổ, ta chẳng thể nào thấy được chúng nữa mà thay vào đó là những bộ đồ ôm sát người, mang tính thực dụng hơn giống như phong cách hiện đại. Đúng vậy! Bóng rổ luôn gắn liền với nền văn hoá đương đại theo cách rất riêng.
Nếu phải chọn ra một môn thể thao gắn liền với mọi khía cạnh của cuộc sống mà đặc biệt là học đường, có lẽ bóng rổ nên được đứng trên ngôi vô địch. Nó chẳng cần diện tích khoảng sân rộng, số lượng người chơi nhiều như bóng đá hay nhiều bộ môn khác mà đôi khi chỉ là trận đấu 1-1 nảy lửa giữa hai đứa bạn thân cũng đủ khiến cả khoảng sân trường phải dán mắt vào.
Bất cứ thứ gì muốn thực sự sống khoẻ đều phải gắn chặt với cộng đồng xung quanh nó. Đó là điều bóng đá vốn đã thành công tại đất nước này. Tôi đã có biết bao nhiêu lần ngưỡng mộ xen lẫn chút ghen tỵ khi chứng kiến các cầu thủ khoác màu áo đỏ ra thi đấu trên trường quốc tế. Từng pha chạm bóng cho đến nhịp thở của họ đều được hàng triệu người Việt Nam thổn thức dõi theo.
Đứa trẻ ấy dần lớn lên và có cơ hội được tham gia giải học sinh Hà Nội rồi đại diện cho trường chơi tại giải đại học thành phố. Lẽ dĩ nhiên cũng như đi sâu vào tìm hiểu bóng rổ không chuyên. Sự ngưỡng mộ chuyển từ các người anh vô danh sang những cái tên trong giới câu lạc bộ không chuyên. Đó là những trụ cột xây nền rồi chống đỡ cả bộ môn một thời non trẻ, để rồi lớn mạnh như hiện nay.
Trên một khía cạnh nào đó, Hà Nội thực sự thành công khi xây dựng được một nền văn hoá bóng rổ được đa số các bạn trẻ thích thú. Chỉ cần nhìn vào sức lan toả và độ nóng của những giải đấu không chuyên như HBL (Hanoi Basketball League), giải học sinh cùng nhiều giải đấu trải đều quanh năm, ai yêu bóng rổ mà không mừng cho được. Trong những ngày tháng còn ngồi trên ghế nhà trường, bóng rổ "phủi" là tất cả những gì tôi biết và quan tâm.
Ra trường, tôi có cơ hội làm việc tại ASA (Học viện Giáo dục Thể thao Hoa Kỳ). Tiếp xúc với cách đào tạo trẻ chuyên nghiệp là trải nghiệm thực sự đặc biệt chưa hề có trước đây. Dẫu vẫn tổ chức những giải đấu xây dựng cộng đồng, tuy nhiên ở ASA tôi có lần đầu tiếp cận với một thế hệ mới, những chàng trai tuy nhỏ tuổi thế nhưng nắm vững kĩ năng cơ bản vốn là thứ quan trọng cho tương lai. Họ khác xa với thế hệ đi trước vốn chỉ lấy kinh nghiệm thực chiến làm hành trang.
Giờ đây các bạn trẻ được trang bị những kiến thức bóng rổ cơ bản thật chắc làm nền móng, kế đến là việc được thường xuyên thi đấu cùng các cầu thủ cùng lứa tuổi tại nhiều nơi trong nước lẫn thế giới. Đây cũng chính là lúc hành trình đi tìm lời giải cho câu hỏi tương lai nào vững chắc hơn cho các mầm non bóng rổ của tôi bắt đầu nhen nhóm. Chọn bóng rổ phong trào làm mạnh cộng đồng hay đào tạo trẻ tại các trung tâm?
Sài Gòn, hòn ngọc Viễn Đông trong tôi trước năm 2019 luôn là cái rốn của bóng rổ Việt Nam. Cũng không có lý do nào cụ thể cho nhận định này ngoài việc liên tục chứng kiến đội tuyển thành phố thường xuyên ở vai trò ƯCV số một cho tấm HCV tại Giải bóng rổ vô địch quốc gia hàng năm. Không những thế, các cái tên trẻ tuổi nơi đây đang sở hữu như Hoàng Tú hay Antony Sundberg đều đã góp mặt tại VBA và phần nào chứng minh được bản thân.
Với những gì đã biết, mọi chuyến công tác vào thành phố mang tên Bác với tôi đều là cơ hội để tìm hiểu về "đất thánh bóng rổ". Tuy nhiên thông qua những lời kể của đồng nghiệp lẫn bạn bè, kỳ vọng của bản thân dần đổ vỡ. Theo họ, phong trào và cộng đồng nơi đây không hoạt động tích cực như ngoài Bắc. Thay vào đó lại tập trung nguồn lực rất lớn vào đội tuyển thành phố nhằm đem thành tích cao về cho đoàn.
Bản thân tôi lúc ấy vẫn chưa muốn tin hoàn toàn và VBA Bubble 2021 là cơ hội không thể tốt hơn nhằm kiểm chứng điều này. Nơi đây sẽ giúp bản thân tiến gần đến những người làm bóng rổ và đặc biệt là các cầu thủ vốn là nhân vật chính tại bộ môn này. Những cuộc nói chuyện ấy thực sự đã giúp tôi hiểu sâu thêm rất nhiều về cách làm bóng rổ thành tích cao nơi đây.
Nhân vật đáng chú ý đầu tiên tôi được trò chuyện cùng là anh Nguyễn Huỳnh Hải, thành viên lâu năm của đội tuyển thành phố Hồ Chí Minh lẫn đội bóng Ho Chi Minh City Wings. "Theo ý kiến riêng của tôi, lực lượng trẻ hiện giờ ngoài Bắc đang có phần trội và có một số cầu thủ tốt bên trong đây. Tại miền Nam trong những năm gần đây, lứa trẻ đang thiếu đi những người nổi bật về thể hình, kĩ năng. Điều này thua thiệt ngoài Bắc. Quan trọng hơn ở ngoài đó cầu thủ được cái rất là tự tin thi đấu. Còn trong Nam tôi cảm thấy các bạn thiếu sự tự tin lắm".
Lại tiếp tục một câu hỏi khác trỗi dậy trong đầu tôi. Sự tự tin từ đâu đến và tại sao các cầu thủ trẻ nơi đây dần thiếu đi sự tự tin? Suy nghĩ của tôi quay lại hai giải VĐQG gần nhất nơi đội tuyển TP. HCM luôn tiến được đến trận chung kết. Màu áo đỏ ấy quả thật chỉ góp mặt những cái tên gạo cội như Dư Minh An, Nguyễn Huỳnh Hải, Ngô Tuấn Trung hay Lê Hiếu Thành. Trong khi đó đội Hà Nội tuy vẫn có nhưng cầu thủ lớn tuổi, thế nhưng dàn nhân sự trẻ tuổi trên đội 1 tỏ ra trội hơn hẳn so với đoàn TP. HCM.
Phải chăng mục đích đạt thành tích cao đã phần nào lấn át đi cơ hội cho lứa kế cận được đại diện cho bóng rổ Sài Thành tại sân chơi lớn là VĐQG? Thiếu đi cơ hội thử lửa tầm cao khiến các bạn đánh mất sự tự tin của mình trên những sân đấu lớn hoàn toàn có thể là hệ quả. Tôi không đưa ra bất cứ nhận định nào bởi tất cả chỉ là suy nghĩ cá nhân. Thế nhưng nếu điều đó là sự thật, đâu là con đường cho những chàng trai đam mê bóng cam nơi đây? Giờ đây tôi cần tìm đến một trong những người nổi tiếng nhất ở công tác đào tạo trẻ tại Sài Gòn hiện cũng có mặt tại VBA 2021.
Nếu theo dõi sự phát triển của bóng rổ trẻ trong những năm gần đây, có lẽ các bạn đã không còn quá xa lạ với dự án Next Level Basketball do cựu cầu thủ Stefan Nguyễn Tuấn Tú lập nên. Đây chính là cái nôi đã đào tạo ra những cái tên đầy triển vọng cho bóng rổ đất Sài Thành như Tony Hoàng Tú, Antony Sundberg hay Kim Jisoo là các đại diện tiêu biểu.
Nhìn sự chững chạc và tự tin đến từ Hoàng Tú hay Sundberg, tôi không khỏi thắc mắc về khoảng cách giữa họ với phần còn lại của lứa trẻ thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Tại sao những cái tên khác lại tỏ ra thiếu tự tin như lời anh Huỳnh Hải chia sẻ trong khi Hoàng Tú, Sundberg hay Jisoo đều thể hiện tốt tại VBA 2021? Hoá ra ba cái tên vừa kể tiếc thay chỉ thuộc số lẻ trong vô vàn người chơi bóng rổ ở Tp HCM. Lại một lần nữa là câu chuyện tập trung nguồn lực vào một nhóm nhỏ.
Next Level Basketball vốn là dự án phát triển bóng rổ mang tính chất cá nhân của Stefan Nguyễn với quy mô chỉ vài chục bạn trẻ. Bản thân cựu cầu thủ của Danang Dragons cũng chia sẻ thẳng thắn về cả cái được lẫn mất khi triển khai mô hình của mình thời điểm hiện nay.
"Phong trào bóng rổ của Thành phố Hồ Chí Minh thực sự không tốt bằng Hà Nội. Hà Nội họ có phong trào tốt hơn rất nhiều. Ở ngoài đó mọi công tác tổ chức giải hay các hoạt động đều được tự do phát triển chứ không bị phụ thuộc vào Liên đoàn bóng rổ thành phố. Tôi vẫn nhớ hồi còn sinh sống ngoài đó, lúc nào cũng được Phú Hoàng với Thành Đạt (hai cầu thủ thuộc biên chế Nha Trang Dolphins) rủ ra sân đại học Y ngoài trời để chơi bóng rổ. Chỉ để chơi bóng cho vui thôi nhưng mà đông người ra lắm, kín cả sân".
"Theo góc nhìn của tôi, con đường làm phong trào như ở Hà Nội sẽ tốt hơn cho tương lai về lâu về dài. Điều những người như anh Bình (Phan Thanh Bình-ASA) đang thực hiện thực sự là thứ còn thiếu ở Sài Gòn. Nói thật chứ nơi đây người ta nhìn ra ngoái đó mà phát ghen. Ở Sài Gòn hiện giờ đang thiếu những thứ như vậy. Các giải đấu cấp không chuyên Hà Nội quả thật tạo nên tính chất gắn kết rất lớn cho những người chơi bóng rổ ngoài ấy".
Tuy nhiên để đi đến thi đấu tại VBA từ chơi bóng rổ "phủi" là con đường không hề dễ, thậm chí còn trắc trở hơn so với bộ phận tài năng trẻ lớn lên xung quanh hơi thở chuyên nghiệp: "Tôi nghĩ cái bước tiến từ không chuyên lên VBA nó xa hơn một xíu. Những bạn như Sundberg hay Tony luôn tập với tôi hay là cả HLV Matt Van Pelt. Các bạn ấy quanh năm được ở trong môi trường chuyên nghiệp. Đó là lợi thế lớn".
"Bây giờ mình thử nhìn các bạn tài năng như Quang Anh (Nguyễn Đường Quang Anh-Hanoi Buffaloes) hay Văn Thắng (Nguyễn Văn Thắng-Hanoi Buffaloes). Nếu ở ngoài mùa giải, sẽ rất khó cho họ tiếp tục chơi bóng ở đẳng cấp chuyên nghiệp. Sự tự tin không dễ giữ vững trong khi nó đặc biệt cần thiết với các bạn trẻ. Như trong này đội Saigon Heat được tập cả năm. Sundberg ngày nào cũng ném ba điểm trước mặt tôi hay Tim Waale hoặc Võ Kim Bản thì tự khác niềm tin vào bản thân sẽ lớn hơn. Vì đơn giản bạn ấy biết mình sẵn sàng làm được điều đó tại VBA".
Ở thời điểm hiện nay, có lẽ vẫn chưa có một giải pháp thực sự cụ thể cho vấn đề này ở Thủ đô. Quả thật cơ hội tiếp cận với bóng rổ đẳng cấp chuyên nghiệp ở Hà Nội còn tương đối hiếm. Trong cuộc trò chuyện cùng Stefan, bản thân được nghe một chia sẻ khá thú vị về một hướng đi trong ngắn hạn cho Hà Nội.
"Đó là những sân chơi chuyên nghiệp. Tôi cũng từng nhiều lần nói với Tâm Đinh, nói với Sang Đinh về chuyện này. Rằng các bạn đó có thể tổ chức ra các Pro-run (sân chơi chung được tổ chức chuyên nghiệp) do chính mình xây dựng nên ngoài đó. Hàng tuần sẽ mời nhiều bạn trẻ tiềm năng lên thi đấu cọ xát, giúp các bạn ấy xây dựng sự tự tin dần dần thông qua những trải nghiệm cùng cầu thủ chuyên nghiệp. Bởi vì chúng tôi có khả năng nên làm những việc đó, ngoài ra điều này cũng đâu có khó đâu đúng không?".
Đến đây những khúc mắc của tôi đã gần đi đến lời giải. Rõ ràng cả bóng rổ phong trào lẫn cách thức tuyển chọn cầu thủ vào lò đào tạo đều có cái hay lẫn cái chưa được. Điều bóng rổ nước nhà cần là một dạng kết hợp giữa cả hai hình thức này. Có lẽ điều đó không gì khác ngoài mô hình VĐV học sinh (student-athlete) đã hết sức thành công tại nước Mỹ.
Theo định nghĩa của Hiệp hội cầu thủ cấp độ đại học Mỹ (NCAA), VĐV học sinh là một người tham gia thi đấu các bộ môn thể thao được tổ chức chuyên nghiệp dưới sự cấp phép cũng như tài trợ bởi ngôi trường họ đang theo học. Ngoài việc thi tuyển vào đại học từ cấp phổ thông như bao người khác, các VĐV học sinh cũng có thể nhận học bổng thể thao từ các cơ sở giáo dục ở cấp độ này.
Trong bộ phim nổi tiếng Coach Carter, vị HLV đáng kính này có một câu nói khá hay. Khi các bậc phụ huynh chất vấn mình về việc yêu cầu các cầu thủ phải học hành tử tế hơn thay vì tập trung toàn phần vào bóng rổ, ông đã nói rằng: "Những chàng trai kia là VĐV học sinh. Đối với chúng, chữ học sinh vẫn phải là ưu tiên hàng đầu chứ chưa phải bóng rổ".
Đúng vậy, lợi thế của một VĐV học sinh không gì khác ngoài việc họ vẫn học kiến thức văn hoá song song với việc tập luyện và thi đấu chuyên nghiệp. Không giống với những người trưởng thành từ lò đào tạo với mục tiêu duy nhất là trở thành cầu thủ, vị trí VĐV học sinh đặt vào tay lứa trẻ nhiều cơ hội khi ra đời hơn việc chỉ đơn thuần thi đấu chuyên nghiệp.
Tất nhiên để vươn đến tiêu chuẩn như tại Mỹ vẫn là con đường dài. Thế nhưng bóng rổ nước nhà và đặc biệt là VBA đã có những nỗ lực nhất định trong việc đưa bóng rổ trở thành một phần cuộc sống học đường. Thông qua chương trình Bóng rổ học đường do Bộ Thể thao-Văn hoá-Du lịch kết hợp cùng Liên đoàn bóng rổ Việt Nam lẫn VBA thực hiện đang ngày một phổ cập bộ môn tới nhiều vùng của tổ quốc.
Quay lại với câu chuyện VĐV học sinh thành tích cao. Tại Sài Gòn thời điểm này, có thể nhắc tới một số cái tên trưởng thành từ hình thức này như Nguyễn Huỳnh Phú Vinh, Võ Kim Bản hay Lê Quang. Tất cả những cầu thủ này đều đã và đang có được chỗ đứng vững chắc tại đội bóng Saigon Heat lẫn đội tuyển quốc gia Việt Nam. Bởi vậy tôi tìm đến Lê Quang để có thể nghe những gì cậu bạn này cảm nhận được tại VBA với xuất thân là một VĐV học sinh trước đó.
"Theo góc nhìn của bản thân, bóng rổ đại học thời điểm hiện tại đã có những bước tiến lớn hơn nhiều so với trước. Đi cùng với đó là trình độ chuyên môn giờ đã khá cao. Những cái tên như Võ Kim Bản hay Nguyễn Huỳnh Phú Vinh đều trưởng thành từ môi trường này dưới màu áo đại học Thể dục Thể thao. Khả năng chơi bóng đến từ lứa cầu thủ đại học ở cả Sài Gòn lẫn Hà Nội có thể nói rằng ngang với các bạn được đào tạo trẻ tại các đội bóng VBA hiện nay. Tôi nghĩ trong tương lai sẽ có rất nhiều cầu thủ đủ khả năng đi lên VBA từ con đường sinh viên".
"Tất nhiên ở đây mình không phủ nhận sự quan trọng của các trung tâm đào tạo bóng rổ. Việc được những người đi trước chỉ dẫn từ khi còn nhỏ tuổi là lợi thế cực kỳ lớn. Tất cả kinh nghiệm tích luỹ được từ đây có thể trở thành đòn bảy cho con đường làm VĐV học sinh sau này. Thực sự nếu có thể được làm VĐV học sinh thì không nên bỏ qua vì đây là cơ hội rất lớn cho bản thân. Nó cho mình rất nhiều con đường việc làm khi ra đời chứ không chỉ riêng gì việc thi đấu chuyên nghiệp ở VBA".
Suy nghĩ của Lê Quang tình cờ thay cũng thật trùng hợp với những gì đang có trong đầu tôi lúc ấy. Bóng rổ học đường có lẽ chính là con đường mang tính bền vững nhất cho tương lai. Khi trái bóng cam trở thành một phần của thời học sinh, nó sẽ đủ khả năng tự tạo ra một cộng đồng đặc thù và gắn kết bền chặt bởi môn thể thao này. Đến khi ấy, việc tuyển chọn các cầu thủ của các đội bóng có lẽ không còn khó khăn như bây giờ bởi nguồn lực đã trở nên dồi dào hơn.
Chưa bao giờ bóng rổ Việt Nam được chứng kiến những bước thay đổi rõ rệt như trong nửa thập kỷ kể từ ngày VBA ra đời. Rõ ràng việc có được một giải đấu chuyên nghiệp đã mang đến bước ngoặt cho cả nền bóng rổ nước nhà. Các cầu thủ trẻ giờ đây thực sự đã có một ngọn hải đăng làm đích đến cho sự nghiệp của mình, chứ không còn phải mò mẫm như các bậc đàn anh đi trước.
Tuy nhiên việc có một giải đấu chuyên nghiệp khác hoàn toàn so với trình làng những cái tên trẻ làm kế cận cho các ngôi sao hiện tại. Điều quan trọng vẫn nằm ở việc đưa bóng rổ đến gần hơn với thế hệ trẻ. Khi làm trái bóng cam ăn thật sâu vào tâm trí những cô cậu học trò đi kèm với sự quan tâm của các đơn vị chuyên nghiệp. Lúc đó bóng rổ trẻ nước nhà sẽ thực sự được chắp cánh bay xa tới VBA hay thậm chí đại diện cho Việt Nam cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Cây mọc từ hạt, tất cả chúng ta đều đóng góp một phần nhỏ của mình vào sự đi lên của lớp trẻ. Tôi đưa em trai mình ra sân chơi bóng rổ còn bạn hàng ngày tập nhồi bóng với con nhỏ. Từng hành động rất nhỏ ấy gộp chung lại thành một làn sóng vững mạnh. Các em mong cầu sự quan tâm đúng mức, còn người đi trước cần đáp ứng điều đó. Phía trước chặng đường còn nhiều chông gai thế nhưng tôi tin tất cả đều đang cố gắng cho sự đi lên của nền bóng rổ nước nhà với trọng tâm không gì khác ngoài đào tạo trẻ.
Tiềm năng phát triển của bộ môn thể thao chúng ta cũng yêu cháy bỏng này còn rất nhiều. Hi vọng với những luận điểm đã đưa ra ở trên, bóng rổ cả hai miền sẽ cùng phát triển vượt bậc, tạo nền móng cho cả nước đi lên. Tôi mong các đơn vị chuyên nghiệp sẽ chú ý hơn nữa cho miền Bắc còn miền Nam sẽ có thêm nhiều những người có tâm và tầm xây dựng phong trào trở nên lớn mạnh. Tất cả vì một tương lai tươi sáng hơn.