Cầu thủ Indonesia và pha phản lưới nhà trắng trợn nhất
Cho đến nay, bàn phản lưới nhà của hậu vệ Effendi (Indonesia), trong trận đấu ở vòng bảng Tiger Cup 1998 với Thái Lan vẫn bị xem là vết nhơ xấu xí nhất trong lịch sử giải đấu. Đều muốn tránh gặp chủ nhà Việt Nam ở vòng sau nên hai đội bóng hàng đầu khu vực đều cố gắng... thua để nhường nhau vị trí nhất bảng. Với mục đích ấy, hàng thủ Indonesia và Thái Lan cùng chơi như mơ ngủ và "mời mọc" đối phương ghi bàn.
Khi tỷ số đang là 2-2, Indonesia đứng trước "nguy cơ" phải nhận ngôi đầu. Trong ánh mắt kinh ngạc của người hâm mộ và nỗ lực ngăn cản của cầu thủ Thái Lan, hậu vệ Effendi dẫn bóng về rồi trắng trợn sút tung lưới nhà đúng phút 90.
Sau khi "đốt đền", cầu thủ này quay ra vỗ tay và ăn mừng cùng đồng đội. Đây được xem là trận đấu đáng xấu hổ nhất trong lịch sử hơn 20 năm của giải đấu.
Cơn mưa thẻ đỏ của Myanmar (Tiger Cup 2004)
14 năm trước, Myanmar dự giải với dàn cầu thủ trẻ đầy triển vọng. Họ xếp trên cả chủ nhà Malaysia và đương kim vô địch Thái Lan ở vòng bảng. Trận lượt đi bán kết tại Yangon, Myanmar để thua 3-4 trước Singapore. Nhưng ở lượt về họ bất ngờ dẫn trước 2-0 sau 50 phút đầu tiên và bắt đầu mơ về tấm vé vào chung kết.
Tuy nhiên, giấc mộng sớm tan vỡ khi ba cầu thủ Yan Paing rồi Moe Kyaw Thu và Zaw Lynn Tun lần lượt nhận thẻ đỏ khiến Myanmar chỉ còn chơi với... 8 người. Singapore có bàn rút ngắn cách biệt xuống 1-2, đẩy trận đấu tới hiệp phụ. Lợi thế quân số giúp đội tuyển đảo quốc sư tử thắng ngược 4-2 và đi tiếp.
Trận đấu khép lại với... thẻ đỏ thứ tư cho thủ môn dự bị Myanmar vì ném chai nước vào cầu thủ đối phương.
Thêm một lần, AFF Cup chứng kiến những hành xử thiếu chuyên nghiệp. Tình huống tưởng chừng chỉ có ở bóng đá nghiệp dư xuất hiện trong trận chung kết lượt đi AFF Cup 2007. Khi tỷ số đang là 1-1, chủ nhà Singapore được hưởng quả 11m ở phút 82.
Cho rằng bị xử ép, toàn bộ cầu thủ Thái Lan rời sân, bất chấp tiếng huýt sáo la ó giận dữ của cổ động viên Singapore. Phải mất 15 phút, "Voi chiến" mới trở lại để tiếp tục thi đấu. Trên chấm 11 mét, Mustafic Fahrudin thực hiện thành công giúp Singapore giành chiến thắng 2-1. Sau đó, ở trận lượt về, Singapore đã thủ hòa thành công Thái Lan với tỷ số 1-1 ở Bangkok để lên ngôi vô địch.
Sự cố diễn ra ở trận đấu giữa Myanmar và Singapore tại vòng bảng AFF Cup 2008. Phút 75, khi Singapore đang dẫn trước 2-1, họ được hưởng quả đá phạt. Khi các cầu thủ Myanmar vẫn bận tranh cãi về quyết định này, Singapore tổ chức đá phạt nhanh và ghi bàn vượt lên dẫn trước 3-1.
Sau bàn thua nghiệt ngã, vì quá bức xúc, thủ thành Aung Aung Oo bên phía Myanmar chạy tới và "động tay động chân" với trọng tài Phùng Đình Dũng. Sự cố khiến trận đấu bị gián đoạn khoảng 10 phút, sau đó thủ thành của Myanmar bị truất quyền thi đấu.
Trò bẩn của CĐV Malaysia
Hơn 100.000 CĐV đã lấp đầy SVĐ Bukit Jalil trong trận chung kết lượt đi AFF Cup 2010 giữa Malaysia và Indonesia. Điều đáng nói, ở cuộc chiến ấy, CĐV Malaysia liên tục chiếu đèn laser vào mặt cầu thủ Indonesia. Quá tức giận vì trò bẩn của chủ nhà, Markus, thủ môn của Indonesia kêu gọi đồng đội rời sân. Trận đấu gián đoạn 10 phút.
Sau khi trở lại, Indonesia bất ngờ để thua 3 bàn liên tiếp. Sau đó, lý giải về việc sử dụng đèn laser, người Malaysia cho rằng họ chỉ lặp lại hành động của CĐV Indonesia khi hai đội gặp nhau tại Jakarta ở vòng bảng (Malaysia thua 1-5). Kết thúc giải đấu, Malaysia đã lên ngôi vô địch khi vượt qua Indonesia với tổng tỷ số 4-2 sau hai lượt trận chung kết.
Nỗi đau của Singapore
Ở AFF Cup 2014 tổ chức ngay trên sân nhà, Singapore đã hứng chịu nỗi đau lớn. Ở lượt cuối vòng bảng, họ chỉ cần kết quả hòa với Malaysia để đi tiếp (Thái Lan đã chắc suất đi tiếp ở bảng này).
Singapore cầm chân Malaysia với tỷ số 1-1 cho tới phút bù giờ thứ 3. Trong tình huống không rõ ràng, trọng tài chính quyết định cho Singapore hưởng cú phát bóng nhưng trọng tài biên lại cho rằng cầu thủ Singapore đã phạm lỗi. Sau khi tổ trọng tài trao đổi, quyết định cuối cùng đã được đưa ra: Malaysia được hưởng phạt đền.
Trên khán đài, rất nhiều CĐV Singapore thể hiện sự căm phẫn tột cùng nhưng điều đó không thể thay đổi tình hình. Safiq Rahim thực hiện thành công cú sút 11 mét, đưa Malaysia lọt vào bán kết. Bên kia chiến tuyến, người Singapore ôm nỗi đau lớn.
Trận bán kết lượt đi AFF Cup 2014 giữa Malaysia và Việt Nam là một trong những trận đấu xấu xí nhất lịch sử giải này. Chủ nhà Malaysia thể hiện những hành vi bạo lực từ sân cỏ đến khán đài. Dưới sự dung túng của trọng tài, cầu thủ Malaysia tha hồ thi triển lối đá rắn, không ngần ngại chặt chém, triệt hạ đồng nghiệp bên phía Việt Nam. Trọng tài không hề áp dụng hình phạt nào đủ sức răn đe đối với phía chủ nhà.
Thậm chí, sau khi kết thúc trận đấu, nhiều CĐV quá khích của Malaysia còn tràn sang tấn công CĐV Việt Nam.Vụ hành hung khiến nhiều CĐV bị thương. Truyền thông quốc tế sau đó đã lên án mạnh mẽ hành động bạo lực của CĐV Malaysia.
Một CĐV Việt Nam chảy máu đầu vì bị người Malaysia tấn công.
Bạn nên quan tâm