Trong lịch sử, tuyển Argentina và Pháp mới gặp nhau 3 lần trong các kỳ World Cup: 1930 (Argentina thắng 1-0), 1978 (Argentina thắng 2-1) và 2018 (Argentina thua 3-4).
Bốn năm trước, hai đội đã làm nên trận cầu hấp dẫn nhất World Cup 2018, nổi bật là hai cú sút xa ngoài vòng cấm khó tin của Angel Di Maria và Benjamin Pavard. Pha ngả người bắt volley của hậu vệ cánh người Pháp đưa bóng liệng với quỹ đạo khó, không cho thủ thành bên phía Argentina cơ hội cản phá. Pha lập công này cũng được bình chọn là bàn thắng đẹp nhất World Cup 2018.
Không chỉ đẹp mắt, bàn thắng của Pavard còn đóng vai trò bản lề giúp ĐT Pháp gỡ hòa 2-2 trước khi Mbappe lập cú đúp, đưa Pháp vươn lên dẫn 4-2. Aguero là chủ nhân của bàn thắng phút bù giờ, ấn định tỷ số 4-3.
Những bàn thắng sút xa đầy ngẫu hứng vốn là “đặc sản” của bóng đá Nam Mỹ. Ở 3 kỳ World Cup 2006, 2010 và 2014, cả ba giải thưởng bàn thắng đẹp nhất đều đến từ những cú dứt điểm ngoài vòng cấm của các cầu thủ Nam Mỹ: Maxi Rodriguez (Argentina - 2006), Diego Forlan (Uruguay - 2010) và James Rodriguez (Colombia - 2014). Benjamin Pavard đã phá vỡ thế độc tôn này, và cho thấy Pháp cũng đáng gờm không kém các nghệ sĩ bên kia bán cầu.
Bốn năm sau, hai đội lại chạm trán nhau, nhưng ở trận đấu quan trọng nhất: Chung kết World Cup 2022. Benjamin Pavard hiện chỉ đóng vai trò dự bị trong đội hình Pháp, còn Di Maria chưa có thể trạng tốt nhất vì chấn thương. Tuy vậy, cả hai đội vẫn có những nhân tố sút xa nổi danh.
Đó là Tchouameni (Pháp), người vừa có bàn thắng quan trọng vào lưới tuyển Anh tại tứ kết, hay Enzo Fernandez (Argentina), tiền vệ nổi tiếng với những cú dứt điểm uy lực ngoài vòng cấm địa đối phương. Và tất nhiên, không thể không kể đến hai siêu sao Lionel Messi (ghi bàn vào lưới Mexico từ ngoài vòng cấm) và Antoine Griezmann - một chuyên gia đá phạt.
Sút xa là phương án có thể mang lại đột biến khi đội bóng gặp bế tắc. Pháp và Argentina đều tận dụng tốt phương án này để ghi bàn. Tuy nhiên, họ còn thứ vũ khí đáng sợ hơn: tốc độ.
Ở trận bán kết, Pháp đã khuất phục Morocco nhờ tốc độ “kinh hoàng” của Mbappe và Dembele. Đôi cánh của Les Bleus thường xuyên bứt tốc trong những pha phản công, đạt tốc độ cao nhất 35,2 và 35,3km/h. Mbappe nổi tiếng với pha bứt tốc từng lên tới 38 km/h (Usain Bolt nắm giữ kỷ lục chạy nhanh nhất hành tinh với tốc độ cao nhất là 43,99 km/h).
Nhờ hai pha bứt phá và dứt điểm của Mbappe, đồng đội của anh “chờ” bóng bật ra để ghi hai bàn dễ dàng vào lưới Morocco. Nếu tận dụng triệt để khả năng kiến tạo của Mbappe, tuyển Pháp đã có thể giành chiến thắng cách biệt hơn.
Không còn trẻ như đàn em trong màu áo PSG, nhưng Messi cũng để lại dấu ấn với pha cầm bóng vượt qua Josko Gvardiol, kiến tạo cho Julian Alvarez ấn định tỷ số 3-0 ở trận thắng Croatia. Trước đó, Julian Alvarez thực hiện pha solo ghi bàn đầy tốc độ từ giữa sân, khẳng định thương hiệu của một tiền đạo Premier League.
Sau World Cup 2002 (Brazil - Đức) và 2014 (Argentina - Đức), đây là lần thứ hai các đội châu Âu và Nam Mỹ cạnh tranh danh hiệu vô địch. Tỷ lệ chiến thắng đang là 50-50.
Tuy vậy, thành tích tốt nhất của các đội bóng Nam Mỹ trong 4 kỳ World Cup vừa qua chỉ là ngôi á quân năm 2014 của Argentina. Liệu lần này, lịch sử sẽ sang trang?
[Lịch thi đấu chung kết World Cup 2022: Argentina quyết đấu với Pháp]