Ngày 24/8 vừa qua, tức "Ngày Kobe Bryant", cả thế giới tiếp tục có những động thái để tri ân cố huyền thoại của Los Angeles Lakers thông qua nhiều cách thức khác nhau. Trong đó, một công ty chuyên về công nghệ blockchain đã có một hành động vinh danh vô cùng đặc biệt.
Theo nguồn tin đến từ Dave McMenamin, ký giả của ESPN cho biết công ty Cryptograph, một doanh nghiệp sưu tầm hình ảnh kỹ thuật số, đã phát hành một loạt tám bức ảnh chưa từng thấy trước đây về Kobe Bryant theo định dạng NFT, lên sàn đấu giá nhằm mục đích gây quỹ từ thiện.
Phiên đấu giá được mở vào đúng ngày 24/8 và kết thúc sau 72 tiếng đồng hồ. Theo ghi nhận, cả tám bức ảnh đều được các nhà sưu tầm mua lại bằng đồng tiền ảo Ethereum. Trong đó, bức ảnh đắt giá nhất mang về cho Cryptograph giá trị 5,767 Ethereum, trong khi bức ảnh có giá trị thấp nhất cũng đạt mức 3 Ethereum. Ở thời điểm hiện tại, 1 Ethereum trị giá 3.200 USD, tức một bức ảnh được mang ra bán đấu giá thu về ít nhất 10.000 USD cho đơn vị sở hữu.
Theo báo cáo đến từ ESPN, toàn bộ số tiền kể trên sẽ được chuyển đến "Quỹ thể thao Mamba và Mambacita", được lập ra để giúp các bạn trẻ nối bước niềm đam mê trở thành một VĐV chuyên nghiệp.
Trọn bộ 8 bức ảnh được Cryptograph rao bán trên một sàn đấu giá. Đây là những bức ảnh được sao chép và không có bất kỳ giá trị nào so với những bức ảnh mang định dạng NFT
Những bức ảnh kể trên của Kobe Bryant được nhiếp ảnh gia David Factor chụp cho một buổi lấy hình cho tạp chí vào năm 1999, với địa điểm là một khu nhà kho bỏ hoang ở ngoại ô thành phố Los Angeles. Dù chỉ là những bức ảnh thông thường, nhưng điều khiến chúng có giá trị cao ngất ngưỡng nằm ở định dạng NFT.
NFT là một loại hình tài sản số mới, được gọi là token không thể thay thế hay còn được biết tới với tên gọi đầy đủ là Non-Fungible Token và nó đang trở nên rất phổ biến với những nhà đầu tư cũng như sưu tầm công nghệ số ở thời điểm hiện tại. NFT được xác thực bằng công nghệ blockchain.
Đối với giới đầu tư tiền điện tử cũng như các nhà sưu tầm, NFT đang là "cơn sốt" mới sau Bitcoin. Việc sở hữu một NFT được ví như mua một món hàng sưu tầm có một không hai, dựa theo quyền sở hữu độc quyền được chứng nhận bởi chuỗi mã NFT. Những NFT này sau đó sẽ được nhà sưu tầm giữ lại nhằm kỳ vọng vào khả năng bán ra với giá cao hơn để kiếm lời.
Định dạng NFT đã từng xuất hiện trong không ít clip highlights của các cầu thủ NBA. Một video theo định dạng NFT của LeBron James đã từng được bán với mức giá 280,000 USD. Thậm chí, video ghi lại hình ảnh Nate Robinson bị Youtuber Jake Paul đấm gục trên sàn quyền anh cũng được trả giá đến 10 triệu USD.
Bất chấp việc vẫn có thể bị sao chép, việc những bức ảnh kể trên được chuyển đổi sang định dạng NFT sẽ giúp bảo lưu giá trị đích thực của những tác phẩm gốc. Trong khi ngành nghệ thuật chi hàng triệu USD mỗi năm để xác thực và truy tìm nguồn gốc của các tác phẩm được đánh giá cao, thì định dạng NFT cho phép nhà sáng tạo xác nhận vĩnh viễn quyền sở hữu của mình với những ấn phẩm kỹ thuật số.
Kể cả không phải định dạng NFT, những kỷ vật thuộc về cố huyền thoại Kobe Bryant luôn có mức giá rất cao dành cho những người chuyên săn đồ sưu tập. Đôi giày đầu tiên của "Black Mamba" từng được bán với giá 100.000 USD, trong khi một tấm thẻ tân binh của cầu thủ này cũng có mức giá lên đến 1 triệu USD.