Trước mùa giải 2020/2021, có lẽ người hâm mộ lạc quan nhất của Phoenix Suns cũng không dám mơ tới viễn cảnh đội bóng con cưng của mình có thể sở hữu thành tích tốt thứ nhì NBA khi bước vào kì nghỉ All Star. Kể từ ngày Steve Nash rời đi, đội bóng miền sa mạc vẫn loay hoay trong công cuộc tìm lại ánh hào quang một thời.
Ít ai ngờ người cầm trong tay ngọn đuốc soi đường cho họ lại là một tay cầm bóng khác. Người đó không ai khác ngoài ông “vua Midas” khốn khổ Chris Paul.
Làm thế nào để một lão tướng ở độ tuổi xế chiều sự nghiệp có thể kéo một tập thể biết cách gây thất vọng giỏi hơn tạo niềm tin như Phoenix Suns đi lên? Đó là một câu chuyện dài không đơn thuần chỉ nằm tại mùa giải năm nay. Ta phải lần giở lại những trang tiểu sử của “thần phối bóng” từ những ngày mãi đũng quần trên ghế nhà trường.
Có lẽ gốc gác Bắc Carolina đồng hương với huyền thoại Michael Jordan đã sớm ươm tình yêu bóng rổ cũng như một phép màu vào cậu bé Chris Paul. Nhãn quan chiến thuật hiếm có, sự điềm đạm của một người lãnh đạo kết hợp khả năng phòng ngự cực kỳ thông minh khiến Chris Paul là mảnh ghép hoàn hảo cho mọi tập thể.
Kể từ ngày chập chững chơi bóng tới nay, bất cứ đội bóng nào sở hữu “CP3” cũng đều được cải thiện thành tích và có khả năng cạnh tranh chức vô địch. Danh xưng “vua Midas” cũng dần rõ ràng hơn trong từng bước trưởng thành của danh thủ gốc miền Đông.
Năm 2003, trong khi những người chiến hữu “thuyền chuối” sau này của Chris Paul là LeBron James, Dwyane Wade và Carmelo Anthony tham gia NBA thì chàng trai trẻ Paul bước vào đại học. Dù chỉ cao 1,83m thế nhưng Chris Paul được giới tuyển trạch đánh giá rất cao và nhận lời mời từ nhiều trường đại học danh tiếng. Đặc biệt, ngôi trường cũ của Michael Jordan là UNC cũng đã gửi thư đề nghị “CP3” theo học tại trường. Thế nhưng anh quyết định ở lại thành phố và tới trường Wake Forest.
Nơi đây đã chứng kiến ba năm sinh viên đầy thăng trầm của Chris Paul. Ba mùa giải cống hiến cho Wake Forest, không năm nào trường có thành tích dưới 21 trận thắng trong cả mùa giải 31 trận. Đặc biệt tại mùa giải vô địch đại học toàn quốc NCAA March Madness 2004, Chris Paul cùng các đồng đội tiến tới top 16 đội mạnh nhất toàn Mỹ mới chịu dừng bước.
Năm 2005, Chris Paul rời trường và chính thức tham gia kỳ NBA Draft 2005. Anh được New Orleans Hornets chọn ngay tại lượt thứ 4. Hornets lúc bấy giờ như con thuyền nhỏ trước đại dương. Lực lương yếu cùng sự ảnh hưởng từ cơn bão Katrina khiến toàn đội phải thi đấu tại Oklahoma. Đồng thời, họ cũng vừa sở hữu thành tích tệ hại nhất trong lịch sử với 18 thắng 64 bại.
Ngay lập tức, “vua Midas” chuyển biến mọi thứ theo chiều hướng tốt hơn. Với Chris Paul, Hornets kết thúc mùa giải với thành tích 38 thắng 44 bại. Không chỉ giúp đội bóng đi lên, chàng tân binh cũng ghi dấu ấn cá nhân khi có trung bình 16,1 điểm, 5,1 rebounds, 7,8 kiến tạo và 2,2 cướp bóng để dẫn dầu tất cả các tân binh. Anh cũng là tân binh thứ hai trong lịch sử NBA dẫn đầu toàn giải đấu về số lần cướp bóng. Danh hiệu tân binh xuất sắc nhất là điều không phải bàn cãi.
Tuy đã giúp đội bóng có mùa giải thành công nhất trong lịch sử năm 2008 nhưng điều đó không thể che giấu đi thực lực của Hornets. Có thể nói, Chris Paul là tất cả với đội bóng miền Nam. “CP3” cần một bến đỗ mới, một bến đỗ xứng tầm và là nơi Chris Paul có thể kiếm tìm vinh quang.
Los Angeles Lakers đã tiến rất gần tới “lão tam” trong năm 2011. Viễn cảnh được đứng chung sân với bộ đôi Kobe Bryant vĩ đại cùng cận vệ Pau Gasol là quá tuyệt vời. Thế nhưng khi ấy NBA đang là bên sở hữu Hornets lại không đồng ý với thương vụ trao đổi này khi cho rằng nó quá bất công với phần còn lại của giải đấu. Cực chẳng đã, đội bóng đã đưa anh sang đối thủ cùng thành phố của Lakers là Clippers.
Clippers trước đây vốn là “gánh xiếc” trong mắt người hâm mộ, thế nhưng gần như một tay Chris Paul đã khiến tất cả phải thay đổi suy nghĩ. Cùng người đồng đội trẻ Blake Griffins và trung phong hộ pháp DeAndre Jordan, họ tạo nên bộ ba đập nhả trên không đầy hứng khởi. Cái tên Lob City cũng ra đời từ đó. Không một năm nào Clippers nằm ngoài danh sách những đối thủ cạnh tranh cho chức vô địch.
Thế nhưng, mọi phép màu đều đi theo một lời nguyền. Vua Midas chạm tay bất cứ thứ gì cũng biến thành vàng và khiến cho tất cả mọi người giàu có. Thế nhưng chính gã đã chết vì cơn đói vì chẳng thể ăn bất cứ thứ gì. Chris Paul cũng vậy, anh luôn nâng tầm tập thể nhưng bản thân lại chẳng bao giờ được hái quả ngọt. Mỗi khi đội bóng bước vào trận đấu quan trọng, nếu không phải bản thân ngã xuống thì các đồng đội của ngôi sao sinh năm 1985 cũng là người dính chấn thương.
Cứ như thế, chấn thương và vận rủi đeo bám Chris Paul như hình với bóng trong nửa sau của mùa giải. Thế nhưng, không phải Clippers mà Rockets mới chính là mồ chôn giấc mơ vô địch NBA trong những ngày tháng đỉnh cao của Chris Paul. Houston Rockets của năm 2018 chứng kiến một trong những bộ đôi hàng ngoài xuất sắc nhất NBA tung hoành ngang dọc. Ngay cả đội hình hủy diệt của Golden State Warriors cũng phải e dè trước sự ăn ý của Chris Paul cùng James Harden.
Trận chung kết miền Tây 2018 chứng kiến màn đụng độ nảy lửa của Rockets và Warriors. Dàn hỏa tiễn bang Texas đã có lợi thế dẫn 3-2 sau 5 trận đấu. Thế nhưng chấn thương bắp đùi Chris Paul không may dính phải cuối game 5 sau một nỗ lực lên rổ đã cướp đi cơ hội gặp “King James” của toàn đội khi 2 trận đấu cuối chứng kiến James Harden bất lực trước tập thể vùng Vịnh quá vượt trội. Lại một mùa Playoffs thất vọng nữa trôi qua.
Chấn thương của Chris Paul tại game 5 chung kết miền Tây 2018 cướp đi cơ hội vô địch của Houston Rockets
Ngày nắng qua đi để lại bầu trời xám xịt tại Houston, rạn nứt dần xuất hiện giữa Chris Paul với James Harden trong mùa giải 2018-2019. Cá tính quá mạnh của cả hai quá mạnh khiến họ không còn có thể đứng chung sân. Ngày MVP 2018 thẳng thừng gạt tay từ chối bắt tay người đàn anh mang áo số 3 cũng là ngày NHM hiểu rằng mối lương duyên này đã đến hồi kết. “CP3” được Rockets chuyển đến OKC mùa hè năm 2019 để lấy về Russell Westbrook.
OKC khi ấy là một nhà trẻ đúng nghĩa, đội hình trẻ trung thiếu kinh nghiệm chẳng chút hi vọng dự Playoffs. Thế nhưng lại một lần nữa Chris Paul nhắc nhở cho toàn thế giới biết mình là ai. Kinh nghiệm và óc chiến thuật thiên tài của anh đã nâng tầm cả đội bóng và giúp họ xuất sắc giành vị trí thứ 5 cuối mùa. Dù để thua trước chính Rockets tại vòng 1 Playoffs nhưng 7 trận cầu quả cảm là đủ để NHM Oklahoma mãi nhớ ơn “lão tam” như cứu tinh của họ.
Kết thúc mùa giải 2020, Chris Paul nói lời chia tay OKC và tiếp tục đi tìm thử thách mới. Rời khỏi Trung Tây để tới vùng sa mạc Arizona nóng bỏng miền Viễn Tây. Phoenix Suns chào đón Chris Paul như vị thuyền trưởng đội bóng vốn tìm kiếm bấy lâu cho những pháo thủ trẻ tài năng như Devin Booker và Deandre Ayton. Chẳng khác nào Steve Nash khi xưa phục hưng Suns, Chris Paul lần nữa đưa cái tên Suns tỏa sáng giữa miền Tây khói lửa để sở hữu thành tích tốt thứ nhì NBA trước kỳ nghỉ All Star.
16 mùa giải quật cường tại NBA, thành công đi theo dấu chân của Chris Paul tại mọi đội bóng. Tuy chiếc cup Larry O’Brien vẫn quay lưng với người con miền Đông. Thế nhưng chưa một lần nào NHM thấy “lão tam” ngừng quyết tâm và chiến đấu tới giây phút cuối. 1054 lần ra sân là 1054 lần người ta được thấy một tay cầm bóng nhỏ con nhưng khiến tất cả phải ngước nhìn. Liệu danh xưng “vua Midas” có được Chris Paul rũ bỏ mùa giải năm nay hay không? Rất khó! Thế nhưng có một điều chắc chắn rằng hành trình thăng trầm của anh tại NBA sẽ được người đời nhớ mãi.
Bạn nên quan tâm