Khi Francisco Gento cùng Real Madrid tới Parc des Princes để đá trận chung kết Cúp châu Âu với Reims vào năm 1956, ông, cũng như các đồng đội khác, thậm chí không biết trận đấu có ý nghĩa gì.
"Trong suốt hành trình tới Pháp, không ai giải thích với chúng tôi điều gì sẽ xảy ra, thể thức thi đấu hay tầm vóc của giải đấu. Bọn tôi chỉ biết ra sân, đá bóng và cố gắng giành chiến thắng. Tất cả chỉ có thế", huyền thoại đã dành cả sự nghiệp để khoác áo Real nói với tờ AS năm 2015.
Chỉ sau khi đánh bại Reims với tỷ số 4-3, cầm chiếc Cúp trên tay và nhận được sự tung hô từ khắp mọi nơi, Gento và đồng đội mới nhận ra họ vừa tạo nên khoảnh khắc vĩ đại, khi trở thành nhà vô địch đầu tiên của giải đấu danh giá nhất châu Âu. "Khi biết tầm vóc và ý nghĩa của giải đấu này, trong chúng tôi trào lên cảm xúc thật khó diễn tả", Gento cho biết.
Cách đây 60 năm, vào năm 1955, Cúp C1 chính thức ra đời sau đề xuất của Gabriel Hanot, nhà báo của tờ L'Equipe, dựa trên gợi ý của đồng nghiệp Jacques Ferran. Ông đã vận động UEFA để biến ý tưởng lãng mạn thành hiện thực, về một sân chơi dành riêng cho những CLB vô địch quốc gia ở châu Âu.
Quả thực đây là giải đấu tinh hoa của những tinh hoa. Nó tôn vinh Real, Milan, Liverpool, Bayern hay Barca, đồng thời là sân khấu để Alfredo Di Stefano, Eusebio, George Best, Johan Cruyff, Franz Beckenbauer, Marco van Basten rồi Lionel Messi, Cristiano Ronaldo tỏa sáng.
Sau một thời gian dài, C1 được đổi tên thành Champions League và thể thức cũng thay đổi như một phần của quá trình thương mại hóa. Nó được mở rộng tối đa để không chỉ thuộc về những đội bóng vô địch quốc gia.
Như mùa trước, Liverpool đăng quang dù tham dự với tư cách đội đứng thứ 4 tại Premier League. Hay Real Madrid, trong 4 lần vô địch gần nhất, chỉ duy nhất mùa 2017/18 họ xuất hiện trong vị thế nhà vô địch La Liga. Mùa cuối cùng chung kết Champions League là cuộc đối đầu giữa 2 nhà vô địch quốc gia 2010/11, giữa Barca và MU.
UEFA dĩ nhiên hưởng lợi. Tổng doanh thu của tổ chức này đã tăng từ 500 triệu bảng/mùa vào năm 2003 lên 2,75 tỷ bảng hiện nay, với phần lớn đến từ Champions League. Vì Hanot đã mất vào năm 2019, chúng ta không biết ông có buồn không khi giải đấu ông sáng lập nay được dành để vinh danh những siêu CLB, những đội bóng sở hữu sức mạnh tài chính vô tận để có thể mang về những ngôi sao hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, trong một sự tình cờ, mùa giải 2019/20 đã đưa Champions League trở lại thưở ban đầu, khi còn có tên là C1. Bayern và PSG, hai đội bóng đã bắt đầu cuộc hành trình đến đêm chung kết ở Lisbon với tư cách nhà vô địch Bundesliga và Ligue 1 mùa trước.
Không những thế, họ là còn những nhà vô địch tuyệt đối, khi Bayern vừa giành Đĩa bạc Bundesliga lần thứ 8 liên tiếp, trong khi PSG đăng quang 7/8 mùa đã qua. Trước khi tìm kiếm danh hiệu vô địch Champions League, cả hai cũng kịp sở hữu thêm Cúp Quốc gia để đứng trước cơ hội giành cú ăn 3 (riêng PSG sẽ là ăn 4 bởi có thêm Cúp Liên đoàn).
Chưa hết, nếu Hanot đã mơ mộng về những trận chung kết dành cho hai đội bóng xuất sắc nhất, với sức mạnh áp đảo hoàn toàn phần còn lại, thì Bayern và PSG chính xác là cặp đấu ông mong muốn.
Với tổng hiệu số bàn thắng bại kết hợp +54 của Bayern (+34) và PSG (+20) là cao nhất trong số các cặp đấu chung kết Champions League trong một thập kỷ qua. Nên nhớ rằng cả hai đã chơi ít số trận hơn thường lệ, bởi tứ kết và bán kết không diễn ra theo thể thức hai lượt trận.
Từ đầu mùa, Bayern toàn thắng cả 10 trận với trung bình 4 bàn mỗi trận. Trên đường tới Lisbon, họ đã nã 7 bàn vào lưới Tottenham và Chelsea, chọc thủng lưới Red Star Belgrade 6 lần rồi tạo nên màn hủy diệt Barca 8-2.
PSG cũng ấn tượng không kém khi đứng đầu bảng đấu có sự góp mặt của Real Madrid, nhà vô địch châu Âu 13 lần. Ở vòng knock-out, bất chấp quãng thời gian dài thiếu cảm giác bóng vì Ligue 1 bị hủy, đội quân của Thomas Tuchel vẫn thể hiện phong độ thuyết phục qua 2 lần giải mã hiện tượng Atalanta và Leipzig.
Không chỉ xứng đáng bởi sức mạnh vô song đã thể hiện (Bayern - với 158 bàn ở mọi đấu trường - là đội ghi nhiều bàn thắng nhất trong 5 giải đấu hàng đầu châu Âu và PSG - 136 bàn - nhiều thứ 3 dù chỉ đá 46 trận), cả hai đội còn là biểu tượng của khát vọng, của nỗ lực không ngừng để tìm kiếm vinh quang.
Theo cách nói của cây viết Jack Pitt-Brooke trên The Athletic, trận chung kết giữa Bayern và PSG không báo hiệu cho sự thống trị của trục Pháp - Đức tại Champions League, cũng không phải bằng chứng của sự sụp đổ của Premier League hay La Liga. Tuy nhiên, nó là khởi đầu cho sự phân hóa của các đội bóng lớn, giữa một bên là những đội đắm chìm trong thành công quá khứ, và một bên - đang thắng thế - cố gắng cải thiện để vươn tới đỉnh cao.
Barca, Real và cả Juventus là đại diện tiêu biểu của các thế lực vinh quang cũ, bây giờ đang mắc kẹt với những ngôi sao già nua. Những đội bóng này cần một cuộc tái thiết mạnh mẽ và mất một vài năm trước khi nghĩ đến chuyện quay trở lại nơi mà họ vốn thuộc về.
Còn Bayern và PSG, nhiều năm qua không ngừng vận động, làm mới bản thân để trở thành đội bóng tốt nhất thế giới.
Đây là lần thứ 11 Bayern vào chung kết C1/Champions League, nhiều chỉ sau Real (16 lần). Thế nhưng họ chỉ giành chiến thắng 5/10 lần trước, với 3 là vào thập niên 1970. Những người đứng đầu xứ Bavaria mong muốn nhiều hơn thế.
Mọi thứ diễn ra không như họ kỳ vọng. Kể từ sau chức vô địch vào năm 2012, họ 4 lần dừng bước ở bán kết, 1 ở tứ kết và 1 ngay vòng 1/8. Nhưng những thất bại liên tiếp và có xu hướng tệ hơn sau mỗi mùa không làm nhà vô địch Đức nản chí.
Một mặt, Bayern tiếp tục đặt niềm tin vào các cựu binh như Thomas Mueller, Manuel Neuer và Robert Lewandowski, khuyến khích họ tái khám phá bản thân để tốt hơn nữa. Mặt khác, tạo nên dàn cầu thủ mới gồm Joshua Kimmich, Leon Goretzka và Serge Gnabry.
Bên cạnh việc phát triển thế hệ trẻ như Alphonso Davies, họ cũng sẵn sàng chịu chi để mang về Lucas Hernandez, Benjamin Pavard. Thay vì trục lợi từ các đối thủ ở Bundesliga, Hùm xám mở rộng mạng lưới tìm kiếm tài năng ra toàn thế giới.
Một chi tiết quan trọng nhất, mang tính quyết định mùa này, đó là sự dũng cảm của Bayern khi sa thải Niko Kovac để sớm chấm dứt sự hỗn loạn, sau đó đặt niềm tin vào chiến lược gia vô danh, nhưng tài năng và lôi cuốn, Hansi Flick.
PSG là một trường hợp khác. Đội bóng thủ đô Paris theo mô hình làm bóng đá kiểu mới dựa trên tham vọng và tiền bạc. Kể từ khi được tiếp quản bởi các ông chủ Qatar vào năm 2011, cho đến nay họ đã ném vào thị trường chuyển nhượng hơn 900 triệu euro.
Khát khao vô địch Champions League của PSG lớn đến mức, bất chấp từng nhận án phạt vì vi phạm quy tắc công bằng tài chính năm 2014, họ vẫn biến Neymar thành cầu thủ đắt nhất thế giới với 222 triệu euro, Kylian Mbappe là cầu thủ đắt thứ hai, với 180 triệu.
Khi những điều đó vẫn chưa đủ, PSG vẫn bị đánh bật khỏi châu Âu thường xuyên, họ bổ sung thêm yếu tố kinh nghiệm bằng việc mang về Gianluigi Buffon vào mùa trước. Vẫn thất bại, Keylor Navas, một nhà vô địch thực thụ với 3 lần lên ngôi cùng Real được đưa về Parc des Princes.
Trong nỗ lực gia tăng sự gắn bó và xây dựng tinh thần tập thể, họ đẩy đi Dani Alves, kẻ làm hư Neymar, sau đó ký hợp đồng với Ander Herrera và siết chặt kỷ luật. Trong sự ngạc nhiên của tất cả, siêu sao bất trị Neymar đã chấp nhận cúi đầu, dẹp bỏ cái tôi và chơi vì đội bóng. Vào những ngày này, cậu bé hư ở Paris quyết tâm hơn bất kỳ ai khác.
Qua những năm dài thất bại, PSG, cũng như Bayern, vẫn kiên định con đường của họ. Cả hai cố gắng từng chút một, sửa chữa các thiếu sót và tạo ra sự cải thiện ở mọi khía cạnh. Thường thì trong cuộc sống, mỗi thay đổi nhỏ sẽ không mang nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, nếu gộp tất cả lại với nhau theo lý thuyết lợi ích cận biên, kết quả sẽ tạo nên một sự chuyển mình vĩ đại.
Như đã thấy, họ đã quật ngã, đẩy những kẻ thống trị sân chơi châu Âu vào quá khứ và xuất hiện tại Lisbon. Bất kể Bayern hay PSG giành chiến thắng, đây chắc chắn là một đêm rực rỡ, mang tinh thần của Hanot khi tạo ra giải đấu hấp dẫn và danh giá nhất châu Âu.
Đêm của những nhà vô địch.
Bạn nên quan tâm