Chuyện giới Esports: Thành tích đem lại sự nổi tiếng, nội dung duy trì thành công

Andy Mate , 17:35 31/07/2022 | Esport

Chia sẻ

Giành được những chức vô địch và tạo ra nội dung hấp dẫn, thu hút để giữ chân fan có đóng góp như nhau cho một tổ chức Esports thành công.

Ngày nay, nhiều đội tuyển nhận ra rằng danh hiệu chưa đủ để gia tăng và duy trì tệp fan (độc giả). Vì thế, các tổ chức bắt đầu chia một phần đầu tư sang streamer và các nhà sáng tạo nội dung.

Những tổ chức khởi nguồn cho xu hướng mới có thể kể đến FaZe Clan, 100 Thieves, G2 và TSM.FTX. Ngoài vung tiền nuôi các đội tuyển thi đấu LMHT, CS:GO, Rocket League,... 4 tổ chức này còn sở hữu một “bộ sưu tập” các streamer nổi tiếng trên nền tảng Twitch. Phần đông streamers này là những tuyển thủ từng chơi chuyên nghiệp, đã sở hữu lượng fan nhất định.

Chuyện giới Esports: Thành tích đem lại sự nổi tiếng, nội dung duy trì thành công - Ảnh 1.

Các tổ chức đang mở rộng kênh stream để tìm kiếm thêm nhiều fan hơn

Như trường hợp của cựu tuyển thủ Stewie2k, người mới chia tay sự nghiệp thi đấu CS:GO đã nhận ngay bản hợp đồng làm streamer cho Evil Geniuses.

Tất nhiên cũng có nhiều trường hợp những nhà sáng tạo nội dung thuần tuý được đội tuyển để ý đến và chiêu mộ, như rapper Snoop Dog với FaZe Clan. Mọi giới hạn đang được xoá nhoà, miễn là đem lại lượng quan tâm lớn cho cả streamer lẫn tổ chức chủ quản. Ký hợp đồng với những ngôi sao lớn sẽ đem lại doanh thu gần như ngay lập tức. Nhận diện thương hiệu tăng sẽ thu hút được thêm các nhà tài trợ, chưa kể đến việc tổ chức có thể bán ngay một lượng lớn hàng hoá liên quan trực tiếp đến nhà sáng tạo nội dung của họ.

Không thể “định giá” những tuyển thủ thích stream

Tuyển thủ chuyên nghiệp và streamer đều quan trọng đối với một tổ chức Esports. Vậy nên viễn cảnh trong mơ của họ là sở hữu những tuyển thủ vừa có thể thi đấu hàng tuần, vừa dành thời gian stream để tương tác với fan. Điều này được ông Jamie Wotton, Giám đốc Esports của tổ chức AFK Creators ví với “một mũi tên trúng hai đích”.

“Những tuyển thủ chuyên nghiệp có khả năng stream thực sự là mỏ vàng với các tổ chức Esports vào thời điểm hiện tại”, ông Wotton chia sẻ. “Họ có giá trị thương mại cao hơn các nhà sáng tạo nội dung bình thường nên hầu như chiến dịch tiếp thị truyền thống hay buôn bán trực tiếp nào cũng đem lại hiệu quả”.

Chuyện giới Esports: Thành tích đem lại sự nổi tiếng, nội dung duy trì thành công - Ảnh 2.

Những tuyển thủ vừa chơi hay, vừa nổi tiếng, vừa chăm stream như Faker thực sự là một mỏ vàng không đáy

Giới sáng tạo nội dung thuần tuý không làm được điều ấy dù họ có khả năng mở rộng tầm với của tổ chức Esports đến nhiều tệp độc giả khác nhau. Giải thích một cách dễ hiểu hơn là KoL đem lại nhiều fan hơn, nhưng fan cứng (khách hàng thực sự tiềm năng) thì chỉ có tuyển thủ mới tạo ra được.

Tất nhiên không phải tuyển thủ nào cũng muốn livestream, dù mỗi lần lên sóng của họ thu hút được rất nhiều người xem. Bộ đôi Arteezy và Miracle- của bộ môn Dota 2 là một ví dụ điển hình. Cả 2 mỗi khi stream đều có hàng chục nghìn người “xếp hàng” đợi sẵn nhưng số lần khán giả được chứng kiến họ chơi trực tiếp trong 3 năm trở lại đây chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là chưa kể đến các trường hợp tuyển thủ gài thêm điều khoản “không stream” vào hợp đồng mỗi khi đàm phán với tổ chức chủ quản. Họ có thể lấy lý do ảnh hưởng đến thời gian luyện tập nhưng đơn giản chỉ là họ… không thích.

Thế mới thấy việc định giá các tuyển thủ vừa có tiếng, vừa thích stream tương tác với fan là điều không thể.

Sự lạc quan sau thời kỳ khó khăn

Dịch Covid-19 khiến sự quan tâm của nhãn hàng chuyển dịch nhiều từ thể thao truyền thống sang Esports, điều này có lợi cho cả những streamer thuần và tuyển thủ chuyên nghiệp. Một vài điểm trừ trong quãng thời gian qua, như những giải đấu bị hủy hoặc đổi hình thức từ offline sang online, nay cũng đã được khắc phục khi mọi thứ trở lại bình thường mới.

Chính vì thế, sự quan tâm sau dịch được dự kiến còn lớn hơn 2019 (thời điểm Esports đạt đỉnh). Dòng tiền sẽ tiếp tục đổ vào bộ môn thể thao mới mẻ này ngày một nhiều.

Chuyện giới Esports: Thành tích đem lại sự nổi tiếng, nội dung duy trì thành công - Ảnh 3.

Tương lai của thể thao vẫn là Esports

Không chỉ vậy, chúng ta cũng chẳng thể đoán trước được các đội tuyển, tổ chức Esports sẽ tạo ra được những gì để “đón” sự quan tâm ấy. Ở ngành công nghiệp trẻ và đòi hỏi tính sáng tạo cao như giới Esports, mọi thứ luân chuyển, thay đổi và nâng cấp rất nhanh. Dự đoán khả thi nhất từ giờ cho đến hết năm 2022 sẽ là các tổ chức sẽ đầu tư mảng stream và sáng tạo nội dung thay vì chỉ tập trung vào thành tích thi đấu chuyên nghiệp như trước.

Điều này trên thực tế tốt cho tất cả. Những tuyển thủ bị coi là “hết thời” sẽ có nhiều cơ hội nghề nghiệp và các tổ chức, đội tuyển Esports sẽ xây dựng được những tệp fan lớn và bền vững.

https://sport5.vn/chuyen-gioi-esports-thanh-tich-dem-lai-su-noi-tieng-noi-dung-duy-tri-thanh-cong-20220731155609505.htm