Vào những ngày này, Jadon Sancho là tài năng tuổi teen sáng giá nhất nước Anh. Nhưng phải khá lâu nữa người ta mới biết chính xác anh ta có thể trở thành siêu sao tầm cỡ hay không.
Michael Owen thì khác. Ở độ tuổi tương tự Sancho, 19 tuổi 5 tháng, tiền đạo người Merseyside đã ghi 47 bàn cho Liverpool và 4 bàn cho tuyển Anh chỉ sau 13 lần khoác áo, bao gồm tuyệt tác mang tính biểu tượng vào lưới Argentina ở World Cup 1998. Và chỉ 2 năm sau, anh đoạt Quả bóng Vàng, điều mà không một cầu thủ Anh nào làm được suốt 40 năm qua.
Trong bóng đá bàn thắng là mục tiêu tối thượng. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể làm được điều này. Riêng với Owen lại quá dễ dàng. Ghi bàn giống như một thói quen, nhất là khi anh ta trẻ. 164 trong số 222 bàn thắng ở cấp độ CLB, và 28 trong số 40 bàn cho tuyển Anh được ghi khi Owen chưa bước sang tuổi 25. Một thành tích đáng kinh ngạc.
Theo lẽ thường, Owen phải có một sự nghiệp lừng lẫy cho đến khi giải nghệ, và an toàn với một vị trí trang trọng trong lịch sử đội bóng nào đó. Thế nhưng không. Tiền đạo người Anh rơi vào thoái trào sau tuổi 25. Tệ hơn nữa, tất cả những đội bóng mà Owen khoác áo, từ Liverpool, Real Madrid, Newcastle đến MU và Stoke đều không quá tự hào với cái tên này. Dĩ nhiên, huyền thoại lại càng không.
Khá dễ hiểu tại sao Real, Newcastle, MU và Stoke không coi trọng Owen, bởi số lần anh ra sân quá ít, ảnh hưởng cũng không nhiều, thậm chí mang đến cho họ nhiều phiền toái bởi các chấn thương dai dẳng cùng mức lương cao. Nhưng làm thế nào Liverpool cũng quay lưng?
Đó là câu chuyện dài, bắt nguồn vào một ngày hè 2004. Khi Owen đang ở Mỹ để tận hưởng kỳ nghỉ, điện thoại của anh reo và người đại diện nói rằng Real muốn ký hợp đồng.
"Real sao? Tôi không biết nên cười hay nên khóc. Tôi yêu Liverpool và không bao giờ muốn rời đội bóng này. Khi biết tin, Jamie Carragher đã nói với tôi: Nghĩ mà xem, cậu sẽ không thể cạnh tranh nổi ở đó, bởi còn Ronaldo và Raul. Câu trả lời của tôi rất đơn giản: Nhưng bạn ơi, là Real đó. Lịch sử, sân vận động, màu áo, huy hiệu, mọi thứ liên quan đến Real đều toát lên sự đẳng cấp. Nếu bỏ qua cơ hội này, tôi sẽ phải hối tiếc đến hết đời".
"Đừng nói là tôi, ai chả muốn khoác áo Real. Chẳng thế mà khi tôi trở lại Anh, mọi cầu thủ ở Newcastle, MU hay Stoke đều hỏi tôi về quãng thời gian đó, về cảm giác chơi cho Real, bên cạnh Zidane, Figo, Raul, Beckham, Roberto Carlos", Owen kể lại.
Và thế là Owen dứt áo ra đi, trong bối cảnh Liverpool không thể làm gì bởi nếu không đồng ý, tiền đạo này sẽ trở thành cầu thủ tự do vào hè năm sau. Họ cay đắng nhận lại 8 triệu bảng cùng Antonio Nunez. Còn Owen, nghĩ về cuộc sống tuyệt vời ở Madrid, với một ngôi nhà xinh xắn, hồ bơi, ánh nắng ngập tràn và khi trở về sau khi tập luyện, sẽ nô đùa với cô con gái 2 tuổi trong vườn.
Nhưng đời không như là mơ. Việc tìm nhà ở Madrid không dễ dàng. Gia đình Owen ở tạm trong khách sạn. Từ 1 tháng như dự kiến, họ đã ở đó cả năm, cho đến khi anh hồi hương.
"Các nhà hàng ở Tây Ban Nha đóng cửa rất sớm, và con nhóc nhà tôi cũng cần đi ngủ sớm, khoảng 7h tối. Vậy là hai vợ chồng chẳng có gì để làm ngoài việc bật TV, dò kênh tiếng Anh và ngồi xem đến khi ngủ thiếp đi trên đi-văng".
"Một vài lần tôi có đi chơi golf với Ronaldo và thủ môn dự bị Cesar Sanchez. Khi trở về tôi luôn cảm thấy rất có lỗi vì biết vợ và con gái phải ở trong khách sạn cả ngày mà không có gì để làm. Mỗi lần lên xe sau buổi tập, kiểu gì vợ tôi cũng gọi, hỏi: Bao lâu nữa anh về đến nhà? Sắp là bao lâu?, trong khi cô con gái sẽ ngồi trên bậc thang và chờ bố".
"Những lần cả nhà đi đâu đó thường gắn với trận sân khách của Real. Vì các trận đấu ở Tây Ban Nha bắt đầu rất muộn, có khi vào lúc 11 giờ đêm, nên tôi sẽ về rất muộn, 1 hay 2 giờ sáng sau khi tắm xong và lăn ra ngủ. Tôi chỉ trò chuyện với vợ con khoảng 10 phút, sau đó tất cả lại ra sân bay".
Mắc kẹt với gia đình, Owen không thể hòa nhập với các đồng đội ở Bernabeu. Ngay cả người đồng hương David Beckham, anh cũng có một sự xa cách. Beckham sống trong một thế giới khác dành cho giới thượng lưu, còn Owen, cố gắng tìm ra chút thời gian cho vợ con bớt buồn chán.
Cuối cùng thì những ngày tháng u uất cũng kết thúc. Owen quyết định quay về Anh, và lựa chọn số một là Liverpool. Liverpool cũng thích ý tưởng tái hợp này. Nhưng họ không muốn chi ít hơn con số 12 triệu bảng mà Real yêu cầu. Đúng lúc ấy thì Newcastle nhảy vào, đưa ra đề nghị gây choáng váng: 18 triệu. Phía Real không thể tin họ may mắn đến vậy.
Giám đốc điều hành của Liverpool, Rick Parry, ngay khi biết sự việc đã gọi cho Owen, hy vọng anh gây sức ép lên Real. Nhưng Owen đã không làm. Anh gật đầu với Newcastle, để rồi xuất hiện trong lễ ra mắt tại St James’ Park trên một chiếc trực thăng.
Sau này nhìn lại, Owen thừa nhận đây là sai lầm lớn nhất cuộc đời. Tiền đạo người Merseyside dính chấn thương và khi hồi phục, Ban lãnh đạo Newcastle ngăn cản anh ra sân để lấy tiền bảo hiểm. Với tâm lý u uất, ít thi đấu, rồi lại các chấn thương khác, Owen không bao giờ tìm lại phong độ đỉnh cao. Và Newcastle xuống hạng, anh lại đi tìm bến đỗ mới, là MU.
Người hâm mộ Liverpool tuyệt đối không tha thứ cho Owen vì quyết định gia nhập đại kình địch của họ. Chút tình cảm ít ỏi cuối cùng cũng tan vỡ nốt khi tiền đạo này đưa ra các bình luận tiêu cực về đội bóng cũ khi khoác áo MU. Một cuộc chiến chống lại Owen được phát động, và những ký ức về anh ta bị tẩy xóa khỏi tâm trí các Liverpudlian.
Mặc dù Owen không thể đạt đến đẳng cấp mà anh có thể và được kỳ vọng sẽ đạt tới, nhưng với những gì đã làm trước tuổi 25 cũng đủ để lịch sử bóng đá vinh danh. Chỉ có điều sau khi nghỉ hưu, cụm từ huyền thoại không được áp dụng với Owen, bởi anh không gắn mình với đội bóng nào. Như các Kopite nói, đó chỉ đơn thuần là một gã đánh thuê, không tình yêu và vô thừa nhận.
Bạn nên quan tâm