Choáng váng. Đó là phản ứng của tất cả khi Rosie Ruiz trở thành người chiến thắng ở Boston Marathon 1980. Cô đã hoàn thành đường chạy dài 42km trong thời gian kỷ lục 2 giờ 31 phút 56 giây, nhanh nhất lịch sử cuộc đua và nhanh thứ 3 trong lịch sử các cuộc đua marathon.
Ngạc nhiên hơn, Ruiz chỉ là một nhân viên kế toán ở New York và chỉ tập luyện trong vòng 18 tháng bằng cách chạy quanh công viên trung tâm. Vậy mà cô đã đánh bại hàng loạt VĐV chuyên nghiệp và giành chiến thắng một cách dễ dàng. Áo Ruiz không ướt sũng mồ hôi và tóc không những khô, mà còn nguyên nếp. Nếu quan sát kỹ, bắp chân của cô không săn chắc và nhịp tim đo được là 76, trong khi những VĐV khác trung bình là 50.
Khi được hỏi tại sao lại lập kỷ lục mà không có vẻ gì mệt mỏi, Ruiz nói với tấm huy chương trước ngực cùng vòng nguyệt quế gắn trên đầu: "Đơn giản là tôi thức dậy vào buổi sáng với năng lượng tràn đầy".
Nhưng thật kỳ lạ, Ruiz cũng không thể mô tả lại những gì diễn ra trên hành trình dài 42km, ví dụ như màn cổ vũ đầy náo nhiệt của các sinh viên trường ĐH Wellesley mỗi khi các VĐV chạy qua. Và cô cũng quên mất đã vượt qua đối thủ nào, ở đâu?
Mối nghi ngờ càng lớn khi trong cuộc trò chuyện, nữ nhân viên kế toán này còn không hiểu các thuật ngữ cơ bản trong môn chạy, như chạy biến tốc. Đồng thời, cho biết đã tự tập luyện một mình mà không cần sự hướng dẫn của bất kỳ ai. Cuộc thi duy nhất cô từng tham dự trước khi đến Boston là New York marathon, và cũng cán đích với thời gian ấn tượng 2 giờ 56 phút.
Vài ngày sau, Susan Morrow, một nhiếp ảnh gia tự do đã tố cáo với tờ New York Times rằng Ruiz đã gian lận trong cuộc đua ở New York. Khi cuộc đua đang diễn ra, Morrow đã gặp Ruiz trên tàu điện ngầm với trang phục VĐV. Ruiz nói, cô tham gia nhưng bỏ cuộc vì đau mắt cá. Và bây giờ chỉ muốn tới đích để xem ai là người chiến thắng.
Dường như chiến thuật tương tự cũng được Ruiz áp dụng để cán đích ở Boston Marathon. Cô ta biến mất ngay sau khi rời vạch xuất phát, leo lên tàu điện rồi hiện ra ở chặng cuối cùng. Đó là lý do không VĐV nào nhớ là đã từng nhìn thấy Ruiz.
VĐV Jacqueline Gareau, sau này được công bố là người chiến thắng, cho biết, cô vươn lên dẫn đầu ở mốc 30km và bỏ xa người bám đuổi Patti Lyons. Vậy mà ngạc nhiên thay, Ruiz bỗng từ đâu xuất hiện gần vạch đích và Gareau té ra lại về đích thứ 2.
Sau khi sàng lọc 10.000 bức ảnh suốt đường đua, người ta không thể tìm thấy Ruiz. Hai sinh viên của ĐH Havard cũng tiết lộ, nhìn thấy cô ta lao từ đám đông khán giả và gia nhập cuộc đua ở Đại lộ Commonwealth, nơi cách vạch đích khoảng 1 cây số.
Vậy là đã rõ. 8 ngày sau lễ đăng quang, Ruiz bị tước huy chương. Mặc dù vậy, thời điểm đó cũng như đến tận lúc lìa đời ở tuổi 66 (năm 2019), cô vẫn không thừa nhận công khai đã gian lận. Cô ta chỉ nói riêng với Steve Marek, một người bạn thân, rằng "khi tái gia nhập cuộc đua ở chặng cuối, hoàn toàn không hay biết lại dẫn đầu đoàn", và bản thân Ruiz cũng "sốc" khi trở thành nhà vô địch.
Dù sao thì Boston Marathon cũng chỉ là một cuộc chơi thể thao, vì vậy Ruiz không bị trừng phạt vì trò gian trá của mình. Nhưng trong cuộc sống thì không may mắn như vậy. 2 năm sau, 1982, cô bị buộc tội biển thủ 60.000 USD của công ty và phải ngồi tù 1 tuần cùng 5 năm quản chế. Năm 1983, Ruiz lại bị bắt một lần nữa vì tội bán ma túy và vào tù 3 tuần.
Bạn nên quan tâm