Kể từ thời điểm thập niên 90 cho tới những ngày đầu thế kỉ 21, "thế hệ vàng" của Việt Nam với những hào thủ như Hồng Sơn, Huỳnh Đức… đã thành công trong việc đưa bóng đá nước nhà từ phận tân binh "chân ướt chân ráo", trở thành thế lực mới của khu vực.
Thừa thắng xông lên, mục tiêu lúc này được đặt ra là vượt mặt "ông kẹ" Thái Lan để lên đỉnh Đông Nam Á. Tham vọng mới sẽ cần những động lực mới, và sự sắp đặt tình cờ của thời gian đã ban tặng cho chúng ta 1 món quà: cậu bé ấy là Phạm Văn Quyến.
Với niềm đam mê bất tận với trái bóng tròn, chàng trai nghèo vùng quê Hưng Nguyên đã nhanh chóng khẳng định được tài năng của mình ở các cấp độ giải trẻ tỉnh Nghệ An. Chiếc vé lên tuyển U16 Việt Nam đến với Quyến như 1 điều tất yếu.
Ở giải đấu được tổ chức ở Đà Nẵng, bằng màn trình diễn chói sáng giúp đội chủ nhà giành hạng tư U16 Châu Á năm 2000, Quyến đã vươn lên để khẳng định mình là một trong những tài năng lớn nhất của BĐVN thời điểm đó.
Văn Quyến đã cùng ĐTVN chiến thắng Hàn Quốc năm 2004. Ảnh: MOHAMMED MAHJOUB/Getty Images
3 năm sau…
Một pha đỡ bóng cực ngọt khi đang di chuyển với tốc độ cao, Quyến chích nhẹ mũi giày vào khung thành của thủ môn Lee Won-jae. Việt Nam hạ gục Hàn Quốc – lúc đó vẫn đang là đệ tứ anh hào của bóng đá thế giới sau kì World Cup 2002, với tỉ số tối thiểu tại vòng loại Asian Cup 2004.
Cho đến giờ, đó vẫn là một trong những chiến tích "lừng lẫy" nhất của bóng đá Việt Nam. Cần nhớ, ngay cả đội U23 của HLV Park Hang-seo cũng chưa 1 lần giành chiến thắng mỗi khi đụng độ đội bóng xứ sở Kim chi.
Giải đấu mang Quyến đến gần với người hâm mộ (NHM) hơn cả là SEA Games 22 được tổ chức tại Hà Nội. Những pha xử lý bóng đậm chất kĩ thuật cùng khả năng dứt điểm siêu hạng, trong đó đáng nhớ nhất là pha vô lê đập đất tung lưới đại kình địch Thái Lan ở những phút cuối hiệp 2 trận chung kết… đã làm tất cả cổ động viên (CĐV) vỡ òa trong niềm sung sướng.
Sau tấm thẻ đỏ của Quốc Vượng, U23 Việt Nam khi ấy với chỉ 10 người trên sân đã chịu thua Thái Lan tức tưởi vì luật bàn thắng vàng. Nhưng dù tập thể thua, riêng bản thân Quyến đã "chiến thắng" trong giải đấu này.
Văn Quyến có kì SEA Games thành công trên sân nhà. Ảnh: HOANG DINH NAM/Getty Images
Đó là cái thời mà những đứa trẻ tiểu học vẫn chưa có Facebook để lập các hội hâm mộ cầu thủ như bây giờ. Chúng thể hiện tình yêu với Văn Quyến bằng cách tranh nhau những quyển lịch được phát hành có in hình thần tượng của mình.
Năm 2005. Quyến với tư cách là niềm hi vọng lớn nhất của Việt Nam đã cùng các đồng đội hành quân sang Philippines để chinh phục tấm huy chương vàng (HCV) SEA Games 23. Kết quả trước người Thái ở trận chung kết năm đó không thay đổi, nhưng lần này, thứ thay đổi lại là số phận của Văn Quyến.
Anh đã có "đường bóng" sai lầm nhất cả cuộc đời.
Trên các bản tin thời sự ngày hôm ấy, cái tin Quyến cùng những cầu thủ khác tham gia đường dây bán độ làm tan nát biết bao trái tim của người hâm mộ bóng đá nước nhà - vốn đã vô cùng đau đớn sau thất bại tại trận chung kết SEA Games 23.
Đứng trước vành móng ngựa, lứa cầu thủ tài năng không còn được mặc chiếc áo đỏ có hình quốc kì ở ngực trái, thay vào đó là 1 bộ sơ mi chỉn chu với 2 màu đơn điệu đen và trắng. Không một lời bào chữa, Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh,… đều lặng lẽ thừa nhận hành vi phạm pháp của mình.
Nhiều người xót xa cho Quyến. Họ không hiểu vì lý do gì đã khiến anh chấp nhận bán rẻ danh dự Tổ quốc chỉ để nhận về số tiền không quá lớn.
Văn Quyến cùng nhiều cầu thủ tham gia đường dây cá độ tại SEA Games 23. Ảnh: HOANG DINH NAM/Getty Images
"Bán độ thua mới thành vấn đề, chứ nếu vẫn đá thắng thì tôi nghĩ có sao đâu?" – một lời trần tình đầy ngây thơ của chàng trai 23 tuổi. Đó là hệ quả của một tuổi thơ đầy cơ cực, sống trong nghèo khó và không được tiếp cận một nền giáo dục đầy đủ.
Thực ra đó không phải lần đầu Văn Quyến làm người khác phải bực mình. Trước đây, "thằng béo" đã từng có thái độ tập luyện thiếu chuyên nghiệp, là "cái gai" trong mắt của rất nhiều HLV ngoại mỗi khi họ triệu tập anh lên đội tuyển.
Quyến thường xuyên trốn những bài tập chiến thuật hay thể lực, dù lúc đó cả đội đang căng mình tập luyện. Thái độ chểnh mảng và có phần "kênh kiệu" của "ông sao" mỗi khi bị các thầy nhắc nhở, khiến cho anh phần nào tự kìm hãm năng lực của mình lại.
Vụ bán độ năm 2005, suy cho cùng cũng đã phần nào được dự báo từ trước. Người ta có thể bất ngờ về hành vi, chứ không bất ngờ với tư duy thiếu trưởng thành của Quyến.
Nhận bản án tù treo, Quyến tạm rời xa sân cỏ, đem theo luôn cả niềm yêu thương nơi NHM đã trót trao cho anh.
Thế hệ bóng đá Việt Nam sau này của Văn Hậu, Quang Hải đã làm được điều mà các đàn anh đi trước còn dang dở: chinh phục chiếc HCV SEA Games đầu tiên trong lịch sử.
Trớ trêu thay, nơi mà những cầu thủ trẻ ấy nâng cúp và cất vang bài ca chiến thắng, lại chính là nơi mà 14 năm về trước người "thần đồng" năm xưa ngã xuống. Philippines giờ đây là 1 địa điểm đặc biệt: NHM vui vì đó là nơi mà Việt Nam lên đỉnh Đông Nam Á, nhưng cũng buồn khi đó là dấu chấm hết cho 1 cầu thủ mà họ từng hết mực yêu mến.
U22 Việt Nam vô địch SEA Games 30 tại Philippines. Ảnh: Sport55.net
Dù vậy, những thành công của bóng đá Việt Nam thời điểm sau này cũng chẳng thể làm mờ đi dấu ấn của anh trong NHM. Văn Quyến có thể chưa bao giờ đạt được những gì mà người hâm mộ đặt kì vọng lên vai anh, nhưng anh đã để lại rất nhiều điều cho BĐVN.
Trước Quyến, chúng ta chỉ dám mơ vượt qua người Thái. Sau Quyến, chúng ta bắt đầu tin Việt Nam có thể làm được những điều kì diệu lớn lao hơn thế.
Trước Quyến, chúng ta chỉ tập trung đào tạo chuyên môn cho cầu thủ. Sau Quyến, những người làm bóng đá dần hiểu ra tầm quan trọng của việc giáo dục trẻ. Và rồi chúng ta có những Công Phượng, Xuân Trường, Quang Hải,… với sự toàn vẹn ở cả tài năng lẫn đạo đức.
Văn Quyến không phải là cầu thủ vĩ đại nhất, nhưng vẫn là 1 điều gì đó rất đặc biệt: Chính "thằng béo" đã khiến huyền thoại Lê Công Vinh luôn phải sống trong sự so sánh, bất chấp những thành tích vĩ đại mà anh đạt được. Thậm chí có người tin nếu Quyến được hưởng nên giáo dục như bây giờ, thì những Quang Hải hay Công Phượng sẽ chẳng thể bì nổi với anh.
Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở chữ "nếu".
Ngày hôm nay, "cậu bé vàng" của chúng ta đã bước sang tuổi 36. Sau khoảng thời gian ngắn quay trở lại V.League nhưng không thành công, Quyến giải nghệ, dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, đồng thời chuyển sang công tác gõ đầu trẻ ở trên chính quê hương của mình.
Quyến nợ bóng đá, nợ NHM nhiều thứ. Và bây giờ, công việc đào tạo tài năng trẻ của anh có thể coi như cách mà anh "trả nợ" lại cho niềm tin yêu mà cả dân tộc đã trao cho mình trước kia.
Văn Quyến giúp U15 SLNA vô địch U15 Quốc gia. Ảnh: FBNV
"Cậu bé vàng" đã có những quả ngọt đầu tiên trên vai trò mới của mình khi cùng đội Nghệ An vô địch giải U15 Quốc gia. Như một định mệnh: anh khi xưa nổi lên ở giải U16, và giờ anh giúp các chàng trai chạc độ tuổi đó có những thành tích đầu tiên trong sự nghiệp.
Không còn là nụ cười đầy mãnh liệt như khi chọc thủng lưới Thái Lan năm xưa, thầy Quyến giờ nở nụ cười từ tốn hơn. Đó là nụ cười của sự trưởng thành, của sự chín chắn hơn trong cuộc sống.
"Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao"
Quyến bây giờ chấp nhận làm "người dại", bởi phát hiện, bổi dưỡng, đào tạo tuyển trẻ mới là trọng trách của anh bây giờ. Những đắng cay mà "thằng béo" trải qua đã giúp anh thấu hiểu giá trị của niềm tin trong cuộc sống.
Đó cũng là những bài học vỡ lòng mà anh truyền lại cho những người học trò của mình ở đội trẻ SLNA. Người thầy ấy hi vọng rằng chúng sẽ không đi vào vết xe đổ của mình ngày xưa, rằng từ nay sẽ chỉ có thêm những "thần đồng" mà không đi kèm với 2 chữ "sa ngã".
"Cậu bé vàng" đón tuổi 36 của mình như thế.
Bạn nên quan tâm