Khoảnh khắc thiêng liêng nhất là khi Quốc ca cất lên, hướng ánh mắt về phía lá cờ lớn, tất cả tuyển thủ Việt Nam đều đặt tay lên ngực trái, nơi có lá cờ Việt Nam đặt ở vị trí trái tim mỗi người.
Người viết ở tầng 9, còn các cầu thủ Olympic Việt Nam "đóng quân" tại tầng 5. Hàng ngày, tôi mong chờ nhất khoảnh khắc được đi cùng thang máy với các cầu thủ. Đó là bởi, mỗi khi cánh cửa thang máy mở ra ở tầng 5, là hình ảnh lá cờ Việt Nam hiện lên ngay giữa hành lang "đại bản doanh" của Olympic Việt Nam.
Tôi nhớ có lần, Duy Mạnh mang chiếc chân còn bọc đá hớn hở đi ngang qua. Cánh cửa đóng lại. Lá cờ nhỏ bé đứng đó như một lẽ dĩ nhiên, đứng đó chứng kiến những vui buồn của tuyển Olympic Việt Nam những ngày ở Indonesia thi đấu.
Lá cờ Việt Nam dán ở trung tâm tầng 5 khách sạn Harper, nơi dành riêng cho đội tuyển Olympic Việt Nam những ngày thi đấu tại Indonesia.
Ngày nào các cầu thủ cũng cũng đi qua đây. Ngủ dậy, lúc đi ăn cơm, đi tập, khi trở về, thậm chí là lúc tụ tập chơi game, Văn Hậu, Xuân Mạnh, Đức Chinh, Đình Trọng cũng tập trung lại ở sảnh, dưới lá cờ ấy. Mỗi ngày họ đều sống trong khoảng không gian có dán lá cờ đỏ sao vàng lặng lẽ.
Việc sắp xếp các cầu thủ ở cùng tầng với nhau là một dụng ý. Ban Huấn luyện xếp các cầu thủ khác CLB ở cùng phòng với nhau để không chơi theo nhóm, theo đội cũng là một nghệ thuật trị quân. Những ngày thi đấu giải Tứ hùng ở Việt Nam, HLV đề nghị các phòng không đóng cửa mà mở rộng với nhau. Mọi người sinh hoạt cùng không gian chung, thân thiết và gắn kết. Và lá cờ cũng không nằm ngoài không gian gắn bó ấy. Đó không chỉ là nhận diện. Đó là biểu tượng của tình yêu.
Ở Việt Nam, việc nhìn thấy cờ đỏ sao vàng phấp phới đã trở nên quá bình thường. Lá cờ hiện diện trong mọi khoảnh khắc cuộc sống, thân quen như hơi thở, quen thuộc như nước uống mỗi ngày, cơm ăn từng bữa. Phải khi đi đến một đất nước khác, hình ảnh cờ đỏ sao vàng treo trên nóc những sân vận động, những khán đài hay đơn giản là góc phòng ăn của đội tuyển mới gợi lên tinh thần dân tộc sâu sắc.
Việc nhìn thấy cờ Tổ quốc quen thuộc như cơm ăn mỗi ngày, nước uống mỗi lúc.
Các tuyển thủ đến Indonesia mang theo lọ ruốc của mẹ, hộp lạc vừng của người thân, nhận bánh chưng, bánh trung thu, giò chả từ quê nhà mang sang. Họ đi xa quê hương, để thi đấu phụng sự Tổ quốc. Đi xa để ghi dấu ấn của Việt Nam ở châu lục này. Bởi vậy, hơn ai hết, khoảnh khắc ánh mắt chợt chạm đến lá cờ Tổ quốc gợi lên những rung cảm sâu sắc lạ kì. Nhất là trước những trận đấu, đi ngang qua lá cờ, cái nhiệt huyết trong người bỗng nhiên sục sôi hơn, quyết tâm hơn.
Tôi hỏi Đỗ Hùng Dũng cảm giác khi chào cờ trên SVĐ Wibawa Mukti thế nào, anh cười bảo để suy nghĩ. Lần thứ hai gặp lại, anh nói, có gì đâu, cũng bình thường ấy mà. Chào cờ thì lúc nào cũng thế, đều thiêng liêng vậy thôi. Cầu thủ có lẽ là một trong những nghề mà người ta chào cờ và hát Quốc ca nhiều nhất.
Tôi hỏi Trịnh Văn Lợi, mỗi ngày nhìn thấy lá cờ thì cảm xúc ra sao, cậu gãi đầu cười xòa, chẳng suy nghĩ gì nhiều cả. Cầu thủ hay bất kì người Việt Nam nào, từ nhỏ đến giờ, vẫn luôn thấy cờ Tổ quốc hiện diện trong tầm mắt.
Video: CĐV vượt đường xa, mang "quà quê" đến tận tay các cầu thủ Olympic Việt Nam
Các cầu thủ hôm nay sẽ ra sân, vẫn đi qua lá cờ nhỏ ở hành lang khách sạn và gặp gỡ lá cờ lớn trên SVĐ Wibawa Mukti trong trận đấu cuối cùng vòng bảng ASIAD 18 gặp đối thủ khó chịu là Nhật Bản. Thầy trò HLV Park Hang-seo coi mỗi trận đấu là một trận chung kết. 16h chiều nay, họ sẽ chào cờ bằng sự tôn kính, hát Quốc ca bằng niềm tự hào và chiến đấu hết mình vì gần 100 triệu người dân mang dòng máu Việt.
Trợ lý ngôn ngữ của HLV Park Hang-seo vừa chia sẻ về trận đấu chỉ còn cách đội tuyển hơn 5 tiếng đồng hồ. Rằng trận đánh này nhất định phải thắng. Bởi vì chỉ có thắng, Việt Nam mới xóa bỏ được định kiến kị giơ với Nhật Bản xưa nay. U23 + 3 phải thắng thì những thế hệ đàn em sau họ mới có động lực và tự tin chiến đấu với một trong những nền bóng đá phát triển của châu lục này. Và quan trọng nhất, Việt Nam sẽ thắng bởi họ đang năm giữ niềm tin của nhân dân.
Lá cờ góc hành lang, trên nóc khán đài hay in trên ngực áo sẽ tiếp cho họ thêm thật nhiều sức mạnh và niềm tin. Lương Xuân Trường từng chia sẻ: "Ở U23 Việt Nam không ai là ngôi sao, ngôi sao duy nhất là ở trên ngực áo, các cầu thủ cùng chiến đấu vì ngôi sao ấy". Tin rằng với đội hình hội tụ đủ nhiệt huyết tuổi trẻ và sự từng trải, kinh nghiệm, Olympic Việt Nam sẽ đoàn kết một lòng, cố gắng hết mình vì màu cờ sắc áo, vì ngôi sao vàng trên nền cờ đỏ thắm.