Công Phượng từng khiến hàng thủ Nhật Bản chao đảo, VAR từ "cứu" đến "hạ gục" tuyển Việt Nam
Tuyển Việt Nam từng thua Nhật Bản 0-1 tại tứ kết Asian Cup 2019. Một trận đấu hay của Công Phượng và những diễn biến bất ngờ khi có VAR (trợ lý trọng tài video).
Asian Cup 2019 là một trong những giải đấu hay nhất của đội tuyển Việt Nam. Thầy trò HLV Park Hang-seo tái lập thành tích lọt vào tứ kết và đối mặt "gã khổng lồ" Nhật Bản. Đội hình năm ấy so với hiện tại thiếu vắng nhiều cầu thủ quan trọng như thủ môn Văn Lâm, hậu vệ Trọng Hoàng, Văn Hậu, tiền vệ Huy Hùng, Hùng Dũng (Ảnh: Hiếu Lương)
Trong khi đó, 10/11 cầu thủ đá chính của đội tuyển Nhật Bản vẫn có mặt ở danh sách hiện tại gồm Tomiyasu, Endo, Ritsu Doan, Gonda, Sakai, Nagatomo, Minamino, Haraguchi, Shibasaki (từ trái sang)
Trận đấu tại SVĐ Al-Maktoum (UAE) chiều 24/1 là trận đấu hay đối với cá nhân Công Phượng. Trong thế trận phòng ngự phản công, Công Phượng bùng nổ với những pha rê dắt bóng tốc độ cao
Anh tấn công nhiều bên cánh trái nơi có sự xuất hiện của những hậu vệ hàng đầu là Nagatomo và Yoshida
Tiền đạo số 10 nhiều lần đi bóng từ giữa sân tạo nên sự hưng phấn cho khán giả
Tuy nhiên, những pha dứt điểm, khả năng xử lý bước cuối cùng của Công Phượng vẫn là vấn đề. Chính anh cũng phải ôm đầu nuối tiếc sau khi để trôi qua những cơ hội
Trận đấu này còn là lần đầu tiên tuyển Việt Nam tiếp xúc với VAR. Giữa hiệp 1, trung vệ Yoshida bật cao đánh đầu đưa bóng vào lưới Văn Lâm. Tuy nhiên, sau khi trọng tài chính tham khảo VAR, bàn thắng bị từ chối do Yoshida để bóng chạm tay trước khi ghi bàn
VAR "cứu" tuyển Việt Nam nhưng cũng "hạ gục" thầy trò HLV Park Hang-seo. Tình huống Bùi Tiến Dũng phạm lỗi với Ritsu Doan không qua được mắt VAR. Trọng tài Mohammed Abdullah Hassan ban đầu bỏ qua tình huống nhưng khi tham khảo VAR ông quyết định thổi phạt đền và phạt Tiến Dũng thẻ vàng. Trên chấm 11m, Doan không bỏ lỡ cơ hội đưa Nhật Bản vươn lên dẫn trước
Đây là giải đấu lớn đầu tiên của tuyển Nhật Bản với HLV Hajime Moriyasu. Một đội hình trẻ trung hơn xuất hiện thay thế cho thế hệ Kagawa, Hasebe, Honda,... Tuy nhiên, đẳng cấp của đội tuyển xứ sở mặt trời mọc vẫn vượt trên tuyển Việt Nam. Khung thành thủ môn Văn Lâm nhiều lần chao đảo
Trung vệ Tomiyasu khi ấy mới 21 tuổi nhưng đã là trụ cột của Nhật Bản. Anh thử thách Văn Lâm bằng cú đánh đầu sau quả tạt bên cánh phải. Sau đó, Văn Lâm còn có pha cản phá xuất thần trước cú đá mạnh ở cự ly gần của Minamino
Không có Văn Lâm, tuyển Việt Nam đã thua nhiều hơn 1 bàn trước Nhật Bản
Hàng thủ tuyển Việt Nam sau những va chạm với đối thủ mạnh Iran, Iraq đã chơi tốt hơn trước Nhật Bản. Văn Hậu lăn xả truy cản hậu vệ phải hàng đầu châu Á Hiroki Sakai
Đỗ Hùng Dũng có một trận đấu chạy không biết mệt. Sự thiếu vắng tiền vệ con thoi này ở vòng loại 3 World Cup 2022 là khó khăn với đội tuyển Việt Nam
Yuya Osako (phải) từng thi đấu hay ở World Cup 2018 nhưng cũng không có nhiều đất diễn trước bộ ba trung vệ tuyển Việt Nam
Cuối trận, HLV Park Hang-seo sử dụng hai quân bài chiến lược Xuân Trường và Văn Toàn. Một người phất bóng dài chuẩn xác, một người có tốc độ tốt. Cơ hội đã mở ra nhưng vẫn chưa đạt được thành quả
Thua chung cuộc 0-1, các tuyển thủ Việt Nam không khỏi nuối tiếc. Một vài cổ động viên Việt Nam đã bật khóc sau trận
Thua tối thiểu trước đối thủ mạnh cho thấy nỗ lực và trình độ của đội tuyển Việt Nam đã được cải thiện. Thế nhưng, khoảng cách giữa hai nền bóng đá vẫn chưa thể san lấp chỉ với 1 thế hệ này. Trận đấu tối nay tại sân Mỹ Đình sẽ thêm một lần kiểm chứng trình độ của bóng đá Việt Nam với siêu cường bóng đá châu Á