Thất bại 2-4 của Manchester United trước Leicester có thể được coi là một kết quả gây sốc, nhưng nếu xét kỹ hơn về cách triển khai lối chơi thì đây lại là kết quả hợp lý. Leicester của Brendan Rodgers được tổ chức tốt hơn khi không có bóng, còn khi họ kiểm soát bóng, Bầy cáo triển khai một cách có mục đích hơn. Trong khi đó, Manchester United lại chủ yếu dựa vào sự xuất sắc của những cá nhân, tiêu biểu là Cristiano Ronaldo.
Trái với các tiền đạo ở những đối thủ cạnh tranh chức vô địch, Ronaldo đơn giản là không thể liên tục gây sức ép lên đối thủ. Thể lực ở tuổi 36 không cho phép siêu sao người Bồ Đào Nha thường xuyên, nói cách khác là không thể pressing đối thủ khi họ có bóng. Việc anh xếp chót danh sách những tiền đạo gây sức ép nhiều nhất Ngoại hạng Anh không có gì kỳ lạ.
Việc Ronaldo không pressing cũng thể hiện khả năng sắp xếp chiến thuật đến từ ban huấn luyện. Man United hiểu rõ vấn đề khi ký hợp đồng với CR7: họ khó có thể yêu cầu chân sút 36 tuổi này thu hồi bóng, song chắc chắn đóng góp về mặt ghi bàn luôn được đảm bảo. Ronaldo đang thể hiện đúng những gì người ta kỳ vọng ở anh: ghi bàn.
Cứ 111 phút có mặt trên sân, ngôi sao người Bồ Đào Nha lại có cho mình một bàn thắng. Nếu anh là người thực hiện và sút thành công quả phạt đền ở trận gặp Aston Villa, trung bình mỗi trận Ronaldo lại ghi 1 bàn.
Những đội bóng trước đó của Ronaldo như Real Madrid, Juventus hay hiện tại ở ĐT Bồ Đào Nha đều có những điều chỉnh chiến thuật để phục vụ anh. Nếu CR7 đá cánh trái, cầu thủ đá cánh còn lại sẽ phải di chuyển vào trong nhiều hơn để hỗ trợ hàng tiền vệ. Khi Ronaldo đá cắm, những vệ tinh hỗ trợ sẽ phải chấp nhận chơi thấp hơn. Có thể thấy rõ ở hai trường hợp Wayne Rooney và Karim Benzema. Sau khi Ronaldo ra đi, ngay lập tức họ chơi rực sáng bởi họ không còn phải lùi sâu phục vụ CR7 nữa.
Tuy nhiên, Man United của hiện tại lại không làm được như vậy. Mỗi khi mất bóng, Quỷ đỏ không dâng cao để pressing, cũng chẳng lùi đội hình về để tạo ra một khối vững chắc. Hậu quả cho việc này là đối thủ dễ dàng tạo ra những đường chuyền xuyên tuyến phá vỡ hàng phòng ngự của họ.
Ví dụ tiêu biểu nhất chính là ở trận đấu với Leicester City vừa qua. Man United chủ động lui về, nhưng họ lại để lộ những khoảng trống quá lớn. Ở tình huống trong ảnh, Boubakary Soumare dễ dàng chuyền trực diện cho Kelechi Iheanacho phía trên. Đây là lần đầu tiên Leicester tạo ra những đường chuyền như vậy. Các fan có thể cho rằng tình huống này sẽ không diễn ra nữa.
Thế nhưng tới lần thứ hai khi Youri Tielemans tiếp tục đưa bóng trực diện cho James Maddison, lập tức người ta đặt câu hỏi về Nemanja Matic và Paul Pogba. Liệu hai tiền vệ phòng ngự của Quỷ đỏ có chọn vị trí hợp lý hay chưa?
Tới lần thứ ba đường chuyền này diễn ra, có thể thấy các cầu thủ Man United chọn vị trí bao vây xung quanh Tielemans ở biên phải. Điều đáng nói là không có một ai gây áp lực lên người cầm bóng là Maddison cả. Từ đây, có thể thấy được là Matic và Pogba buộc phải di chuyển ra hai biên để bọc lót nhiều như thế nào.
Sau khi Tielemans nhận bóng, hãy chú ý tới cự ly giữa hàng tiền vệ và hậu vệ. Matic và Pogba không chỉ phải bọc lót theo chiều ngang, mà họ còn phải lui về để che chắn theo chiều dọc nữa. Một khối lượng công việc khổng lồ cho hai cầu thủ này.
Nếu như Man United quyết định chơi pressing thì sao? Khi Quỷ đỏ chơi như vậy, chẳng rõ Ronaldo có chủ động pressing hay không. Có thể thấy ngôi sao số 7 này ra hiệu cho đồng đội Mason Greeenwood băng lên để gây áp lực lên trung vệ Caglar Soyuncu.
Pha băng lên của Greenwood thực chất cũng không hề rõ ràng. Nếu pressing một cách có tổ chức, Greenwood cần chủ động di chuyển ra biên để cắt đường chuyền từ Soyuncu cho hậu vệ trái Castagne. Thế nhưng Greenwood lại lao thẳng tới vị trí của Soyuncu.
Hệ quả là Soyuncu có thể dễ dàng đưa trái bóng ra biên cho Castagne. Không có cầu thủ Man United nào dâng lên để hỗ trợ tình huống pressing này cả.
Castagne tự do cầm bóng tiến lên phía trước. Ronaldo lập tức lùi về để áp sát cầu thủ này. Thế nhưng lúc này tiền vệ trung tâm của Leicester lại không bị ai kèm, vì thế Castagne có thể chuyền đơn giản ra giữa và Bầy cáo có thể triển khai bóng từ trung lộ.
Trong khi đó, đối thủ Leicester lại rất thuần thục trong những tình huống pressing có tổ chức. Ở bàn thắng đầu tiên của Tielemans, Iheanacho là người cắt bóng sau khi De Gea cố gắng chuyền cho Harry Maguire. Đó là một ví dụ cho những tình huống tổ chức pressing đồng bộ điển hình của Bầy cáo. Như ở pha bóng dưới đây, khi Jamie Vardy khởi đầu bằng cách áp sát Lindelof, người cầm bóng. Ngay lập tức, có 4 đồng đội của anh băng lên để hỗ trợ.
Tình huống kết thúc khi Soyuncu cắt bóng thành công sau đường chuyền của Bruno Fernandes. Có thể thấy rõ trong ảnh là các cầu thủ Man United không có nhiều lựa chọn chuyền bóng với sự áp sát từ phía Leicester.
Cách bố trí đội hình của Man United khi không có bóng cũng là điều không thường thấy ở các CLB Premier League. Mỗi khi đối thủ cầm bóng, sơ đồ 4-2-3-1 của Quỷ đỏ biến thành 4-2-4. Trong ảnh, Sancho ở biên trái là cầu thủ dâng cao khởi đầu cho tình huống pressing. Khoảng trống giữa các cầu thủ là quá lớn, tạo ra rất nhiều chỗ để đối thủ có thể chuyền qua.
Leicester thể hiện hình ảnh hoàn toàn đối nghịch. Họ sử dụng sơ đồ 3-4-1-2 và mỗi khi không có bóng, có thể thấy rõ rằng các cá nhân của họ duy trì cự ly tốt như thế nào.
Đội hình xuất phát của Man United luôn rất ấn tượng về mặt cá nhân với những Ronaldo, Bruno Fernandes hay Paul Pogba. Thế nhưng điều mà họ thiếu là tính tập thể cũng như sự cân bằng trong lối chơi. Bruno Fernandes chơi tuyệt hay mùa giải trước, nhưng với sự có mặt của CR7, anh buộc phải di chuyển nhiều hơn để lấp vào các khoảng trống. Chính điều này đang ảnh hưởng tới đóng góp của Bruno khi anh không thể tập trung hoàn toàn vào những gì mình giỏi nhất.
Man United có thể cân bằng lại lối chơi nếu như họ sở hữu hai tiền vệ biên giàu năng lượng và chơi bóng kỷ luật. Thế nhưng Jadon Sancho lại giỏi tấn công hơn phòng ngự. Hơn nữa, anh đã quá quen với lối pressing mạnh mẽ trong thời gian chơi bóng cho Dortmund, vì thế Sancho thường xuyên dâng cao hơn là lui về hỗ trợ hàng tiền vệ.
Trong khi đó người chơi ở biên đối diện là Greenwood xuất thân tiền đạo. Cầu thủ người Anh đá cắm ở 2/3 trận đầu mùa của Quỷ đỏ và đều ghi bàn. Tưởng như Greenwood sẽ có suất đá chính, nhưng Ronaldo tới và thay đổi tất cả. Dĩ nhiên khi chơi ở biên, chân sút 20 tuổi vẫn ghi bàn thường xuyên, song khó có thể hy vọng anh di chuyển như Park Ji-Sung mỗi khi Man United không có bóng.
Tuyến giữa của Man United thì vẫn gặp vấn đề muôn thuở: Paul Pogba. Tuyển thủ Pháp chơi phòng ngự dở tệ khi được xếp đá cặp tiền vệ phòng ngự. Đầu mùa này, Solskjaer đã giải quyết được bằng cách để anh chơi ngoài biên và Pogba đáp lại với phong độ tuyệt vời. Nhưng Ronaldo tới, CR7 phải được xếp đá tiền đạo, vì thế Greenwood phải chuyển ra biên còn Pogba trở lại với trung tâm hàng tiền vệ. Ronaldo đến và khiến Man United mắc kẹt vào vấn đề cũ.
Một đội hình toàn sao tưởng như là đơn giản, nhưng nó đang khiến Solskjaer ngày càng gặp khó. HLV người Na Uy đang rơi vào tình cảnh của đồng nghiệp tại Dải ngân hà Real Madrid khi xưa: buộc phải sử dụng cầu thủ dựa theo danh tiếng. Chiếc ghế của Solsa được giữ lại dường như vì ông giỏi xoa dịu những ngôi sao chứ không phải do những quyết định mạnh mẽ về mặt chiến thuật.
Xếp đội hình dưới thời Solskjaer thực sự là một bài toán khó giải: loại Ronaldo hay Bruno là điều không thể; làm sao có thể gạch tên tân binh trị giá 73 triệu Bảng Jadon Sancho? Greenwood và Pogba cũng xứng đáng đá chính vì phong độ ấn tượng hồi đầu mùa. Thế nhưng vấn đề chính là bộ ngũ này không thể chơi bóng cùng nhau! Cơn đau đầu của Solsa càng thêm tồi tệ khi Anthony Martial đá chính trước Everton và ghi bàn duy nhất của trận đấu; Rashford vào sân và quân bình tỉ số 2-2 trước Leicester. Chắc chưa ai quên mất Edinson Cavani nhỉ?
Dường như tất cả những vấn đề này đã được dự đoán trước khi Cristiano Ronaldo trở lại Old Trafford. Việc CR7 đóng góp như thế nào khi không có bóng thì vẫn đáng bàn, nhưng chỉ riêng sự có mặt của anh thôi đã tạo ra vấn đề cực lớn về chiến thuật mà có lẽ Solskjaer không thể giải quyết.