Trước thềm trận đấu giữa Brooklyn Nets và Philadelphia 76ers, diễn ra vào sáng ngày 8/1 (giờ Việt Nam), siêu sao Kyrie Irving bất ngờ biến mất khỏi đội hình của đội chủ sân Barclays Center. Mọi nỗ lực liên lạc với ngôi sao này đều trở nên vô vọng và thậm chí, Kyrie Irving còn vắng mặt trong chuyến làm khách của đội đến Memphis Grizzlies vào sáng ngày 9/1 (giờ Việt Nam).
Mặc dù đã có một số thông tin về việc Kyrie Irving lên tiếng sau đó, nhưng lý do "Tôi không thích thi đấu" mà một số nguồn tin đưa ra khiến nhiều NHM phải bật cười. Với thân phận là một cầu thủ nhận mức lương hàng đầu của đội cũng như lãnh trách nhiệm dẫn dắt, đây không phải là một lý do dễ dàng chấp nhận.
Tuy nhiên, trong lịch sử NBA cũng từng chứng kiến không ít các trường hợp tương tự, khi các cầu thủ không thể ra sân vì những lý do... chưa từng có tiền lệ.
Thuật ngữ Load Management (Kiểm soát thời lượng thi đấu) là một phương pháp mà các đội bóng thường sử dụng để cho các ngôi sao của mình nghỉ ngơi ở những trận đấu không quan trọng hoặc tránh lịch thi đấu dày đặc. Trước Kawhi Leonard, San Antonio Spurs cũng hay áp dụng phương án này đối với những cầu thủ chủ lực như Tim Duncan, Manu Ginobili và Tony Parker.
Để hợp thức hóa việc nghỉ thi đấu thường xuyên và tránh án phạt từ phía NBA, San Antonio Spurs thường đưa ra những lý lẽ liên quan đến chấn thương. Tuy nhiên, vào năm 2012, khi được hỏi về lý do Tim Duncan "không thi đấu", HLV Gregg Popovich chỉ cho biết: "Cậu ấy già rồi".
Đối với những người đi làm, việc thường xuyên tắt chuông đồng hồ báo thức để "nướng" thêm một lát đã không còn quá lạ lẫm. Tuy nhiên, ở trường hợp của một cầu thủ chuyên nghiệp tại NBA, việc ngủ quên đến mức đến trễ giờ khởi động trước trận đấu của Dallas Mavericks vào năm 2014 là một điều quá khó chấp nhận như Samuel Dalembert.
Để cảnh cáo, Dallas Mavericks đã loại cầu thủ này khỏi đội hình xuất phát trong trận đấu ấy. Tuy nhiên, có vẻ như án phạt vẫn chưa thấm vào đâu khi chỉ vài ngày sau đó, Samuel Dalembert tiếp tục mắc lỗi tương tự, khiến đội bóng chủ quản phải cấm nội bộ cầu thủ này 1 trận đấu.
Thông thường, các cầu thủ NBA chỉ di chuyển trong đất Mỹ mỗi khi có chuyến làm khách. Tuy nhiên, quy tắc cơ bản của họ là luôn phải có hộ chiếu và với một cầu thủ đã 36 tuổi vào năm 2014 như Jermaine O'Neal, anh có đủ kinh nghiệm để không mắc phải sai lầm này.
Thế nhưng, ngay trong chuyến làm khách đến Toronto Raptors vào thời điểm ấy, Jermaine O'Neal đã không mang theo hộ chiếu và hệ quả là anh bị cấm nhập cảnh vào Canada. Trong lúc các đồng đội khác đang chiến đấu trên sân bóng thì Jermaine O'Neal đành phải cổ vũ các đồng đội qua màn ảnh nhỏ.
Derek Anderson là một cầu thủ có tiềm năng, nhưng có quá nhiều ảnh hưởng ở bên ngoài sân bóng đã cản trở việc cầu thủ này tiến lên đẳng cấp ngôi sao. Khi còn khoác áo Portland Trail Blazers, đội bóng đã từng liệt cầu thủ này vào danh sách chấn thương do... đau răng, cho biết vấn đề này đã ảnh hưởng đến khả năng thi đấu của Derek Anderson.
Mọi chuyện sẽ rất bình thường, nếu Derek Anderson không bị phát hiện đang thả hồn trong núi đồ ăn ở cửa hàng McDonald's, trong khi các đồng đội tại Portland Trail Blazers đang phải khổ chiến trong một trận đấu vào đêm đó.
Là một người đi làm, việc bạn phải thực hiện nhiệm vụ trong ngày sinh nhật là điều quá đỗi bình thường, kể cả với các cầu thủ tại NBA. Rất nhiều ngôi sao đã có những kỷ niệm khó quên trong ngày sinh nhật sau khi kết thúc trận đấu, nhưng đối với Rajon Rondo, có vẻ như anh thà tổ chức sinh nhật lần thứ 28 hơn là thi đấu trong màu áo Boston Celtics.
Sau khi kết thúc trận đấu với Los Angeles Lakers, Rajon Rondo có vẻ như đã ở lại kinh đô của Hollywood để tận hưởng tiệc sinh nhật hơn là bay cùng các đồng đội đến trận đấu tiếp theo với Sacramento Kings. Tuy nhiên, hậu vệ kỳ cựu đã bác bỏ mọi tin đồn trên vào thời điểm ấy và sự vắng mặt của Rajon Rondo ở trong trận đấu đó tới nay vẫn chưa có câu trả lời.
Bạn nên quan tâm