Đôi khi với một cầu thủ, việc thi đấu ở một quốc gia khác không chỉ giúp ích về mặt bóng đá, mà còn cải thiện về khía cạnh con người khi có những trải nghiệm mới mẻ ở một nền văn hóa khác.
Trước khi đến Nhật Bản, Jay Bothroyd là một gã nổi loạn và bất cần. Được đánh giá rất cao ở lò đào tạo Arsenal nhưng Bothroyd tự phá hỏng mọi thứ khi tỏ thái độ ngôi sao khi vẫn còn chưa lên đội một. Sau khi ném áo vào trợ lý HLV vì bị thay ra, anh bị bán sang Coventry.
Chẳng bao lâu, Bothroyd đến Italia và gia nhập Perugia. Chơi bên cạnh những đồng đội nổi tiếng như Fabrizio Ravanelli, Dario Hubner hay Marcelo Zalayeta là cơ hội ít ai có được, song Bothroyd lại làm bạn với Al-Saadi Gaddafi, con trai nhà lãnh đạo độc tài Muammar al-Gaddafi của Libya, và bị cuốn vào những buổi tiệc tùng bất tận.
Về lại Anh, trôi nổi ở 7 CLB khác nhau ở Premier League và Championship nhưng không thể hiện được nhiều, Bothroyd quyết định chấm dứt sự nghiệp ở châu Âu năm 2013 để tìm hướng đi mới. Anh đến Đông Nam Á, ký hợp đồng với Muangthong United của Thái Lan.
Rất nhanh để Bothroyd nhận ra, chơi bóng tại Thai League còn khó khăn hơn. "Giải đấu cũng như các CLB tổ chức kém và không đạt tiêu chuẩn", tiền đạo từng 1 lần khoác áo tuyển Anh (năm 2010) nói, "Tôi không thích ở lại thêm và nói với Ban lãnh đạo về ý định ra đi".
Bothroyd có cơ hội để tới Nhật, và anh lập tức nắm lấy. Bây giờ, sau 6 năm chơi bóng tại đất nước hoa anh đào, ngôi sao 38 tuổi nói rằng "đó là quyết định đúng đắn nhất cuộc đời tôi".
Từ một tiền đạo hạng trung và bị coi thường, cả ở Premier League (ghi 6 bàn), Serie A (4) lẫn Thai League (6), Bothroyd vụt trở thành siêu sao tại J League. 6 năm chinh chiến trong 2 màu áo Jubilo Iwata và Hokkaido Consadole Sapporo, anh có 68 bàn thắng. Ở tuổi 38, Bothroyd vẫn duy trì phong độ ổn định và được coi là cầu thủ Anh thành công nhất giải đấu hàng đầu Nhật Bản.
Trong khi số bàn thắng tăng đột biến, số thẻ phạt lại giảm hẳn. Vốn được biết đến là một cầu thủ vô kỷ luật vói kỷ lục 28 thẻ vàng chỉ trong 3 năm chơi cho Cardiff ở Championship, Bothroyd chỉ nhận 16 thẻ sau 4 năm tại Sapporo. Nó cũng có xu hướng giảm dần theo thời gian. Mùa này anh chỉ lĩnh 2 thẻ vàng, bằng một nửa mùa trước và bằng 1/3 mùa trước nữa.
"Chuyển đến Nhật Bản đã giúp tôi điềm tĩnh hơn", Bothroyd nói với nói với The Athletic, "Những năm còn trẻ, tôi nổi tiếng là người nóng nảy, dễ bị kích động và có vấn đề về thái độ. Nhưng cuộc sống ở Nhật dạy cho tôi biết mọi thứ không phải lúc nào cũng theo ý mình, và chấp nhận sự thật là mọi người có chính kiến khác nhau".
Bothroyd chia sẻ: "Sống ở Nhật, bạn cần học cách tuân thủ quy tắc. Ví dụ ở Anh, người ta sẽ chấp nhận việc bạn thiếu vài xu thanh toán trong siêu thị. Nhưng ở đây, không ai cho phép bạn rời đi nếu thiếu dù chỉ vài xu. Bạn cũng phải gặp bác sỹ để có thể mua thuốc giảm đau, thay vì mua nó dễ dàng ở trạm xăng như tại Anh.
Trong đại dịch Covid-19, Nhật Bản giãn cách xã hội trong 2 tuần. Sau đó thì mọi việc trở lại bình thường. Ở trận đấu gần nhất hồi tháng 12, đã có 25.000 khán giả ngồi kín sân vận động. Tất cả nhờ vào việc mọi người luôn lắng nghe và tôn trọng kỷ luật. Ai cũng đeo khẩu trang khi vào siêu thị, đến sân bay hay trên phương tiện giao thông công cộng.
Tại Anh, tôi lớn lên trong bạo lực và ma túy. Nhật Bản là một nước đáng yêu và yên bình. Tôi không bao giờ sợ bị móc túi dù nhét ví vào túi quần sau. Chất lượng sống ở đây rất cao, và tôi đang tận hưởng một cuộc sống êm đềm. Tôi đã trở thành một người tốt hơn".
Lối sống, văn hóa và tính cách Nhật Bản cũng được thể hiện trong bóng đá. Theo Bothroyd, các cầu thủ Nhật luôn sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ. Họ không ích kỷ. Người hâm mộ xứ sở hoa anh đào thì dễ tha thứ và không bao giờ tạo áp lực cho các cầu thủ.
"Các CĐV không tỏ ra giận dữ khi đội nhà thất bại", anh nói, "Có lần đội tôi thua 0-7 và tất cả đã tiến về phía người hâm mộ sau trận đấu. Nhưng họ vẫn hát và cổ vũ chúng tôi, thay vì xúc phạm, chửi bới và đòi lại tiền vé như những nơi khác.
Điều đó khiến tâm lý của tôi thay đổi. Tôi sẽ cố gắng chơi tốt ở trận tới để đền đáp họ, đồng thời ngừng chỉ trích đồng đội trong phòng thay đồ mỗi khi thua. Cùng một sự việc, nhưng hiện tại tôi nhìn nhận theo kiểu cái ly đầy một nửa, không phải như trước đây là hụt một nửa".
Bất chấp tuổi 38, Bothroyd vẫn không có ý định nghỉ hưu. Anh muốn tiếp tục tận hưởng quãng thời gian tuyệt vời với nhận thức thay đổi, như một sự bù đắp cho quá khứ lãng phí quá nhiều.