Hành trình đi đến trận chung kết Champions League 2012 của Chelsea khó tin như một bộ phim Hollywood sản xuất. Chật vật lết qua vòng bảng, họ lần lượt vượt qua Napoli, Benfica rồi đụng độ Barcelona hùng mạnh ở bán kết. Chơi thiếu người trên thánh địa Camp Nou nhưng một Chelsea già cỗi đã đánh gục gã khổng lồ xứ Catalan bằng tinh thần quả cảm và chút ưu ái từ thần may mắn khi đưa đẩy quả penalty của Messi đập trúng xà ngang.
Có người cho rằng, The Blues năm đó nắm trong tay "chân mệnh thiên tử". Là ý trời khó tránh, họ không vô địch bây giờ thì chẳng bao giờ còn cơ hội thế nữa. Quả đúng là thế, dù yêu hay ghét Chelsea, không ai có thể phủ nhận năm đó thầy trò Di Matteo đã gặp quá nhiều may mắn. Nhưng suy cho cùng, may mắn chỉ đến với những người xứng đáng. Năm đó, số phận đã chọn Chelsea, và số phận cũng cho Didier Drogba một cơ hội để chuộc lại lỗi lầm...
Số phận đúng là biết trêu ngươi con người. Sau khi chiến thắng Barcelona, Chelsea phải "làm khách" trên chính Allianz Arena của Bayern Munich trong trận chung kết. Không ngoài dự đoán, 3/4 sân vận động được bao phủ bằng những bóng áo đỏ của Hùm xám xứ Bavaria. Do John Terry nhận thẻ đỏ ở trận bán kết nên Frank Lampard là người đeo băng thủ quân của Chelsea.
Chẳng cần nói thêm, ai cũng biết chỉ ngay sau tiếng còi khai cuộc, The Blues đã bị dồn ép đến ngộp thở bởi những pha hãm thành liên tiếp của các cầu thủ Bayern Munich. Nhưng ý chí kiên cường và tinh thần quả cảm của họ đã giúp khung thành Petr Cech đứng vững sau 45 phút đầu tiên.
Chênh lệch đẳng cấp là điều dễ dàng nhìn ra. Một bên là Bayern Munich hùng mạnh mà còn có lợi thế sân nhà. Bên còn lại chỉ là Chelsea - một tập thể già cỗi gồm những cầu thủ gần như đã bước sang sườn dốc sự nghiệp.
Việc quá nhiều trụ cột như Meireles hay Ramires bị treo giò buộc họ phải sử dụng cả một cầu thủ trẻ tuổi như Ryan Bertrand đá chính từ đầu. Trong khi đó, cặp trung vệ Cahill và Luiz vốn đã không ăn ý nay còn gặp vấn đề sức khỏe trước trận. Điều này sau đó đã được trung vệ người Brazil tiết lộ. Luiz bị ốm ngay trước trận chung kết. Tuy nhiên, hậu vệ tóc xù đã yêu cầu đội ngũ y tế thông báo anh đủ khả năng thi đấu bởi đây là trận chiến quan trọng nhất sự nghiệp cầu thủ - có chết cũng phải ra sân.
Cú đánh đầu của Muller tưởng chừng đã đánh gục tinh thần chiến đấu của Drogba.
Lại nói về hàng thủ, Bertrand dù được xếp đá cao hơn Ashley Cole bên hành lang trái nhưng nhiệm vụ chính của cầu thủ này vẫn là phòng ngự. Năm đó, Bertrand mới 23 tuổi. Khi được HLV Di Matteo lựa chọn trong danh sách đá chính, hậu vệ người Anh đã đứng sững như mất hồn suốt 10 phút liền. Didier Drogba đã phải vỗ mạnh vào vai người đàn em để trấn an. "Mạnh mẽ lên Ryan, cậu nên ăn chút gì đi cho khỏe. Mai sẽ phải căng sức mà chạy đấy", Voi rừng tiết lộ trong cuốn tự truyện Commitment.
Mạnh mẽ là vậy, kinh nghiệm là vậy, nhưng Drogba gần như đã gục ngã khi Muller đánh đầu tuyệt đẹp, mở tỷ số cho Bayern Munich ở phút 83. Mọi sự gần như đã an bài. Khoảng 10 phút còn lại là quá ít để có thể làm nên điều kỳ diệu. Drogba chìm trong cơn hoảng loạn. Anh luôn miệng lẩm bẩm, "Không, không, không thể nào như thế".
Nếu trước trận đấu, anh là người đã động viên người đàn em Bertrand thì khi mọi thứ tưởng chừng đã sụp đổ, Juan Mata - khi ấy mới 24 tuổi đã giúp Drogba đứng dậy chiến đấu tiếp. Cầu thủ người Tây Ban Nha đã nói: "Dừng lại đi, Didier. Anh không thể tiếp tục như thế. Anh cần có niềm tin".
Đó dường như là khoảnh khắc thay đổi lịch sử.
Ít phút sau đó, Torres kiếm về cho Chelsea một quả phạt góc. Juan Mata là người thực hiện. Các cầu thủ hai đội giờ đều đã tập trung trước khung thành Neuer. Trong khoảnh khắc sinh tử chỉ cách nhau một sợi dây, Didier Drogba bật cao đánh đầu dũng mãnh, vượt qua tầm với của Neuer. 1-1 cho Chelsea khi thời gian thi đấu chính thức chỉ còn vỏn vẹn hơn 3 phút!
Drogba với pha đánh đầu định mệnh làm nên lịch sử của Chelsea.
Giống như ranh giới giữa sinh và tử trong khoảnh khắc đánh đầu tung lưới Neuer, khoảng cách giữa người hùng và kẻ tội đồ trong Drogba cũng mong manh như vậy. Trong một tình huống tham gia hỗ trợ phòng ngự, cầu thủ người Bờ Biển Ngà vô tình đá vào gót chân Ribery khi đang cố đoạt lại bóng. Lý giải cho tình huống phòng ngự ngớ ngẩn này, Drogba thừa nhận khi đó đôi chân anh đã "không còn nghe lời. Nó lên cơn chuột rút dữ dội".
4 năm trước, người ta cứ nhớ mãi về cú trượt chân của Terry mà quên rằng tội đồ thực sự chính là Didier Drogba. Nếu anh không vì một phút nóng giận mà tát Vidic, người thực hiện quả đá phạt đền cuối cùng ấy đã không phải là Terry.
Nhưng cũng suýt chút nữa, anh lại trở thành kẻ tội đồ dâng chiến thắng cho đối thủ.
4 năm sau, trước ngưỡng cửa của định mệnh. Từ người hùng, Drogba lại trở thành tội đồ lần nữa khi "biếu" Bayern một quả phạt đền. Trong một tích tắc nữa thôi, Robben sẽ sút tung lưới Cech, kết thúc hành trình phi thường mà Chelsea đã trải qua. Họ sẽ chấp nhận vị trí thứ 6 trên bảng xếp hạng NH Anh và mất suất dự Champions League mùa tới. Còn Drogba, giống như những gì anh từng chia sẻ trong cuốn tự truyện Commitment, Voi rừng chắc sẽ chẳng bao giờ dám đặt chân đến London một lần nữa.
Nhưng nếu là một điều gì đó không thật.
Năm đó, "chân mệnh thiên tử" nằm trong tay Chelsea, và ý trời đã định, Drogba phải trở thành người hùng. Chẳng biết có phải vì đòn tâm lý của những người bạn cũ không nhưng Robben đã sút hỏng quả penalty. Nó quá yếu lực và dễ dàng bị Cech cản phá.
Câu chuyện còn lại, thôi có lẽ cũng chẳng cần kể thêm. Đêm Munich huyền ảo năm ấy, Chelsea lên ngôi vô địch. Lịch sử không nợ The Blues chiếc cúp nào nhưng Drogba thì có. Và trong khoảnh khắc bóng nằm gọn trong lưới của Neuer, món nợ ấy đã được thanh toán cả vốn lẫn lời...