Detroit - thành phố thường xuyên được miêu tả là loạn lạc và bạo lực trong các bộ phim kinh điển. Vào thập niên 80 và 90, đội bóng Pistons với nickname khét tiếng "Bad Boys" đã thể hiện lối chơi rất đúng với tinh thần của thành phố này. Detroit Pistons sau đó vẫn là một thế lực ở những năm 2000 thế nhưng giờ đây họ chỉ còn là một đội bóng hạng chót với không khí ảm đạm và chán nản trên sân.
Detroit từng là một trong thành phố thịnh vượng nhất nước Mỹ từ đầu thế kỉ 20 nhờ vào ngành công nghiệp ô tô. Tuy nhiên, việc chỉ dựa vào một nền công nghiệp duy nhất đã khiến Detroit chao đảo khi lần lượt từng nhà máy và tập đoàn rời khỏi thành phố này vì quá trình phi công nghiệp hóa. Kết quả là, người dân Detroit dần trở nên thất nghiệp và phải di dời đến các thành phố lân cận để làm việc và sinh sống.
Từ dân số 1,8 triệu năm 1950, Detroit chỉ còn lại khoảng 1,2 triệu người vào năm 2000. Tuy nhiên con số này nhanh chóng sụt giảm khi Detroit tiếp tục mất thêm 1/4 dân cư và chỉ còn lại gần 800.000 người vào năm 2010. Thu nhập của người dân tại đây vào năm 2010 là 30.842 USD và năm 2022 là 44.730 USD (bằng 2/3 thu nhập trung bình người Mỹ). Đỉnh điểm của sự sụp đổ kinh tế Detroit chính là vào ngày 18/7/2013, khi thành phố tuyên bố phá sản với món nợ 18 tỉ đô.
Một thị trường nhỏ với 35% dân số nghèo dĩ nhiên sẽ tác động rất nhiều đến Detroit Pistons. Thang nhu cầu của Maslow là một phương án đơn giản để giải thích cho vấn đề này, khi người dân Detroit phải chật vật với cơm ăn và áo mặc, đến xem một trận đấu NBA như là điều xa xỉ. Bên cạnh đó, Pistons chỉ xếp thứ thứ 14 trong 30 đội bóng NBA về thị trường và điều này hạn chế rất nhiều về đầu tư cũng như truyền thông quảng cáo.
Trái với vị trí lấp lửng trên BXH như Orlando Magic, Detroit Pistons thường xuyên "đội sổ" qua các mùa giải. Dù không thể chiến thắng ở mùa giải chính, Pistons thường thành công ở kỳ Draft năm sau. Họ đã có được sự phục vụ khá nhiều những ngôi sao như Khris Middleton, Andre Drummond, Luke Kennard, Christian Wood và Spencer Dinwiddie. Tuy nhiên trừ Drummond, các cầu thủ kể trên chỉ trở thành siêu sao khi sang một đội bóng khác.
Một cầu thủ có phát triển được tài năng hay không phụ thuộc rất nhiều vào môi trường huấn luyện. Có thể thấy trừ khi họ đã là một tài năng lớn ngay khi được lựa chọn hay trao đổi, còn lại hầu như các cầu thủ không có sự phát triển rõ rệt tại Detroit. Tobias Harris, Middleton, Dinwiddie và Wood đều trở thành những ngôi sao lớn chỉ một vài năm sau khi rời Pistons, chứng tỏ môi trường phát triển tại đây là chưa tốt.
Cội nguồn những sai lầm của Pistons bắt nguồn từ Joe Dumars, một huyền thoại của "Bad Boys" và cựu chủ tịch đội bóng. Đầu tiên là thương vụ trao đổi Chauncey Billups để có được sự phục vụ của Allen Iverson, và sau đó là đẩy Middleton đến Milwaukee trao đổi cho Brandon Jennings. Cả hai thương vụ nói trên đều mang lại kết quả không mong muốn cho Pistons, một Iverson trên đà xuống dốc không thể bằng "công thần" Billups, và Middleton sau đó trở thành một All-Star còn Jennings gặp chấn thương và thi đấu tệ dần đi.
Sau khi Dumars rời khỏi ghế chủ tịch, Pistons lại càng khát khao chiến thắng. Họ trao đổi Avery Bradley, Tobias Harris, Boban Marjanović và 2 pick để đổi lấy Blake Griffin, tiền phong hàng đầu khi đó. Griffin đã thi đấu rất tốt trong khoảng 2 mùa giải và tiếp tục trở thành All-Star 2019, tuy nhiên vị trí thứ 8 trên BXH năm đó là những gì mà Pistons làm được khi sở hữu Griffin. Tệ hơn là cầu thủ này cũng tỏ ra chán nản với Pistons và yêu cầu được trao đổi đến Nets năm 2021.
Mỗi trận đấu sân nhà của Pistons sẽ có trung bình 15.695 khán giả tham dự, xếp thứ 21 NBA. Sự trì trệ của kinh tế thành phố qua nhiều năm khiến thị trường của Pistons đã bị thu hẹp lại rất nhiều. Hiện tại, đội bóng này sở hữu nhiều tài năng hứa hẹn như Cade Cunningham, Jerami Grant hay Isaiah Stewart; tuy nhiên họ có thể phát triển và vực dậy Pistons hay không là điều khó có thể nói trước được.
Cade Cunningham được xem là hi vọng mới của Detroit Pistons
Bạn nên quan tâm