Nếu ai đó còn chút hoài niệm về mùa giải 2016/17, họ chắc chẳng thể quên được câu chuyện cổ tích về những chàng trai Monaco. Họ là đội bóng đầu tiên sau Montepellier năm 2012 vô địch Ligue 1 trong kỷ nguyên thống trị của Paris Saint Germain. Tại đấu trường châu Âu, đoàn quân của HLV Leonardo Jardim xuất sắc đánh bại những tên tuổi sừng sỏ như Tottenham, Man City và cả Dortmund trước khi gục ngã trước Juventus quá hùng mạnh ở trận bán kết.
Năm ấy, đội chủ sân Louis II đã cho ra đời một lứa cầu thủ xuất chúng ngoài sức tưởng tượng, dù cho sau đó họ đã để mất tất cả bởi sự xâu xé của các đại gia châu Âu. Bernardo Silva cùng Mendy đến Man City, Kylian Mbappe tới PSG, Valerie Germain chuyển sang khoác áo Marseille và cuối cùng là Tiemoue Bakayoko gia nhập Chelsea với mức phí khổng lồ 40 triệu bảng.
Bi kịch bắt đầu
Rất nhiều kỳ vọng đặt lên đôi vai chàng tiền vệ người Pháp. Ai cũng tin rằng kể cả không trở thành một Makelele mới, Bakayoko cũng có thể cùng Kante tạo nên một bức tường thép bất bại nơi tuyến giữa của Chelsea. Nhưng mơ càng đẹp thì tỉnh càng đau.
Tất cả những tinh túy Bakayoko từng thể hiện ở Monaco bỗng biến đi đâu hết mà chỉ để lại đó những tiếng thở dài ngán ngẩm. Tranh chấp kém, chuyền bóng tệ lại còn thường xuyên để mất bóng, không ít lần cục tạ Chelsea rước về từ đội bóng xứ Công quốc khiến họ phải chịu những bàn thua trên trời rơi xuống.
Từng được coi là một tài năng triển vọng nhất thế giới nhưng Bakayoko lúc này chỉ là cục tạ bỏ đi không ai muốn nhặt.
Chán nản với Bakayoko, The Blues để cầu thủ này gia nhập AC Milan với hy vọng "Gã đồ tể" Gattuso có thể khơi dậy những tiềm năng trước đây của anh. Tuy nhiên, chính HLV của Rossoneri cũng phải bó tay toàn tập. Ông thừa nhận không dạy nổi Bakayoko bởi tiền vệ này chẳng tiếp thu được gì từ khi đến San Siro. Hình như, Milan cũng đang tính trả cục nợ này về chủ cũ trước thời hạn...
Vậy, vì đâu mà Bakayoko lại sa sút đến thế?
Không ai dạy dỗ
Bakayoko có tài nhưng không phải dạng thiên tài mà là kiểu tài ẩn, cần người thúc đẩy ra. Hồi mới đến Monaco năm 2014, tiền vệ này dính chấn thương nghiêm trọng phải nghỉ thi đấu đến 4 tháng. Lẽ ra, chừng đó thời gian ngồi ngoài là quá đủ để một cầu thủ trẻ măng như Bakayoko mất suất đá chính.
Nhưng may cho anh ta đã gặp được Claude Makelele, người làm giám đốc kỹ thuật cho Monaco tại thời điểm đó. Chính sự tương đồng về vị trí thi đấu khiến cựu huyền thoại Chelsea đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích để cải thiện khả năng chơi bóng cho Bakayoko. Tuy nhiên, thế vẫn là chưa đủ.
HLV Jardim (giữa) cùng Makelele gặt trái ngọt từ Bakayoko bởi họ chịu dành thời gian chỉ bảo cho tiền vệ người Pháp.
Tại Monaco khi ấy còn có Leonardo Jardim, người đã gò Bakayoko vào khuôn khổ để tiền vệ này toàn tâm toàn ý với bóng đá. Anh ta phải rời căn hộ sang chảnh ở Monte Carlo để sống trong một căn nhà bình thường. Từ chiếc xe màu hồng nổi bật, Bakayoko phải chuyển sang màu đen. Và tiền vệ người Pháp còn phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng cũng như tập thêm boxing để cải thiện thể chất.
Nói tóm lại, khi còn ở Pháp, có tới 2 ông thầy đưa Bakayoko vào khuôn khổ để trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp thay vì lông bông như một tay chơi sành điệu.
Còn tại Chelsea, không ai rảnh để dạy Bakayoko những điều đó. Bằng chứng là sau khi nhận thẻ đỏ trong trận thua 4-1 tại Ngoại hạng Anh vào tháng 2, cựu ngôi sao Monaco chỉ xuất hiện thêm 5 lần trong đội hình chính của The Blues. Trước đó, anh ta chỉ bỏ lỡ 2 trận đấu trong nửa đầu Premier League mùa 2017/18.
Mua Bakayoko nhưng lại quên bản "unlock"
Thực sự Bakayoko ở Monaco cũng không quá thần thánh như người ta vẫn tưởng. Anh vẫn hay mắc sai lầm, nếu không muốn nói là cực kỳ nhiều sai lầm. Tuy nhiên, tất cả đã được khỏa lấp bởi Jardim khi đó có cả Fabinho.
Bakayoko không phải mẫu tiền vệ phòng ngự thuần như Matic. Thay vì lo cắt bóng và thực hiện những đường chuyền ngắn an toàn ở giữa sân, cầu thủ người Pháp thích cầm bóng rồi đột phá lên trên. Lối đá có phần phiêu lưu của Bakayoko dĩ nhiên mở ra nhiều cơ hội hơn cho các đồng đội tuyến trên và để lại không ít hậu quả cho các anh bạn phía dưới.
Bakayoko thiếu người bọc lót như Fabinho thời còn ở Monaco.
Tại Monaco, đã có Fabinho dọn dẹp hộ. Nhưng ở Chelsea, Bakayoko không có đối tác như thế. Người khả dĩ nhất là Matic thì đã "bỏ của chạy lấy người" sang MU vì sợ bị mất vị trí chính thức. Trong khi đó, Kante cũng là mẫu tiền vệ kiểu kiểu Bakayoko, khác chút là anh ta ít đột phá và chăm cướp bóng hơn.
Chính vì lý do này, nhiều người vẫn hay nói đùa là Chelsea mua Bakayoko nhưng lại không mua bản mở khóa...
Liệu Bakayoko có tìm lại được sự tự tin?
Phải, cách chơi của Bakayoko như đã đề cập ở trên cần rất nhiều sự tự tin. Anh ta không thích chơi an toàn mà thích đóng vai anh hùng cứu thế. Để đi bóng đột phá hay làm những gì siêu nhân như vậy, điều căn bản nhất Bakayoko cần có chính là sự tự tin.
Nhưng, tiền vệ người Pháp lấy đâu ra sự tự tin khi liên tục bị chỉ trích như vậy. Nói gì thì nói, Bakayoko suy cho cùng vẫn chỉ là một cầu thủ trẻ. Những ngôi sao mai kiểu này khi bùng nổ thì chẳng ai bằng nhưng lại gặp vấn đề tâm lý khá yếu. Chỉ cần họ mất tự tin vào bản thân mình thì dù có giỏi đến mấy cũng hóa zero.
Sau một mùa giải thảm họa tại Chelsea, không khó hiểu khi Bakayko đánh mất niềm tin vào chính mình. Vì thế, ngay cả khi chuyển đến khoác áo một CLB không đặt quá nhiều kỳ vọng như Milan, cựu ngôi sao Monaco cũng chơi như cái xác không hồn.
Liệu Bakayoko có thể đứng dậy và tìm lại chính mình?
Hồi còn ở Pháp, Bakayoko vẫn chỉ là cầu thủ vô danh. Nhưng giờ mọi thứ đã khác. Áp lực buộc tiền vệ này phải đáp ứng được yêu cầu của HLV và các CĐV ngay lập tức. Không ai đủ kiên nhẫn để dạy Bakayoko như Makelele hay Jardim. Giờ đây, anh ta cần phải tự tìm lại sự tự tin cho chính mình.
Được biết, AC Milan sẽ cho cầu thủ này thêm 6 trận để chứng tỏ bản thân. Sau thời gian đó, nếu không có gì khả quan, anh sẽ bị trả về Chelsea. Mà giờ ở Anh, Chelsea đang chơi quá hay dưới bàn tay của Sarri, chỗ đâu cho Bakayoko nữa?
Vậy nên, lớn nhanh thôi Bakayoko ạ. Chính anh không tự cứu mình thì cũng chẳng ai bận tâm cứu anh nữa đâu!