10 năm trước, Lê Công Vinh từng gặp nhiều vấn đề khi từ Hà Nội T&T (nay là Hà Nội FC) tới Bồ Đào Nha tập cùng CLB Leixoes. Trong cuốn tự truyện "phút 89", anh kể về những lần ngồi cô đơn ở phòng thay đồ vì không hiểu các đồng đội đang nói gì. Nhiều vấn đề từ đấy nảy sinh và khiến anh trở thành một kẻ khó gần ở CLB. Mất đi sự kết nối trong một tập thể, thành công sẽ càng khó tới.
Không chỉ Công Vinh, Công Phượng cũng là trường hợp điển hình. Chính cựu HLV trưởng Incheon United Jorn Andersen chia sẻ rằng tiếng Anh của Phượng không tốt dẫn tới khó khăn trong hoà nhập, thấu hiểu vấn đề ông muốn truyền tải chứ chưa nói đến kết nối với các đồng đội Hàn Quốc, những người không nói được tiếng Anh. Vấn đề tương tự xảy ra ở Sint-Truidense V.V dù đội bóng này gồm hầu hết các cầu thủ nói được thứ tiếng thông dụng nhất thế giới.
Công Vinh và Công Phượng từng chật vật khi ra nước ngoài chơi bóng vì ngoại ngữ không tốt. Ảnh: MC.
Thế nhưng, tiếng Anh tốt có chắc đã thành công?
Trong một cuộc trò chuyện nhanh với Chung Kyu-jin, cựu phiên dịch Hàn – Anh của HLV Park Hang-seo tại AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019, anh nói: "Ở đội tuyển Việt Nam, Văn Lâm, Xuân Trường và Công Phượng là những người nói tiếng Anh ổn nhất. Tôi thấy vậy sau những lần giao tiếp". Chung nói thêm rằng thứ tự những cái tên tương ứng từ tốt nhất trở xuống.
Đó là câu chuyện của 1 năm trước và cái tên Đoàn Văn Hậu không xuất hiện. Thực tế chứng minh, Văn Lâm và Xuân Trường có kỹ năng nói tiếng Anh tốt nhất thông qua các video trả lời phỏng vấn, qua những cuộc giao tiếp với các đồng đội nước ngoài. Xuân Trường đi tới bất kỳ CLB nào từ Hàn Quốc đến Thái Lan cũng tạo lập được mối quan hệ thân thiết với những ngoại binh. Cùng với Tuấn Anh, họ là những cầu thủ có vốn ngoại ngữ tốt nhất mà lò đào tạo HAGL của bầu Đức hướng tới.
Tuy nhiên, kết quả xuất ngoại của Văn Lâm và Xuân Trường là hai ngã rẽ trái ngược. Văn Lâm thành công, Xuân Trường thất bại, chí ít ở số trận ra sân chứ chưa bàn tới tầm ảnh hưởng với CLB chủ quản.
Trường hợp Xuân Trường phần nào chứng minh được rằng có ngoại ngữ tốt chưa chắc đã xuất ngoại thành công. Muốn thành công, còn vô vàn yếu tố cộng hưởng như trình độ, khả năng thích nghi,… thậm chí kể cả một chút may mắn. Thậm chí, nếu bạn có tài năng thật sự, ngoại ngữ sẽ không còn trở thành lý do cho thất bại. Chanathip Songkrasin, "Messi Thái Lan", là ví dụ điển hình.
Cùng sang Thái Lan thi đấu, cùng có thể nói tiếng Anh tốt nhưng kết quả tại CLB mới của Văn Lâm và Xuân Trường hoàn toàn trái ngược nhau. Ảnh: PH.
Nói về Chanathip Songkrasin, anh sang Nhật Bản với sự chuẩn bị kỹ càng từ Muangthong United mà trước tiên là việc cử một người thấu hiểu văn hoá và ngôn ngữ Nhật Bản đi cùng. Văn Hậu cũng nhận được sự hỗ trợ ấy.
Anh có người đại diện, vừa là người chú thân thiết, vừa là Việt kiều nhiều năm sinh sống tại châu Âu. Đấy là điều những Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Lâm và Xuân Trường đều chưa từng nhận được.
Thế nhưng, sự chuẩn bị trên không phải yếu tố lớn nhất giúp Chanathip Songkrasin thành công. Không khó nhận ra vấn đề thật sự nằm ở trình độ chuyên môn. Bản hợp 5 năm sau đó cùng với việc liên tục được đá chính đã chứng minh: Chanathip Songkrasin đáp ứng chất lượng ở J.League 1, điều mà tất cả các cầu thủ Việt Nam trước đây và hiện tại chưa từng làm được, kể cả ở J.League 2.
Song song với việc học thêm ngoại ngữ, dấu ấn chuyên môn trên sân mới là điều khiến Chanathip tồn tại ở giải đấu khắc nghiệt bậc nhất châu Á. Cũng như Chanathip, Văn Lâm chứng minh anh là thủ môn hàng đầu Đông Nam Á ở Muangthong United. Chất lượng vì thế quyết định phần lớn cơ hội tồn tại của cầu thủ khi ra nước ngoài.
Chanathip Songkrasin được bầu chọn vào đội hình tiêu biểu J.League 1 năm 2018. Chanathip vẫn được xem là cầu thủ Đông Nam Á thành công nhất ở nước ngoài tính đến thời điểm này. Ảnh: J.League Awards.
Từ những dẫn chứng tiêu biểu trên để thấy, ngoại ngữ không quyết định thành công của cầu thủ khi xuất ngoại nhưng không vì thế mà bỏ qua học hành. Chanathip Song krasin vẫn bỏ ra 1 giờ mỗi ngày để cải thiện tiếng Nhật thay vì tiếng Anh. Không khó hiểu cho quyết định này khi anh sẽ gắn bó thêm 4 năm nữa tại xứ sở mặt trời mọc, vừa hết độ tuổi chơi bóng đỉnh cao.
Còn Đặng Văn Lâm thì khẳng định tiếng Anh tốt thôi cũng chưa đủ. Anh vẫn cần học thêm một số từ Thái Lan đơn giản nhằm phục vụ cho giao tiếp với các đồng đội bản địa trên sân. Những chữ số, những câu khẩu lệnh "trái", "phải", "phòng ngự", "dâng lên",… bằng tiếng Thái là ví dụ.
Anh thừa nhận điều ấy có ích trong việc kết nối khi phần lớn các cầu thủ là người Thái Lan. Đấy cũng được coi là ngôn ngữ riêng của bóng đá nhưng được thể hiện bằng ngôn ngữ khác nhau. Nếu chỉ có tiếng Anh, chỉ vin vào việc bóng đá có ngôn ngữ riêng mà không biết cách thể hiện, mặc kệ việc trau dồi, Văn Lâm sẽ không phải cầu thủ Việt Nam xuất ngoại thành công nhất trong lịch sử tính đến thời điểm này.
Với việc giỏi một ngoại ngữ, cầu thủ Việt Nam có thể thành công như Văn Lâm nhưng có thể vẫn thất bại như thường giống Xuân Trường.
Với ngoại ngữ không tốt, bạn sẽ bơ vơ như Công Vinh, Công Phượng nhưng vẫn có thể thành công như Chanathip Songkrasin.
Ở Hà Nội FC và đội tuyển quốc gia, Văn Hậu là "quái kiệt" bên hành lang cánh trái. Ở Hà Lan, anh như một cầu thủ trẻ chờ thời. Ảnh: Hiếu Lương - Tuấn Mark.
Với Văn Hậu, anh là hậu vệ xuất sắc bậc nhất Đông Nam Á, được người đại diện thấu hiểu văn hoá châu Âu đi theo hỗ trợ và vẫn hàng ngày học thêm ngoại ngữ. Với những điểm tích cực ấy, Văn Hậu đáng lẽ đã phải để lại dấu ấn nào đó như Văn Lâm, như Chanathip ở CLB mới thay vì dự bị mỏi mòn.
Thật khó để lấy ngoại ngữ làm nguyên nhân chính dẫn đến tình cảnh hiện tại của Văn Hậu. Câu trả lời thực tế hơn có lẽ nằm việc anh không đáp ứng được trình độ trong môi trường bóng đá Hà Lan như những gì xảy ra với Công Phượng ở Bỉ. Nếu vậy, đó là đòn đau giáng vào đội ngũ tuyển trạch và ban huấn luyện SC Heerenveen.
Thế nhưng, sai lầm như vậy vẫn sẽ nhẹ nhàng hơn một thực tế khác mang tên hợp đồng thương mại, như những gì Chủ tịch danh dự Riemer van der Velde thắc mắc: "Nếu chỉ bộ phận thương mại của Heerenveen thấy anh ta hấp dẫn thì không thể ký hợp đồng với một cầu thủ đến từ một đất nước xa xôi như vậy. Tình hình tài chính của CLB cũng không thấy khá hơn. Cậu ấy nên đến đây với khả năng chơi được ở đội một Heerenveen. Tôi không thể hiểu được tại sao lại xảy ra bản hợp đồng này".
Nếu điều này là thật, đấy sẽ là cách đối xử tệ nhất của các CLB với tài năng của bóng đá Việt Nam như Văn Hậu.
HLV Chu Đình Nghiêm sẵn sàng chào đón Văn Hậu trở về. T/H: GN.
Đoàn Văn Hậu lập siêu phẩm sút xa ở buổi tập tại SC Heerenveen. Nguồn: SC Heerenveen.
Bạn nên quan tâm