Nhà tài trợ cho Chiangrai United là một hãng hàng không của Việt Nam. Vị trí đặt logo của nhà tài trợ cho thấy tầm quan trọng của sự hợp tác giữa hai bên.
Logo mới được đặt ở phía dưới một thương hiệu của tập đoàn Singha, đơn vị quản lý Chiangrai United. Theo thông lệ thế giới, logo của nhà tài trợ chính thường được đặt ở ngực áo với kích thước lớn giúp các CĐV dễ dàng nhìn thấy.
Logo nhà tài trợ mới đến từ Việt Nam được đặt ở phần bụng áo của Chiangrai United (Ảnh: Chiangrai United)
Theo Chiangrai Times, hợp đồng giữa nhà tài trợ mới và Chiangrai United không tiết lộ thời hạn. Phía nhà tài trợ sẽ cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng không cho các thành viên trong CLB để di chuyển khắp nơi trong khuôn khổ Thai League 1, tuỳ vào đường bay của hãng.
Việc thương hiệu Việt Nam tài trợ cho các CLB Việt Nam cũng từng rộ lên từ hai năm trước khi bia Sài Gòn trở thành một trong những nhà tài trợ cho Leicester City, CLB từng giành chức vô địch Giải Ngoại hạng Anh mùa 2015/2016. Logo của hãng xuất hiện trên tay áo của Leicester City. Hiện tại, bia Sài Gòn thuộc quyền quản lý của một công ty nước ngoài. Tuy nhiên, thương hiệu vẫn mang đậm yếu tố Việt Nam.
Trường hợp của Chiangrai United hay Leicester City cho thấy, các CLB Việt Nam đang thua ngay trên sân nhà về khoản kêu gọi tài trợ. Việc một doanh nghiệp Việt tài trợ cho đội bóng nước ngoài, đặc biệt là Thái Lan, một nước ở Đông Nam Á, trong khi các CLB ở trong nước đang chật vật tìm kiếm thêm nguồn thu tạo nên một thực tế buồn.
Các CLB ở V.League hay Thai League 1 có điểm chung là nguồn tài chính lớn nhất thường tới từ công ty của ông chủ đội bóng. Khác biệt ở chỗ, các CLB Thai League 1 kêu gọi được thêm nhiều nhà tài trợ khác.
Với nhà tài trợ mới, Chiangrai United đã có 19 thương hiệu đổ tiền cho họ. Thế nhưng, con số này vẫn chưa là gì với Buriram United, họ có 29 nhà tài trợ ở mùa giải 2020. Những con số đáng mơ ước với các đội bóng Việt Nam.
Các CLB Việt Nam đá ngang ngửa thậm chí có thể đánh bại những đội bóng mạnh nhất Thái Lan nhưng về khoản kêu gọi tài trợ thì lại thua xa (Ảnh: Buriram United)
Xét tổng thể, những đội bóng Thái Lan được chống lưng bởi các tập đoàn lớn vẫn khác biệt so với phần còn lại. Tuy nhiên, không vì thế mà các đội bóng khác nản lòng. Họ vẫn kiên trì xây dựng đội bóng, tự cân đối thu chi theo định hướng mô hình như Giải ngoại hạng Anh mà Hiệp hội bóng đá Thái Lan (FAT) và Công ty Thai League theo đuổi.
Ở Việt Nam, các CLB ngoài một doanh nghiệp lớn đứng ra tài trợ (thường là của ông chủ) lại rất khó khăn trong việc tìm thêm những khoản thu khác. Những doanh nghiệp lớn của Việt Nam không ít nhưng để họ móc hầu bao tài trợ cho CLB vẫn là điều xa xỉ. Thay vào đó, họ tài trợ hoặc thưởng cho các đội tuyển quốc gia như một cách quảng bá hình ảnh tốt hơn.
Năm 2017, Toyota từng bỏ V.League sau 3 năm gắn bó nhưng lại tăng tiền tài trợ cho các giải thuộc Thai League. Sau những phân tích, quyết định của Toyota dường như không nằm ở chất lượng sản phẩm mà nằm ở cách làm bóng đá giữa Công ty VPF với Công ty Thai League, giữa các CLB Thái Lan và các CLB Việt Nam. Và có lẽ, nhiều doanh nghiệp Việt cũng đang nghĩ như Toyota.
Bạn nên quan tâm