Chiều 29/11, U17 Hallmen TP.HCM chạm trán chủ nhà PVF. Thất bại 0-5 là điều khó tránh khỏi nhưng tinh thần chiến đấu đến phút cuối là điều khiến họ nhận được những cái vỗ tay từ chính CĐV đối phương.
Hallmen TP.HCM là một cái tên xa lạ ở giải đấu trẻ tầm quốc gia nhưng mang những chi tiết đặc biệt, in đậm dấu ấn của bóng đá cộng đồng.
Đầu tiên, U17 Hallmen TP.HCM được dẫn dắt bởi ông Han Young-kuk, một người Hàn Quốc đặc biệt ở Việt Nam.
HLV Han không chỉ sinh sống ở dải đất hình chữ S hơn 20 năm và biết tiếng Việt, ông còn sở hữu tấm bằng HLV Pro của FIFA. Cũng ở lớp học ấy, ông gặp HLV Park Hang-seo. Cả hai trở thành bạn và nhân duyên còn giúp họ gặp lại nhau tại Việt Nam khi ông Park sang dẫn dắt ĐTQG và U23 Việt Nam.
Có một đợt tập trung ngắn, HLV Park Hang-seo không có được sự hỗ trợ từ trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa. Ông Han nhận lời tạm trám vào vị trí ấy dù cho các phát âm tiếng Việt còn có những hạn chế khiến cầu thủ khó hiểu. Những gì ông làm bao gồm cả sự dũng cảm và tình nghĩa.
Điểm đặc biệt thứ hai của U17 Hallmen TP.HCM là ở chỗ họ gồm toàn cầu thủ dân tộc thiểu số như Giẻ Trêng, Ê-đê, La Ha. Tập hợp cùng nhau ở TP.HCM, họ đi đến VCK U17 Cúp quốc gia với suy nghĩ giản đơn: Biết PVF là thế nào và được ở lại càng lâu càng tốt.
HLV Han Young-kuk tập hợp một đội gồm 16 cầu thủ vừa đủ 11 người đá chính và 5 cầu thủ dự bị khi đăng ký danh sách thi đấu trước trận. Gặp U17 PVF, danh sách của U17 Hallmen TP.HCM dài đúng bằng một nửa đội bạn.
HLV Han Young-kuk đề cao tinh thần thi đấu, đạo đức và cách hành xử của các cầu thủ trẻ (Ảnh: VFF - Hallmen FC)
Ông Han kể về cách xây dựng nên một đội bóng đặc biệt như vậy: "Tôi đến sinh sống ở Việt Nam khoảng hơn 20 năm rồi. Tôi bắt đầu dành thời gian dạy bóng đá sau những chuyến du lịch ở nhiều tỉnh thành.
Các em nhỏ người đồng bào thiểu số rất muốn được đá bóng và học bóng đá nhưng không ai quan tâm. Tôi tìm kinh phí lo cho các em ăn học, tập luyện và tôi chỉ nhận những em có hoàn cảnh khó khăn thôi. Tôi luôn nghĩ về tuổi thơ tôi. Lúc 10, 11 tuổi cũng nghèo khó lắm.
Tôi luôn khuyên các em phải cố gắng học văn hóa thật giỏi. Phải giỏi văn hóa trước. Bóng đá sau. Rồi khi không theo bóng đá, ra đời làm gì cũng có thể được. Các em không chịu học là không được.
Đội bóng của tôi chỉ có 15-17 cầu thủ có thể thi đấu thôi, các em đều là những người đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng miền núi cả. Các đối thủ khác ở bảng này đều rất mạnh, tôi bảo các em cứ cố gắng thôi, ra sân là phải thi đấu hết mình".
Hallmen TP.HCM được tạo nên như thế. Cái tên gồm một doanh nghiệp tài trợ và nơi họ tập hợp tập luyện. Phần cốt bên trong gồm một ông thầy Hàn Quốc và những cậu bé dân tộc thiểu số. Đội bóng này đơn giản là một sân chơi bóng đá cộng đồng dành cho những cậu bé dân tộc thiểu số, để các em được nuôi giấc mơ như những bạn bè ở miền xuôi.
Kỷ niệm lớn nhất trong 5 năm dẫn dắt những cậu bé này của HLV Han Young-kuk là vào năm 2018 với chức vô địch Giải U15 của TP.HCM. Khi ấy, đội đại diện cho học sinh huyện Bình Chánh, TP.HCM tham dự giải.
Ở VCK U17 Cúp quốc gia 2020, Hallmen TP.HCM gây bất ngờ khi đánh bại U17 TP.HCM, đội bóng được nuôi bằng tiền của thành phố, với tỷ số 1-0 ở trận ra quân. Trận thắng này vì thế có thể mở ra cơ hội để họ lọt vào vòng sau, giữ đúng mục tiêu ở lại PVF càng lâu càng tốt.
Danh sách đăng ký thi đấu của U17 Hallmen TP.HCM:
A Dô Liêm, Y Phun Niê (thủ môn), A Quỳ, Y Hin Êban, A Giô Sê, A Vũ, Y Simăn HĐớk, A Đào, A Thạch, A Na Lực, A Bê Tên, A Nghệ, Y Khoan Ê Ban, A Ly Thoáng, A Toàng, A Lợi.