Để làm nên kỳ tích ấy, tuyển Hàn Quốc đã thực sự đoạt tấm vé đi tiếp từ “cửa tử”. Ngay trước trận đấu, không một cổ động viên xứ kim chi nào có thể lạc quan về một trận thắng cho đội nhà. Họ bị đánh giá là cửa dưới, đối mặt với đội bóng đang khao khát đòi món nợ 20 năm từ World Cup 2002, thiếu vắng các trụ cột… tất cả các yếu tố bất lợi đều hướng về Son Heung-min và các đồng đội.
Khó khăn chồng chất khó khăn, Hàn Quốc sớm nhận bàn thua ngay từ phút thứ 5, sau tình huống Pepe chuyền dài vượt tuyến phát động tấn công từ phần sân nhà, để Dalot thoát xuống bên cánh phải rồi căng ngang để tân binh Horta mở tỷ số cho Bồ Đào Nha. Việc thiếu vắng trung vệ duy nhất đang chơi bóng ở châu Âu là Kim Min-jae (chấn thương, đang khoác áo Napoli) rõ ràng khiến Hàn Quốc bị ngợp trước pha phối hợp nhanh của đối thủ.
Bị thua sớm, trong khi ở trận đấu cùng giờ, Ghana được hưởng quả phạt đền ở phút 21 và đứng trước cơ hội đánh bại Uruguay. Nếu kịch bản này xảy ra, dù Hàn Quốc giành chiến thắng đậm trước Bồ Đào Nha, họ vẫn bị loại. Tuy nhiên, số phận đảo chiều chỉ trong tích tắc.
Ayew sút hỏng penalty, Uruguay sau đó vượt lên với 2 bàn thắng liên tiếp, còn Hàn Quốc cũng có bàn gỡ hòa 1-1 ở phút 27, xuất phát từ một tình huống đá phạt góc. Trung vệ Kim Young-Gwon tận dụng triệt để pha “kiến tạo” của Cristiano Ronaldo để mang về bàn thắng đầu tiên cho Hàn Quốc.
Ở những kỳ World Cup trước, các đội bóng châu Á thường tận dụng tốt tình huống bóng chết để tạo bất ngờ cho đối thủ, đặc biệt là Hàn Quốc. Trong 34 bàn thắng họ đã ghi ở các kỳ World Cup gần đây, có tới 12 bàn xuất phát từ những tình huống bóng chết, chiếm 35%.
Khi vào đến bán kết World Cup 2002, Hàn Quốc ghi 2 bàn từ quả đá phạt trực tiếp. Đến năm 2006, họ lần đầu tiên đánh bại “hiện tượng châu Phi” Togo 2-1 ở vòng bảng, cũng nhờ pha đá phạt ngoài vòng cấm thành bàn tuyệt đẹp của Lee Chun Soo. 4 năm sau, chiến tích lần đầu lọt vào vòng 1/8 của Hàn Quốc (không tính 2002 với tư cách chủ nhà) có dấu ấn đậm nét từ những quả đá phạt: 4/6 bàn của họ ghi từ các tình huống bóng chết.
Trên đất Nga 4 năm trước, chính cú đá phạt góc của Son Heung-min đã giúp Kim Young-gwon khai thông thế bế tắc cho Hàn Quốc. Bàn thắng này tương đối giống với pha lập công của anh đêm qua. Nó cũng giúp Hàn Quốc lần đầu tận dụng thành công một tình huống phối hợp đá phạt. Trước đó, thầy trò HLV Bento có tới 15 quả phạt góc cùng 18 quả phạt trực tiếp bên phần sân đối phương nhưng không thành công dù chỉ 1 lần.
Trong quá trình chuẩn bị cho World Cup, Bento ưu tiên cho các cầu thủ Hàn Quốc tập không chiến và phối hợp đá phạt. Và cuối cùng, sự kiên trì và tin tưởng của ông cũng mang về thành quả, giúp đội nhà tìm đường sống từ bóng chết.
Khoảnh khắc Son Heung-min chạy nước rút khó tin từ vòng cấm địa đội nhà ở phút 90+1, “xâu kim” Dalot để Hwang Hee-Chan dứt điểm thành bàn, mang về chiến thắng 2-1 cùng tấm vé đi tiếp cho Hàn Quốc, tất cả cảm xúc đã vỡ òa. Đường bóng hoàn hảo tới từng cm một lần nữa chứng minh, người Hàn luôn nỗ lực tìm kiếm cơ hội khi còn có thể. 4/7 bàn thắng của họ vừa qua được ghi ở phút 90.
Những cố gắng không ngừng nghỉ của HLV Bento, Son Heung-min và các đồng đội đã giúp Hàn Quốc góp mặt ở vòng 1/8. Năm 2010, họ bị Uruguay loại trước ngưỡng cửa tứ kết. Liệu tại Qatar năm nay, trước một đối thủ Nam Mỹ khác, thậm chí còn là ứng viên vô địch số 1 - Brazil, họ có thể làm nên bất ngờ?
Bạn nên quan tâm