Đất nước hình lục lăng là nơi xuất xứ của giải thưởng danh giá Quả bóng vàng châu Âu, cũng chính người Pháp đề xuất ý kiến tổ chức World Cup và Cúp C1. Thậm chí, chiếc cúp vô địch Euro được mang tên Henri Delaunay, Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Pháp, người được coi là cha đẻ của giải vô địch dành cho các quốc gia châu Âu (EURO). Dẫu vậy đến trước năm 1984, thành tích của Les Bleus ở các giải đấu lớn gần như không có gì nổi bật, ngoại trừ chiếc HCĐ ở World Cup 1958 và xếp hạng tư vào năm 1982.
Tuy nhiên, ở lần thứ 2 có vinh dự làm chủ nhà Euro, Gà trống Gaulois lại tràn trề cơ hội bước lên đỉnh châu Âu.
Đội bóng áo lam khi đó sở hữu đội hình có thể gọi là thế hệ vàng đầu tiên của mình, hơn cả thời của Raymond Kopa và Just Fontaine năm 1958, khi Pháp đánh bại CHLB Đức 6-3 ở trận tranh hạng ba. Họ có "khối vuông huyền ảo", bộ tứ vệ trứ danh Michel Platini, Alain Giresse, Jean Tigana và Luis Fernandez ở khu vực giữa sân. Hàng phòng ngự có sự góp mặt của thủ thành Joel Bats cùng với các hậu vệ như Patrick Battiston hay Maxime Bossis tỏ ra vô cùng chắc chắn.
Vấn đề của tuyển Pháp năm đó nằm ở hàng tấn công. Kể từ sau khi Just Fontaine giải nghệ, "Những chú gà trống Gaulois" vẫn chưa sản sinh thêm được một cây săn bàn thiện nghệ nào. HLV huyền thoại Hidalgo khi ấy quyết định đặt trọng trách ghi bàn lên vai ngôi sao sáng nhất của đội bóng, Michel Platini. Cầu thủ đang thuộc biên chế CLB Juventus đã hai lần đoạt Quả bóng vàng châu Âu trước đó vào các năm 1983 và 1984. Ông tiếp tục giành danh hiệu này một lần nữa vào năm 1985 khi giúp Juventus lần đầu tiên vô địch Cup C1, qua đó cùng với Lionel Messi sau này trở thành cầu thủ có 3 lần liên tiếp đoạt giải thưởng danh giá nhất thế giới do tạp chí France Football trao tặng. Platini đến EURO 1984 sau 3 lần liền trở thành vua phá lưới tại Serie A nhờ những pha ghi bàn từ hàng tiền vệ.
Bước vào giải đấu, Platini là người ghi bàn thắng duy nhất giúp Pháp vượt qua Đan Mạch trong trận khai mạc. Màn kết hợp ăn ý giữa Giresse và Tigana tạo điều kiện cho Platini thoải mái chơi bóng theo ý mình bất chấp sự đeo bám khó chịu đến từ các hậu vệ đối phương. Trận đấu tiếp theo với đội tuyển Bỉ thực sự là sân khấu của riêng Michel Platini với một cú hat-trick. Hai pha lập công khác của Giresse và Fernandez giúp Pháp hoàn tất chiến thắng đậm đà 5-0.
Lượt đấu thủ tục giữa Pháp gặp Nam Tư lại diễn ra vô cùng hấp dẫn. Nam Tư bất ngờ mở tỷ số trước và chỉ chịu thua 2-3 bởi phong độ xuất sắc của Platini. Trận thứ hai liên tiếp Platini lập hat-trick, nâng số bàn thắng ghi được lên con số 7 chỉ sau vòng bảng. Chủ nhà hiên ngang tiến vào bán kết với 3 trận toàn thắng.
Trận bán kết giữa Pháp và Bồ Đào Nha là một trong những trận đấu hay nhất tại các vòng chung kết Euro từ trước đến nay. Michel Platini một lần nữa trở thành tâm điểm khi đóng góp 2 kiến tạo trong 90 phút thi đấu chính thức cho chủ nhà để rồi chính cầu thủ mang áo số 10 là người ghi bàn thắng ấn định tỷ số 3-2 ở phút thi đấu cuối cùng của hiệp phụ thứ 2, đưa Pháp vào trận chung kết gặp Tây Ban Nha.
Trong trận chung kết đối đầu với "Bò tót", Pháp thể hiện vị thế của một ứng viên vô địch với lối chơi áp đặt dù Tây Ban Nha mới là đội khởi đầu ấn tượng hơn. Thời điểm bước ngoặt xảy ra ở phút 57 khi thủ thành Arconada mắc một sai lầm tai hại làm hoen ố cả sự nghiệp. Anh đổ người đón bóng, nhưng lại để nó trôi qua người và lăn vào lưới trong ánh mắt ngỡ ngàng của đồng đội. Bàn thua làm tan biến sự hưng phấn mà Tây Ban Nha mang theo từ đầu giải.
Thời gian còn lại, với lợi thế dẫn trước, các tuyển thủ Pháp mặc sức tung hoành và tạo ra nhiều pha hãm thành nguy hiểm. Bàn thắng ở phút 90 của Bruno Bellone ấn định chiến thắng chung cuộc 2-0 cho thầy trò Hidalgo. Trong số 14 lần tuyển Pháp làm tung lưới đối phương, đây là bàn duy nhất được ghi do công của một tiền đạo. Riêng Platini ghi tới 9 bàn thắng sau 5 trận đấu, một kỷ lục tồn tại cho đến tận ngày nay. Đáng chú ý, anh ghi bàn bằng cả chân trái, chân phải, bằng đầu và đá phạt, đồng thời còn tạo nhiều cơ hội ngon ăn cho đồng đội. Một mình Platini ghi được nhiều bàn thắng hơn so với cả hai đội Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Trong suốt năm 1984, Les Bleus thi đấu 12 trận và giành chiến thắng trong cả 12 trận đó.
Bạn nên quan tâm