LPL được xem là giải Liên Minh Huyền Thoại hàng đầu không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên cả trường quốc tế. Bên cạnh việc sản sinh nhiều tài năng, giải đấu cũng thu hút hàng loạt ngôi sao tên tuổi khác. Thế nhưng, để trở thành một phần của LPL không phải điều dễ dàng với các tuyển thủ.
LPL được xem là mảnh đất màu mỡ để phát triển tài năng. Nhưng, điều này chỉ đúng với các tuyển thủ lớn, cộm cán. Hay như chia sẻ của Sohu: "Đây là giải đấu khốc liệt nhất giới Esports Trung Quốc. Ngay cả những tài năng ở LDL cũng không có nhiều cơ hội đến với sân chơi này".
Cuối năm 2020, Sohu tiết lộ hàng loạt sự thật khiến cổ động viên xót xa. Huanfeng, xạ thủ nổi tiếng của Suning phải try hard đến sáng trong nhiều ngày liên tiếp. Chưa hết, trong đêm giao thừa, nhiều người chơi bắt gặp Huanfeng leo rank không ngừng nghỉ, bỏ qua thời gian sum họp cùng các đồng đội.
Trong khi đó, QQ chỉ ra rằng, Edward Gaming là đội tuyển nghiêm khắc nhất với các tuyển thủ. Hàng ngày, mỗi thành viên chỉ được ra ngoài vào lúc 12h20. Thời gian còn lại, họ phải tập trung train team. Lúc ấy, không ai được rời khỏi phòng và cũng bị cấm cười nói, đùa giỡn.
QQ cho rằng đây là cách quản lý, huấn luyện bài bản những cũng quá hà khắc với các tuyển thủ. "Có thể hiểu tại sao không phải ai cũng đủ tư chất trở thành game thủ chuyên nghiệp. Và cũng dễ hiểu lý do gì nhiều người chơi chăm chỉ nhưng mãi ở hạng đồng", cây bút Esports của QQ nêu quan điểm.
Ở góc độ tập thể, không phải đội nào cũng có thể góp mặt tại LPL. Đầu tiên, mỗi cái tên phải có thành tích thi đấu, đội hình nổi bật ở giải đấu hạng 2. Nếu không, họ phải được sở hữu bởi một ông chủ giàu có, có tiềm lực kinh tế và sẵn sàng bỏ tiền mua suất đánh chính. Theo truyền thông Trung Quốc, để gia nhập LPL, một đội tuyển có thể phải móc hầu bao khoảng 50 triệu NDT (khoảng 180 tỷ VNĐ).
Điều khủng khiếp nhất ở giải đấu số 1 Liên Minh Huyền Thoại Trung Quốc là áp lực dư luận. Hay đúng hơn, cổ động viên sẽ phỉ báng, chỉ trích tuyển thủ đến cùng cực khi họ thất bại. Gần nhất, SofM chịu đả kích lớn với thất bại của Suning tại vòng 3 playoffs LPL mùa Xuân 2021.
"Thần rừng" SN lên vị trí 14 hot Weibo. Chưa dừng lại ở đó, nhiều tài khoản mỉa mai Duy "Cầu Giấy" chỉ biết kiếm tiền ở LPL, nên sớm trở về Việt Nam thi đấu. Trong khi, đồng đội của SofM, Huanfeng còn đối mặt với tình trạng tồi tệ hơn.
Trên sóng livestream hồi tháng 3, xạ thủ SN bật khóc nức nở vì bế tắc. Anh không thể chịu nổi việc cộng đồng mạng liên tục sỉ nhục anh. Điều này khiến Huanfeng bị đồng đội cô lập tại đội nhà.
Thậm chí, anh còn tỏ ra hối hận khi trở thành game thủ: "Nếu có thể chọn lại, tôi không bao giờ theo con đường thi đấu chuyên nghiệp nữa. Tôi sẽ đi học bình thường như bao người khác".
Bao nhiêu đó chưa đủ, các thành viên của Top Esports cũng từng trải hoàn cảnh tương tự. Cụ thể, ở những ngày đầu LPL mùa Xuân 2021, đội nhà thất bại trước Suning.
Cổ động viên chỉ trích thẳng Karsa khi anh dẫn theo bạn gái vào hậu trường cổ vũ. Sau đó, anh phải lên tiếng phủ nhận, đồng thời cật lực tập luyện để làm hài lòng fan đội nhà.
Đây cũng trở thành lý do khiến nhiều đội tuyển e ngại để các game thủ sử dụng mạng xã hội. EDG quản lý nghiêm ngặt quyền riêng tư của thành viên. Họ cũng không để các game thủ tìm bạn gái trong thời gian thi đấu cho đội nhà.
Sohu nhiều lần tỏ ra ngán ngẩm trước sự hà khắc của người hâm mộ LPL. Trang tin chỉ trích các cổ động viên chỉ muốn thỏa mãn tham vọng cá nhân mà quên đi các game thủ cũng là người. Chưa kể, khi đội tuyển thất bại, nhiều người không thể chấp nhận, đồng thời đem các thành viên ra đổ lỗi.
LPL có thể trở thành bệ phóng vững chắc cho sự nghiệp của các tuyển thủ. Nhưng rõ ràng, để tồn tại ở đây, mỗi người phải tuân thủ cuộc chiến khốc liệt về mặt tinh thần cũng như thể chất.
Bạn nên quan tâm