"Theo kế hoạch đàm phán và bàn bạc giữa các bên liên quan thì cố gắng vào cuối tháng 6, tức vòng 14 V.League 2019 thì VAR sẽ được áp dụng", Chủ tịch VPF Trần Anh Tú chia sẻ.
Ông nói tiếp: "Tất nhiên, nếu mọi việc thuận lợi thì sẽ áp dụng ngay từ đầu giai đoạn lượt về của mùa bóng, còn xảy ra trục trặc thì chúng tôi sẽ dời lại một vài vòng đấu. Quan điểm của VPF là phải cố gắng đưa VAR vào sử dụng một cách sớm nhất nhằm đảm bảo tính công bằng cho giải đấu".
Chủ tịch Trần Anh Tú chia sẻ về quyết định dùng VAR của VPF tại V.League 2019. Ảnh: Dũng Phương.
Tuy nhiên, việc V.League áp dụng VAR theo chuẩn FIFA là điều không thể. Ví dụ ở World Cup 2018, FIFA tốn khoảng 700.000 USD (khoảng 15 tỷ đồng) cho 1 trận đấu có VAR. Nếu áp dụng tại giai đoạn lượt về V.League 2019, với 91 trận đấu, sẽ tiêu tốn hơn 1.400 tỷ đồng. Con số quá lớn ấy vượt quá khả năng chi trả của VPF, vì vậy Chủ tịch Trần Anh Tú mong các đội bóng và khán giả hãy thông cảm bởi kinh phí hiện tại không thể đáp ứng.
Tuy nhiên, lãnh đạo VPF vẫn quyết tâm tìm những phương án tối ưu nhất để có thể áp dụng VAR tại V.League 2019 mà vẫn đảm bảo nguồn tiền. Nếu theo cách giải thích của ông Tú, hạng đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam sẽ dung VAR theo kiểu "con nhà nghèo".
"Mọi người trao đổi chuyển từ sử dụng VAR trung tâm thành VAR đơn lẻ, có nghĩa toàn bộ thiết bị VAR được lắp đặt trên xe 16 chỗ được hoán cải thay vì ngồi ở một phòng trung tâm như trên thế giới. Điều đặc biệt của xe này có thể di chuyển từ sân bóng này sang sân bóng khác. Chúng ta chỉ sử dụng đơn lẻ một xe cho 1 trận đấu. Đó là phương án tối ưu nhất", ông Tú phân tích.
Vị chủ tịch VPF hy vọng trong tương lai khi đảm bảo nguồn tài chính tốt hơn và có thêm nhiều nhà tài trợ lớn, V.League sẽ áp dụng theo mô hình cua Thai League, tức một phòng VAR trung tâm với 4 phòng có thể làm cùng lúc đến 4 trận đấu.
Ở World Cup 2018, một trận đấu dùng VAR có thể tiêu tốn tới 700.000 USD (khoảng 15 tỷ đồng). Ảnh: FIFA.
Trước đó ít hôm, HLV Lee Heung-sil bất ngờ nhắc đến VAR sau trận thua 0-1 của Viettel trước Bình Dương tại vòng 4 V.League. Bàn thắng duy nhất đến từ tình huống gây tranh cãi khi các cầu thủ Viettel cho rằng ngoại binh Wander Luiz cố tình dùng tay đỡ bóng trước khi ghi bàn. Nhà cầm quân Hàn Quốc nhấn mạnh nếu VAR xuất hiện trên sân sẽ xác định được bàn thắng có hợp lệ hay không.
Khi đề cập đến câu chuyện của đội Viettel, ông Tú chia sẻ: "Các đội bóng ủng hộ về việc áp dụng VAR rất nhiều vì có những trận đấu bị ảnh hưởng đến kết quả và gây tranh cãi, như trận đấu giữa Bình Dương gặp Viettel là ví dụ điển hình. Nếu có VAR thì trọng tài sẽ có quyết định chính xác hơn về tình huống đó".
Chủ tịch Trần Anh Tú cũng chia sẻ VPF sẽ đào tạo một số cựu trọng tài và đòi hỏi sự nhanh nhẹn từ họ. Ông Tú giải thích thời gian bóng "chết" trên sân không thể nhiều nên cần trọng tài VAR phải có sự hiểu biết, thông minh để giúp trọng tài chính trong việc có nên tiếp tục hoặc dừng trận đấu hay không.
"Sẽ có 8 camera được áp dụng vào buồng VAR. Như thế phải đòi hỏi trọng tài có sự quan sát nhanh, nhìn tình huống từ 8 màn hình rồi kết hợp với trọng tài chính có nên dừng trận đấu theo quy định FIFA hay không để không làm mất hứng người xem. Nếu trọng tài chính yêu cầu dừng thì đội ngũ kỹ thuật sẽ cung cấp cho vua áo đen trên sân với góc quay tốt nhất để họ có quyết định chính xác", ông Tú nói.
VAR là gì?
VAR là viết tắt của cụm từ Video Assistant Referee (trợ lí trọng tài video), hay hiểu đơn giản nhất thì đây chính là một giải pháp mới với nhiệm vụ xem xét các quyết định của trọng tài thông qua việc sử dụng các đoạn video và một thiết bị liên lạc để đảm bảo sự công bằng trong các trận đấu bóng đá.
Bạn nên quan tâm