Góc tối nước Nga: Hooligan trẻ tuổi và những trận đánh đẫm máu trong rừng sâu

ANH TÚ , 15:11 07/06/2018 | World Cup 2018

Chia sẻ

Để tránh sự kiểm soát gắt gao từ cảnh sát, các hooligan thế hệ mới ở Nga chọn rừng sâu là điểm hẹn cho những trận đánh đẫm máu. Trong suy nghĩ của họ, đã là một người đàn ông thì phải dám đứng lên chiến đấu.

Gần bốn thập kỷ sống trên đời, ăn ngủ ở nửa tá thành phố và hai quốc gia, dù tỉnh táo hay không, dù hạnh phúc hay buồn bực, tôi cũng không bao giờ - và cũng chưa bao giờ đấm ai đó.

Còn bạn, bạn đã lao vào đấm ai chưa?

Vova nhìn tôi cười nắc nẻ. Dĩ nhiên, cậu ta đã từng đấm kha khá người rồi. Vova sống ở thủ đô Moscow, cậu kể năm này qua năm khác, cậu không thể ngừng lao vào đấm ai đó. Việc được tẩn nhau đến khi be bét máu là lẽ sống của cậu, là một phần làm nên con người cậu. Thê nên, Vova nhìn tôi như sinh vật ngoài hành tinh. Bởi đơn giản, trong suy nghĩ của Vova, thằng đàn ông sống trên đời tay không có sẹo chẳng xứng làm đàn ông.

Năm nay, Vova mới 19 tuổi.

Rừng, cảm hứng mãnh liệt cho những cuộc chiến

Có thể bạn sẽ nghĩ khác nhưng sự thật Vova có một cuộc sống hoàn toàn êm ả. Mẹ cậu là một tiếp viên hàng không, thế nên trong phòng cậu nhìn đâu cũng là những tấm hình ghi lại từng nơi đã đi qua. Vova đang theo học ngành thiết kế đồ họa và cậu có một sở thích khác là lướt sóng. Đấm nhau là vậy nhưng Vova lại có một tâm hồn nghệ sĩ, cậu yêu thơ ca và thích văn học, đặc biệt là những tác phẩm của tiểu thuyết gia người Đức, Erich Maria Remarque. Trong một buổi chiều nhẹ nhàng không lao vào những cuộc ẩu đả, tôi cùng cậu dành chút thời gian nhâm nhi tách cafe và tranh luận về hai cuốn sách Đêm ở Lison cùng Mặt trận phía Tây yên tĩnh (cậu ta thích cuốn Lisbon và nói đó là cuốn đỉnh nhất mọi thời đại).

Đến tối hoặc vào những ngày cuối tuần, Vova sẽ vào rừng để tụ họp cùng nhóm hooligan mang tên IX Legion – fan của đội Dinamo Moscow. Tại đây, Vova sẽ lao vào cuộc hỗn chiến với những nhóm cổ động viên khác. Lý do vì sao phải chui vào rừng để đánh nhau rất đơn giản, tất cả đều không muốn dính dáng đến cảnh sát. Những cuộc chiến không có luật lệ, cũng chẳng có trọng tài, ngoại trừ việc đừng có lỡ tay mà giết chết người, mọi thứ khác đều được chấp nhận cả.

Với Vova, chiến đấu là vinh quang. Với Vova, nắm đấm như cây đũa phép nhiệm màu. Với Vova, ý nghĩ không thể lao vào đấm ai đó thật hoang đường, dù cho cậu nhận thức rõ chính quyền Nga đang làm mọi biện pháp để kỳ World Cup diễn ra an toàn.

"Vậy thì", tôi mạnh dạn hỏi Vova, "điều gì của cuộc chiến khiến cậu hứng thú đến vậy?"

"Trong một cuộc chiến, mọi thứ đều trở nên khác biệt", Vova trả lời. "Nó đòi hỏi sự tức giận, căm phẫn hoặc những thứ khác đại loại như vậy".

Góc tối nước Nga: Hooligan trẻ tuổi và những trận đánh đẫm máu trong rừng sâu - Ảnh 1.

Tư tưởng bạo lực sớm hình thành bên trong những cậu trai trẻ như Vova.

Tôi không tin nổi những câu nói ấy lại đến từ một người như Vova. Cậu thanh niên với khuôn mặt sáng sủa, đôi mắt hơi bé còn dáng người xương xẩu. Chất giọng nhẹ nhàng cùng tiếng cười khúc khích làm tôi tìm mãi cũng không thấy nổi một chút tức giận. Đôi khi, vai cậu hơi run lên khi bị tôi đặt một câu hỏi khó. Nghĩ đi nghĩ lại vẫn chẳng thấy cơn thịnh nộ ghê gớm nào lại có thể khiến Vova lao vào đấm nhau với người khác. Nhưng Vova không nghĩ vậy, đối với cậu, cơn tức giận là một phần của cuộc sống, tựa như những tập thơ ca cậu vẫn cất gọn gàng trong chiếc balo.

Rừng là nơi cậu có thể xả hết những nỗi tức giận ra ngoài. Ở đó, tâm trí cậu trở nên mạnh mẽ mỗi ngày.

Tôi phải ngắt lời cậu ta, làm thế nào mà tâm trí lại có thể mạnh mẽ hơn khi ở trong rừng.

Không chút ngần ngại, Vova đáp: "Khi anh nhìn thấy người ta đang lao về phía mình. Không phải một, hai người mà là rất nhiều người. Chúng nó sẽ đá vỡ mặt anh và dĩ nhiên nó sẽ đau hơi lâu đấy. Nhưng, dù thế nào, anh cũng bao giờ bỏ chạy".

Khi đánh nhau là lẽ sống của người đàn ông

World Cup sẽ chính thức khởi tranh tại Nga vào 14/6. Ước tính khoảng 2 triệu du khách trên khắp thế giới sẽ đổ đến đây để theo dõi ngày hội bóng đá 4 năm chỉ có một lần. Bên cạnh khâu tổ chức sự kiện, nước chủ nhà Nga còn phải điên đầu với nhiều vấn đề có thể ảnh hưởng đến bộ mặt của họ: nạn phân biệt chủng tộc, đạo luật chống người đồng tính hay điển hình nhất là những cuộc xung đột đường phố giữa các nhóm cổ động viên quá khích.

Lo lắng này có cơ sở nếu chúng ta nhớ lại những gì đã diễn ra ở Pháp hai năm trước. Kỳ Euro năm ấy, Nga và Anh gặp nhau tại Marseille. Trước đây, một nhà báo Nga đã từng nói rằng hooligan tại xứ sở bạch dương bắt nguồn từ chính nước Anh (Anh được cho là nơi khai sinh ra chủ nghĩa hooligan). Nhưng có vẻ như càng ngày, lớp kế cận càng bạo hơn lớp đi trước. Hàng trăm cổ động viên quá khích của Nga đã lao vào tấn công, đập phá tiệm café và đánh thừa sống thiếu chết bất cứ người Anh nào lảng vảng trước mặt họ.

Theo thống kê, có tới gần 10 vạn người hâm mộ hai đội đã đổ về Marseille để theo dõi trận đấu và đã có hàng trăm người trong số này tạo ra một cảnh tượng hỗn loạn ở khu vực bến cảng vài giờ trước trận đấu tại Stade Velodrome. Nhiều người vô tội thậm chí còn phải nhập viện do bị các hooligan Nga ném đá liên tiếp vào đầu.

Đánh nhau ngoài phố chưa đủ, họ thậm chí còn vào sân để thỏa mãn sở thích của mình. Vụ việc này sau đó khiến Liên đoàn bóng đá Nga bị phạt rất nặng còn những kẻ tham gia thì người bị tạm giam, người bị trục xuất về nước. Nhận thức rõ mối nguy hiểm đến từ những cổ động viên quá khích, nước chủ nhà Nga đã gấp rút triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn câu chuyện này tái diễn một lần nữa trên chính sân nhà mình.

"Chúng ta cần bảo đảm an ninh tối đa cho các cầu thủ và cổ động viên", tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong bài diễn văn trước lực lượng cảnh sát nước này vào mùa đông năm ngoái – trước khi khẳng định với cơ quan này rằng "sự kiện có thành công hay không, hình ảnh đất nước trong mắt bạn bè quốc tế có đẹp hay không tất cả đều đặt trên vai các anh".

Tuy nhiên, vấn đề an ninh không đơn giản phụ thuộc vào chiếc máy dò kim loại hay một vài thủ tục trước trận. Chính quyền Nga cần đảm bảo sẽ không có một cuộc bạo loạn tương tự như ở Marseille hai năm trước tái diễn tại giải đấu năm nay. Dĩ nhiên, hai năm chuẩn bị cũng là một thời gian dài để một cường quốc như Nga có thể ngăn chặn (hoặc ít nhất là che giấu đi) thứ tư tưởng bạo lực của những hooligan trẻ tuổi như Vova đang dần lan rộng ra mỗi ngày.

Vậy, liệu câu chuyện đáng xấu hổ kia có tiếp tục tái hiện một lần nữa ở World Cup năm nay? Chính quyền Nga tuyên bố họ sẽ làm mọi biện pháp để ngăn chặn những sự cố đáng tiếc xảy ra. Nhưng "chắc chắn" là một khái niệm gì đấy thật mông lung – với cả những người cầm quyền và với cả những hooligan đang thèm được đấm vào mặt ai đấy.

"Sẽ không có chuyện như ở Pháp hai năm trước lặp lại đâu", Vlad – bạn Vova đồng thời cũng là thành viên của hội Legion thừa nhận, "an ninh của Nga tốt hơn hẳn". Dù vậy, theo lời Vlad, chắc kiểu gì cũng có "vài vụ va chạm nho nhỏ". Vài tháng sau, trong một cuộc nói chuyện khác giữa chúng tôi, cậu ta nhấn mạnh lần nữa "sẽ có một vài vụ nhỏ nhỏ xảy ra, nhưng không phải vì người Nga khiêu khích trước".

Góc tối nước Nga: Hooligan trẻ tuổi và những trận đánh đẫm máu trong rừng sâu - Ảnh 2.

Khung cảnh hỗn loạn do hooligan Nga gây nên trong trận đấu giữa Arsenal Tula và Spartak Moscow.

Hooligan ở Nga là một khái niệm phổ biến nhưng đa phần trong số họ không thích khoe mẽ về những gì mình làm. Như Vlad, cậu ta không thường kể chuyện hooligan của mình cho mọi người xung quanh bởi "nó không phải vấn đề chung của xã hội, nó là việc cá nhân". Vlad cũng không muốn công khai tên tuổi để tránh rắc rối liên quan đến cảnh sát. Như lời cậu trai trẻ kể thì vài năm trở lại đây, chủ nghĩa hooligan ở Nga đã bị chính quyền lưu tâm và đàn áp thẳng tay.

Rất nhiều bạn bè của cậu đã bị bắt và tra hỏi. Điều đó khiến những cuộc chiến hooligan mà Vlad đam mê ngày càng khó khăn hơn.

"Vậy, cậu về nhà với đôi mắt thâm tím hay đại loại vậy", tôi hỏi Vlad, "cậu sẽ nói gì với gia đình mình?". Tôi đã cố tưởng khuôn mặt ngớ ngẩn của Vlad khi phải tìm cớ nói dối sao cho hợp lý.

Nhưng hóa ra, đó chẳng phải vấn đề.

"Không ai chú ý đến việc đó cả", Vlad trả lời thẳng thừng. Cậu giải thích rằng ở Nga, việc một thằng con trai đánh nhau là hết sức bình thường. "Vậy đấy, khi một đứa con trai lao vào cuộc chiến – nó chẳng phải chuyện gì to tát cả. Tôi là thằng đàn ông, không phải một đứa con gái", cậu thản nhiên trả lời và ra điệu xua tay. "Anh có thể chọn sống như đàn bà", Vlad tiếp tục, "hoặc đứng lên và sẵn sàng chiến đấu mọi lúc mọi nơi như một thằng đàn ông. Đó là cách chúng tôi lựa chọn".

Hiệp thứ ba, trận đấu của những hooligan

Anton sẵn sàng chiến đấu ở mọi nơi. Anton trông dữ tợn như một tên bảo kê quán bar. Ngoài việc làm huấn luyện viên boxing, cậu ta còn kiêm công việc bồi dưỡng và đào tạo hooligan ở một phòng gym tại St. Petersburg. Anton yêu những cuộc chiến, cậu có thể nói không ngừng nghỉ về chúng cả ngày.

Có một vài từ lóng trong giới hooligan ở Nga, ví dụ như "hiệp ba" – cách chơi chữ bắt nguồn từ việc bóng đá có hai hiệp và hiệp ba chính là trận đấu của những hooligan. Nếu bạn thấy ai đó gọi một người là otmorozok, tức là anh ta là một kẻ máu lạnh, đôi khi cũng có thể là kẻ rối loạn tinh thần. Hoặc solyanka, tên gọi một loại súp ở Nga, lại có nghĩa là một trận đại chiến (thường thì khoảng 50 vs 50). Anton đặc biệt thích những trận đánh kiểu này.

Anton là thành viên của Rude Boys, hội hooligan của câu lạc bộ giàu truyền thống nhất nước Nga, CSKA Moscow. Cơ duyên đưa Anton trở thành một hooligan bắt đầu từ năm 11 tuổi: Khi ấy, cậu cùng lũ bạn quanh nhà đang trên đường trở về sau trận đấu giữa Zenit và CSKA thì bỗng bị một nhóm fan Zenit từ đâu nhảy ra đánh túi bụi. Hooligan thì hooligan nhưng tụi này cũng chơi rất đẹp. Chúng chỉ đánh mấy đứa lớn còn Anton và một cậu nhóc nữa còn quá nhỏ nên được tha. Dù vậy, những hình ảnh bạo lực đó đã hằn vào sâu bên trong tâm hồn non nớt của một đứa trẻ mới 11 tuổi. Anton kể cho đến giờ cậu vẫn nhớ rõ tiếng rên rỉ của các bạn mình hôm ấy.

Góc tối nước Nga: Hooligan trẻ tuổi và những trận đánh đẫm máu trong rừng sâu - Ảnh 3.

Rất nhiều những phòng gym ở Nga mở ra để đào tạo hooligan.

Năm nay, Anton 20 tuổi. Bạn bè hay gọi cậu là Antosha – tức là Anton bé bỏng. Nghe có vẻ buồn cười nhưng trong mắt mọi người, cậu được đánh giá là một người khá hiền lành, dù cho, không thể che giấu sự thật cánh tay trái của Anton là một mớ hổ lốn toàn sẹo với sẹo.

Khi bước đi, Anton thường nắm chặt tay mình tạo thành hình nắm đấm.

"Tôi đã tham gia vào hơn 60 trận chiến", cậu kể về chiến tích của mình khi chúng tôi cùng dùng bữa tối. Anton chìa ra đoạn video ghi lại cảnh cậu trong một trận hỗn chiến kiểu solyanka vào đúng ngày sinh nhật của mình. Âm thanh to nên có thể nghe rõ tiếng một cậu thanh niên hét lên giận dữ "Mẹ kiếp, đứng dậy ngay" bằng tiếng Nga. Nhận thấy tiếng ồn có vẻ làm phiền bàn bên, Anton nhanh chóng hạ âm lượng xuống.

Thường thì trước trận chiến, thủ lĩnh các bên sẽ nhắn tin thông báo thời gian và địa điểm cho nhau trước. Rừng là phổ biến nhất nhưng đôi khi những bãi đất hoang cũng có thể trở thành bãi chiến trường. Số lượng "đấu sĩ" tham gia sẽ được thương lượng từ trước, dao động từ 5 vs 5 và cũng có thể lên tới 100 vs 100. Đúng thời gian đã định, hai bên đến điểm hẹn và việc còn lại không cần nói nhiều – lao vào đập nhau.

Đó là góc khuất mà những nhà chức trách Nga không muốn chúng ta nhìn thấy. Thường thì các hội sẽ dàn thành hai hàng (cũng có thể nhiều hơn), nhiệm vụ của các đấu sĩ hàng đầu là mở màn trận đấu bằng những cú song phi trước khi tất cả lao vào giáp lá cà.

Có một thứ luật bất thành văn ở Nga mà hầu hết các hội quốc tế đều không tán đồng. Trong khi hooligan các nước châu Âu thích đánh nhau bằng dao hoặc tay gấu, ở Nga, họ chỉ dùng duy nhất nắm đấm để chứng tỏ sức mạnh của mình. Ngoài ra, các ngón đòn hiểm chỉ có thể thấy trên sàn diễn WWE cũng thường được sử dụng trong các trận đấu hooligan tại xứ bạch dương.

Anton nói rằng một khi những hooligan đã lao vào nhau thì chẳng còn cách nào dừng lại. Giống như một chiếc máy bay chiến đấu lạc giữa sương mù, tất cả là vấn đề bản năng, bạn phải đánh trước khi có người đánh bạn. Đơn giản là vậy.

Thương tích dĩ nhiên là điều không tránh khỏi, tuy nhiên, những vết thương trong trận chiến lại làm nên giá trị của một hooligan. Đối với các đấu sĩ trẻ tuổi, mục đích lớn nhất của họ là nhận được chiếc áo phông từ người thủ lĩnh. Chỉ khi các thành viên mới chứng tỏ được năng lực và giá trị của mình, họ mới xứng đáng được trao chiếc áo phông từ thủ lĩnh. Khoảnh khắc họ khoác chiếc áo lên người, tất cả sẽ là một gia đình. "Bạn không bao giờ phải chiến đấu đơn độc", Anton khẳng định. "Đó, là cuộc chiến của một tập thể".

(Còn tiếp)