Giữa cái tấp nập và ồn ào của California, dường như khách hàng ra vào không mấy để ý đến sự hiện diện của ông chủ tiệm Tuts Bakery and Cafe đang cặm cụi đi dọn chén đĩa bẩn trên bàn. Hoặc do họ cũng chẳng quan tâm ông ta là ai, ông chủ hay đơn giản chỉ là nhân viên làm công. Nhưng, sự thật người đàn ông đó đã từng trải qua một thời lẫy lừng.
Họ bước vào tiệm Tuts, mải mê ngắm nhìn những chiếc bánh nhỏ xinh được bày biện gọn ghẽ dưới lớp kính trắng. Những bảng giá màu đen viết tay tỉ mỉ khiến người ta thấy thật khó tin người đàn ông đó đã dành cả tuổi trẻ để dùng chân nhiều hơn là dùng tay. Họ bước đến trước quầy oder, gọi chút latte nhấm nháp hay cốc trà thanh đạm. Cũng có người gọi menemem – bữa sáng truyền thống kiểu Thổ Nhĩ Kỳ, quê hương của ông chủ quán. Tới trưa, món xúc xích soujouk và thịt viên Thổ Nhĩ Kỳ hầu như làm bao nhiêu cũng không xuể.
Ông chủ tiệm bánh Tuts từng là người hùng ở kỳ World Cup 2002.
Những viên thịt gợi nhớ về một nơi ông đã từng gọi là nhà, nay chỉ còn là địa ngục nếu ông một lần trở lại. Phải, đây là câu chuyện về Hakan Sukur, người hùng World Cup 2002 của ĐT Thổ Nhĩ Kỳ, nay là chủ tiệm bánh ngọt và café Tuts ở Palo Alto, California.
"Đêm đen đâu phải thứ vĩnh hằng"
Năm nay 46 tuổi, Sukur từng là vận động viên thể thao nổi tiếng nhất nhì ở đất nước của những chiếc kebab. Với những người yêu bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ, ông được coi như một tượng đài bất diệt. Không những thi đấu và thành danh trong màu áo Galatasaray với đỉnh cao là UEFA Cup năm 2000, Hakan Sukur còn nhận được sự tôn trọng của những đại kình địch như Fenerbahce hay Besiktas.
Cần nhớ, bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã hoen ố vì những vụ bạo động đẫm máu từ các cổ động viên. 5 năm trước, một fan 19 tuổi của đội bóng áo vàng đen đã bị đâm chết tại chỗ còn 122 người đã bị bắt giam sau trận derby đẫm máu giữa Galatasaray và Fenerbahce.
Cho tới nay, Sukur vẫn đang giữ kỷ lục ghi bàn cho ĐTQG với 51 bàn thắng. Tính về số lần khoác áo ĐTQG, ông cũng chỉ thua mỗi thủ môn Rustu Recber (112 trận so với 120 trận).
Như đã nói ở trên, ông chủ tiệm bánh Tuts từng đóng vai người hùng của cả dân tộc khi cùng ĐT Thổ Nhĩ Kỳ giành huy chương đồng World Cup 2002. Bàn thắng ở 10,8 giây sau tiếng còi khai cuộc của Sukur vào lưới ĐT Hàn Quốc cho đến giờ vẫn là pha lập công nhanh nhất lịch sử giải đấu.
Hakan Sukur đứng trên đỉnh cao danh vọng mà mọi cầu thủ bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ mơ ước.
Đứng trên đỉnh cao danh vọng, điều gì đã kéo tụt ông từ một tượng đài bất diệt trở thành kẻ lưu vong xứ người?
Đôi khi, Sukur vẫn muốn trở lại mảnh đất ông từng lớn lên, muốn những đứa con được một lần thấy mặt ông bà… Nhưng, bản thân ông hiểu mọi thứ đã chẳng thể lấy lại được kể từ giây phút ông bước trên con đường của một chính trị gia.
"Nơi ấy vẫn luôn là quê hương tôi. Tôi yêu những con người ở đó, dù cho những điều họ nghĩ, họ biết về tôi đều bị truyền thông dắt mũi", Sukur trầm ngâm. "Tương lai không xa, biết đâu tôi sẽ trở về nơi đó một lần nữa".
Ở Mỹ lâu nên tiếng Anh của Sukur cũng cải thiện rõ rệt, ông phát âm khá chuẩn nhưng có điều đặc biệt là Sukur thường mở đầu bằng tiếng Anh và kết thúc bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Đây là cuộc phỏng vấn đầu tiên ông đồng ý tham dự kể từ sau khi rời Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2015, khoảng một năm trước khi cuộc đảo chính nhằm lật đổ chính quyền của tổng thống Erdogan nổ ra và rồi thất bại nhanh chóng.
Sukur và vợ cùng ba đứa con đã trốn khỏi Thổ Nhĩ Kỳ trước khi cuộc đảo chính nổ ra nhưng sự nổi tiếng, quyền lực chính trị và tiền tài của người hùng World Cup biến ông trở thành cái gai trong mắt tổng thống Erdogan.
Trên chính đất nước ông từng được ca ngợi như một đấng cứu thế, tất cả lúc này chỉ còn là những tờ truy nã vô cảm. Cha của Sukur, Selmet, bị bắt tại một nhà thờ Hồi giáo ở Adapazari. Họ bị buộc tội hỗ trợ đảo chính về mặt tài chính và bị tịch thu toàn bộ tài sản. Sau đó không lâu, có tin đồn ông Selmet qua đời vì bệnh ung thư khi đang thụ án.
Một người bạn ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bí mật nói với Sukur rằng ông có thể trở lại quê nhà và có tất cả mọi thứ như trước, chỉ cần Sukur công khai ủng hộ tổng thống Erdogan và chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.
"Tôi đã có thể sống một cuộc đời nhung lụa và trở thành một bộ trưởng nếu sống như con rối cho họ điều khiển", Sukur tiếp tục. "Mà giờ tôi đang đi bán café".
Ông mỉm một điệu cười buồn, nhìn về phía con đường tấp nập mà mơ màng một điều gì đấy. Qua những viên thịt còn nóng hổi trên đĩa, Sukur ẩn dụ đến đất nước Na Uy, nơi mùa đông lạnh giá luôn theo ngay sau những ngày hè rực rỡ – như một kiểu so sánh ngầm về cuộc đời ông: từng đứng trên đỉnh vinh quang nhưng giờ lại phải lưu vong nơi đất khách quê người. Dù vậy, hy vọng là điều chẳng bao giờ vụt tắt trong suy nghĩ của người đàn ông ấy.
"Màn đêm rồi sẽ qua đi", Sukur nói giọng nhẹ nhõm. "Ngày nào đó ánh sáng sẽ trở lại, đêm đen đâu phải thứ vĩnh hằng".
Hakan Sukur xứng đáng được xem như tượng đài của bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ với rất nhiều thống kê ấn tượng. Đồ họa: Quý Sáng.
Cuộc nói chuyện hình như chiếm kha khá thời gian của ông chủ tiệm Tuts Bakery and Café. Nhận ra mình còn đống đĩa bẩn chưa rửa, ông đứng dậy thu dọn từng bàn những người khách vừa ngồi xong. Mỉm cười, lặng lẽ rửa sạch chén đĩa để phục vụ cho những người khách kế tiếp, biết đâu, ai trong số đó lại là người đồng hương của ông.
Ở Thổ Nhĩ Kỳ vài năm trước, Hakan Sukur luôn bị các fan vây kín mỗi khi ra đường. Ở đây, chẳng ai chú ý đến ông. Bởi suy cho cùng, người hùng giờ cũng chỉ là chủ tiệm bánh…
Từ tượng đài thành kẻ lưu vong
Đã xa rời bóng đá từ lâu để dấn thân vào con đường chính trị nhưng Sukur chưa bao giờ quên mình là một cầu thủ, kể cả lúc này. Cơ thể ông có phần ì ạch hơn nhưng đôi chân thì vẫn như điện xẹt. Đỡ gọn gàng đường chuyền của đồng đội, Sukur trình diễn một màn ảo thuật hoàn hảo với trái bóng. Ông bứt tốc, dễ dàng vượt qua hậu vệ đối phương đang lạch bạch chạy theo trong vô vọng rồi tung cú sút cháy lưới đội bạn. Tất cả gợi nhớ về một Hakan Sukur huy hoàng năm nào, chỉ khác điều: chẳng ai dành cho ông những tràng vỗ tay tán dương bởi đơn giản trận đấu này cũng đâu có cổ động viên.
Hồi tuần trước, mình Sukur đã ghi 11/15 bàn cho đội bóng của ông. Đội của Sukur thường bắt đối vào tối thứ tư tại một công viên gần trụ sở chính của Google. Họ làm đủ thứ nghề, từ kỹ sư, đầu bếp,… nhưng tuyệt nhiên không có ai là cựu cầu thủ chuyên nghiệp cả. Dù vậy, tất cả đều biết Sukur là ai, cũng như từng là ai.
Bàn thắng Hakan Sukur ghi vào lưới ĐT Hàn Quốc vẫn là pha lập công nhanh nhất lịch sử World Cup.
Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn hay nhắc về Sukur với bàn thắng ở giây thứ 10,8 trong trận tranh hạng ba với Hàn Quốc tại World Cup 2002. Nổi tiếng là thế nhưng bản thân Sukur không thích người ta cứ nói đi nói lại câu chuyện này.
"Tôi đã ghi rất rất nhiều bàn", ông cười sảng khoái. "Chứ có phải duy nhất một bàn đấy đâu".
Từ Champions League tới giải vô địch quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, Super Lig, Sukur đều chứng tỏ phẩm chất của một cây săn bàn đáng sợ khi ghi tổng cộng 332 bàn thắng trong suốt sự nghiệp. Khởi nghiệp trong màu áo CLB Bursaspor, Sukur nhanh chóng được "ông trùm" bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ Galatasaray chú ý. Ông đá hơn 300 trận cho đội chủ sân Istanbul, giành tổng cộng 8 chiếc cúp quốc gia và đỉnh cao là UEFA Cup năm 2000 sau loạt penalty cân não với Arsenal.
Hakan Sukur từng có thời gian chơi bóng ở Italy trong màu áo Torino và sau này là Inter Milan. Ông cũng được trải nghiệm cảm giác thi đấu ở Premier League khi gia nhập Bolton năm 2002. Tới năm 2008 thì Sukur chính thức giải nghệ trong màu áo Galatasaray. Ngày ông chia tay sân cỏ, rất nhiều người hâm mộ Bò mộng xứ Bosphorus phải khóc thầm cho một biểu tượng của bóng đá nước nhà.
Bò mộng Bosphorus nhận được sự nể trọng từ mọi đội bóng ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau thời gian ngắn làm bình luận viên truyền hình, Sukur quyết định dấn thân vào con đường liều lĩnh mang tên "chính trường" – mà sau này, nó đã đẩy cuộc đời của người hùng dân tộc thành kẻ thân bại danh liệt phải tha hương trên xứ người.
Vòng xoáy của những chính trị gia
Vị thế to lớn của Sukur tại Thổ Nhĩ Kỳ là nguyên nhân khiến ông được các chính trị gia đặc biệt chú ý. Thị trưởng thành phố Istanbul khi ấy, Erdogan tranh thủ tạo dựng được mối quan hệ khá tốt với Sukur để lấy lòng công chúng trong chiến dịch tranh cử chức thủ tướng ở thời điểm mà Tansu Ciller sắp kết thúc nhiệm kỳ. Ngoài ra, một nhân vật đặc biệt khác cũng tiếp cận Bò mộng Bosphorus là Gulen, thầy của vợ cũ của Sukur đồng thời là giảng viên môn cơ sở lý luận Hồi giáo tại trường đại học Istanbul.
Lại nói về Gulen, ông này là một giáo sĩ sống lưu vong ở bang Pennsylvania, Mỹ và nổi tiếng với phong trào Hizmet nhằm thúc đẩy đất nước tiến tới dân chủ, cải thiện giáo dục, đồng thời cởi mở văn hóa với châu Âu hơn phần lớn các nước Trung Đông bấy giờ. Tuy nhiên, có tin đồn Gulen luôn âm mưu một cuộc đảo chính để trở thành người lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ.
Xung đột nổ ra khi phía những người ủng hộ Gulen, trong đó có Sukur tỏ ra không đồng thuận với các sách lược có phần bạo lực và chuyên chế của chính quyền Erdogan. Hai bên từ bạn bỗng hóa thành thù chỉ trong chớp mắt.
Erdogan bắt đầu cảm thấy lo lắng về những mối nguy hại có thể ảnh hưởng đến quyền lực của mình. Đến năm 2013, ông ta ra lệnh đóng cửa tất cả các trường học đang hoạt động dưới danh nghĩa của Gulen. Sau sự kiện này, Sukur quyết định rời Đảng chính phủ để trở thành một nghị sĩ độc lập – đây cũng là khởi điểm của mọi rắc rối.
Sukur liên tục có những phát ngôn công khai chống lại chế độ của Erdogan. Có lần, người hùng của bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ đứng trước các sinh viên đại học và tuyên bố: "Tôi là người Albania, không phải người Thổ Nhĩ Kỳ". Quả thật Sukur có gốc gác Albania nhưng việc nhận mình là người Albania ở Thổ Nhĩ Kỳ chẳng khác gì công khai chống đối chủ nghĩa dân tộc hiện hành.
Tới năm 2016, Hakan Sukur đối mặt với bản án tù 4 năm do những phát ngôn nhắm vào thủ tướng Erdogan trên Twitter. Tháng 6 cùng năm, liên tiếp những vụ bạo động nổ ra ở Thổ Nhĩ Kỳ khiến hơn 250 người chết và khoảng 60,000 người bị bắt giữ. Người ta nghi ngờ những kẻ ủng hộ tư tưởng của Gulen đứng sau những vụ việc này. Tới tháng 8 năm 2016 thì Hakan Sukur chính thức bị phát lệnh truy nã. Các công tố viên ở Sakarya cáo buộc cựu tuyển thủ quốc gia có dính líu tới hàng ngũ của bọn khủng bố.
Cuộc sống mới, tự do mới
Dù vậy, Sukur cùng gia đình đã thấy trước được tương lai đen tối này nên đã bí mật trốn sang Palo Alto, Mỹ vào năm 2015. Ông có nhiều bạn bè ở đây và nó cũng khá gần với trường đại học Stanford nổi tiếng – điều này làm Sukur cảm thấy rất thích thú.
"Thời tiết tốt, cuộc sống cũng ổn, miễn chê", Sukur nhận xét.
Sukur kể rằng ông đã dành một tháng ở California trong khi tình hình chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày một trầm trọng hơn. Ông mua lại một phần của tiệm bánh và café Tuts do người bạn khai trương vào năm 2016 để lấy visa cho nhà đầu tư nước ngoài rồi sau đó mới đón vợ con sang.
"Tôi muốn họ được tự do, trở thành những con người độc lập", Sukur chia sẻ. "Ở Thỗ Nhĩ Kỳ, con của những người nổi tiếng được đối xử theo một cách đặc biệt. Tôi muốn con mình đến một đất nước khác, học tập một nền văn hóa khác và tự đứng lên bằng chính đôi chân mình. Đó là lý do tôi quyết định đến Mỹ. Nhất là khi tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày một biến động, tôi nghĩ đó là thời điểm thích hợp để ra đi".
Hakan Sukur hiểu rằng ông còn may mắn hơn rất nhiều người khác khi có thể ngồi đây mà nói ra câu chuyện của mình. Có rất nhiều người sẽ mãi phải câm lặng, hoặc không, họ sẽ ngồi tù mọt gông nếu dám đụng chạm đến chính quyền Erdogan.
"LeBron James ấy, anh ta nói thoải mái về tổng thống, về chính quyền", Sukur tiếp tục câu chuyên. "Tự do là điều gì đấy thực sự rất quan trọng. Bạn cần có tiếng nói của mình. Nhưng ở đất nước tôi, anh thấy đấy, tôi nói đủ thứ và rồi thì cả đống rắc rối vây quanh".
Hồi tuần trước, Hakan Sukur hẹn gặp một người bạn thân khi còn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Người này đảm bảo sự an toàn cho Sukur nếu ông trở lại quê nhà với điều kiện giữ im lặng và hành động theo những gì Erdogan muốn. Dĩ nhiên, ông không đồng ý.
Hít một hơi thật sâu, Sukur trầm tư: "Có hàng ngàn, hàng chục ngàn người ngoài kia đang phải chịu cảnh tù túng đó. Tôi đâu thể sống mà lấy lợi ích mình đặt trên tất cả. Nếu thế, tôi sẽ đánh mất đi lòng tự trọng của chính mình".
Không như nhiều tin đồn thất thiệt cha Sukur đã qua đời vì ung thư khi đang thụ án, Sukur cho biết cha mình đã mãn hạn tù nhưng hiện vẫn phải chống chọi với căn bệnh ung thư. Cựu tuyển thủ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thường liên lạc với gia đình qua FaceTime. Bà mẹ của Sukur cứ luôn miệng cảm ơn Chúa mãi vì Ngài đã cho ra đời chiếc điện thoại thông minh để ông bà có thể nhìn mặt con trai và các cháu.
"Hôm thứ sáu vừa tồi, cha nói với con tôi rằng, 'Ông yêu cháu', 'ông muốn ôm cháu vào lòng'. Thế rồi ông bật khóc nức nở, và chúng tôi cũng không thể kìm những giọt nước mắt rơi ra. "Tôi biết có những người như tôi ở Mỹ, họ chẳng thể trở lại nơi mình từng gọi là nhà và ôm chặt vào lòng những người họ yêu thương".
Tiệm bánh và cafe Tuts chưa phải điểm dừng của Sukur trong hành trình chinh phục "Giấc mơ Mỹ".
Visa của Sukur ở Mỹ sẽ hết hạn vào năm 2020 và ông đang cố xin visa xanh cho mình và gia đình. Tuy nhiên, câu chuyện này có vẻ không mấy đơn giản với tình hình lúc này. Sukur cho biết kế hoạch dài hơi của ông ở Mỹ không phải làm chủ cửa hàng cafe, ông muốn lập một học viện bóng đá và trở thành một huấn luyện viên – như những gì ông nghĩ mình sẽ làm nếu còn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Vài người bạn của ông ở quê nhà có thể giúp đỡ kha khá về mặt tài chính nhưng những vấn đề chính trị kéo theo thực sự vẫn rất khó lường.
"Giờ chỉ mới có vài ba nhà đầu tư thôi", Sukur thở dài. "Nhiều người giờ sợ bị bắt gặp đi với tôi lắm. Nhưng tôi sẵn lòng hợp tác với những nhà đầu tư ở Mỹ và cả các vận động viên thể thao có nhu cầu. Tôi tin rằng mình có thể cống hiến được nhiều cho đất nước này. Tôi có một mạng lưới đủ rộng trên khắp châu Âu và cả những quốc gia khác. Tôi nghĩ mình có thể làm được điều gì đó".
Giống như những khách hàng bước vào tiệm Tuts mỗi ngày, hầu như hàng xóm của Sukur không biết ông là ai – hoặc đã từng là ai. Đơn giản trong mắt họ, gia đình 4 người này chỉ là những người Thổ Nhĩ Kỳ nhập cư muốn tìm một tương lai tươi sáng hơn trên đất Mỹ.
"Có ngày nọ, một người hàng xóm bước vào cửa hàng của tôi và trông thấy mọi người đang xin chụp hình cùng", Sukur kể. Anh ta hỏi tôi: "Thế quái nào có người xin chụp ảnh cùng anh thế? Trông cũng đâu đẹp trai lắm nhỉ".
Sukur kết thúc cuộc phỏng vấn bằng một điệu cười sảng khoái. Bóng chiều tà dần buông, giờ tan tầm cũng vãn, giờ là lúc ông chủ dọn tiệm để về nhà với vợ con…